Chìm phà Hàn Quốc: Những con người khiến ta phải nể phục!

19/04/2014 15:09
Nguyễn Hường
(GDVN) - Một dân tộc mạnh là một dân tộc biết đoàn kết, một dân tộc biết đoàn kết sẽ là một dân tộc mạnh. Xin chia sẻ sự mất mát to lớn này với nhân dân Hàn Quốc

Những ngày qua, dư luận Hàn Quốc và thế giới liên tục "nóng" lên bởi những tin tức liên quan tới vụ chìm phà chở 475 người gần đảo Jeju, trong đó phần lớn là học sinh trung học.

Một cụ bà chắp tay nhìn ra biển cầu nguyện cho con cháu của bà đang mất tích trên chuyến phà định mệnh.
Một cụ bà chắp tay nhìn ra biển cầu nguyện cho con cháu của bà đang mất tích trên chuyến phà định mệnh. 
Nhiều người đã không kìm được nước mắt khi chứng kiến cảnh hàng trăm gia đình đau khổ đổ tới hiện trường vụ tai nạn chờ đợi tin tức về số phận của người thân, con cái họ có mặt trên chiếc phà đang nằm hàng chục mét dưới làn nước lạnh giá. 
Nhiều người vừa khóc và không ngừng cầu nguyện Đấng tối cao ban cho người thân của họ sức mạnh, một điều kỳ diệu hay dù chỉ là một chút may mắn để họ thoát khỏi thảm kịch này, xua đuổi tử thần đưa con cái họ trở về với vòng tay của mình như chỉ vài chục giờ trước đó, khi họ tiễn con lên tàu tham gia chuyến dã ngoại 4 ngày đầy háo hức.
Không ít cha mẹ vừa đau khổ chờ đợi với hy vọng ngày càng tan dần đi như bong bóng và không khỏi xót xa ân hận và tự trách mình vì một lỗi lầm nào đó họ đã mắc phải với người thân đang đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, có thể chẳng bao giờ trở về cho họ có cơ hội nói một lời xin lỗi.

Đau thương cũng hóa thành giận dữ. Nhiều người đã chỉ trích chính phủ Hàn Quốc chậm chạp trong nỗ lực cứu hộ để tìm kiếm và giải cứu những người sống sót. Họ tấn công các quan chức chính phủ nước này khi công bố quyết định tạm dừng tìm kiếm vì thời tiết quá xấu. Nhưng không ai có thể trách họ trong hoàn cảnh này bởi người ta hiểu, nỗi đau mà họ đang phải trải qua là quá lớn.

Tổng thống Park Geun Hye tới tận hiện trường chỉ đạo cứu hộ và chia sẻ nỗi đau với thân nhân hành khách.
Tổng thống Park Geun Hye tới tận hiện trường chỉ đạo cứu hộ và chia sẻ nỗi đau với thân nhân hành khách.
Nhiều người có thể vô cùng bất bình với cách xử lý khủng hoảng một cách thiếu trách nhiệm của viên thuyền trưởng Lee Joon Seok, 69 tuổi, người nhanh chóng đã rời bỏ chiếc phà khi nó đang nghiêng để thoát thân.
Nhưng chắc chắc tinh thần trách nhiệm và tấm gương đạo đức của những nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng đã khiến nhiều người phải kính phục và cảm động trong sự kiện này.
Trong hàng trăm bức ảnh được công bố từ hiện trường vụ chìm phà, có rất nhiều bức ảnh cho thấy nữ Tổng thống Park Geyn Hye có mặt tại hiện trường thảm kịch từ rất sớm. Bà xông xáo lên tàu cứu hộ tới tận hiện trường chỉ đạo công tác giải cứu các nạn nhân bất chấp mưa gió, lạnh giá. 

Bà di chuyển như con thoi từ hiện trường tới đảo Jindo, nơi có một trung tâm cứu hộ và có hàng trăm gia đình đang nóng lòng chờ đợi tin tức về số phận thân nhân của họ trên chiếc phà định mệnh. 

Phó hiệu trưởng Kang Min-gyu
Phó hiệu trưởng Kang Min-gyu
Nữ Tổng thống Hàn Quốc kiên nhẫn nghe và giải thích từ tốn từng câu hỏi của người dân, kể cả những người đang bị kích động trước nỗi đau mất con đã dành cho bà những lời lẽ gay gắt.  
Bà tới thăm hỏi từng gia đình, động viên họ bình tĩnh và vững tin vào các nhà chức trách. Bà thức trắng hàng đêm cùng những cha mẹ đang ngóng con, rơi lệ trước những giọt nước mắt của nhân dân, nhẹ nhàng trấn an họ mỗi khi làn sóng dận giữ trỗi dậy, chia sẻ từng cái nắm tay thật chặt khi xúc động tới nghẹn lời. 
Thông tin về việc Phó hiệu trưởng trường trung học Danwon tự sát sau thảm kịch cũng khiến nhiều người không khỏi xót xa. Trong bức thư tuyệt mệnh, nhà giáo này đã nhận tất cả trách nhiệm trước số phận của các học sinh của mình trên chuyến phà định mệnh.
Trong những lời cuối cùng, ông Kang Min-gyu, 52 tuổi, viết rằng :"Tôi không thể sống mà không biết xem học sinh của tôi còn sống hay không. Xin vui lòng cho tôi nhận tất cả trách nhiệm vì tôi đã thúc đẩy chuyến đi dã ngoại này. Xin hãy thiêu xác tôi và rải tro nơi con tàu bị đắm".
Những nhà sư Hàn Quốc tổ chức cầu nguyện cho các nạn nhân.
Những nhà sư Hàn Quốc tổ chức cầu nguyện cho các nạn nhân.

Mặc dù việc cha mẹ các em học sinh từ chối lời xin lỗi của ông có thể là nguyên nhân khiến vị Phó hiệu trưởng này tự sát, nhưng có lẽ lương tâm của ông cũng không thể tự tha thứ cho mình. Có lẽ từ sau thảm kịch, ông đã luôn tự dằn vặt bản thân mình rằng tại sao ông lại sống sót mà không phải những đứa trẻ kia? Rằng ông sẵn sàng đánh đổi sinh mệnh già nua của mình để những đứa trẻ được sống sót. Rằng không phải ông mà chính những đứa trẻ mới là người cần sống bởi chúng còn có cả một tương lai, một tương lai xây dựng đất nước tốt đẹp hơn.

Chắc hẳn trong tâm nguyện cuối cùng được rải tro của mình xuống vùng biển, nơi vụ đắm phà xảy ra, ông muốn linh hồn mình được gần gũi với những linh hồn nhỏ bé đã phải rời khỏi thân xác của chúng ở nơi này, để vỗ về những linh hồn nhỏ bé bị bất ngờ phải lìa cõi trần có lẽ đang sợ hãi ở nơi tối tăm của đại dương, để được an ủi phần nào cho chính linh hồn của ông.

Chắc chắc mọi người sẽ đồng tình với tôi rằng khi xem, đọc tin tức về thảm kịch chìm phà ở Hàn Quốc chúng ta không chỉ thấy cảm động rớt nước mắt và quặn thắt trái tim mà chúng ta còn thấy cảm phục trước những tấm lòng, sự tận tâm đầy trách nhiệm như những nhà lãnh đạo cấp cao như Tổng thống Park, Phó hiệu trưởng Kang. 
Một dân tộc mạnh là một dân tộc biết đoàn kết, một dân tộc biết đoàn kết sẽ là một dân tộc mạnh. Xin chia sẻ sự mất mát to lớn này với nhân dân Hàn Quốc và cầu chúc cho các bạn mãi mãi là một dân tộc mạnh./.
Nguyễn Hường