Chính sách đối ngoại của Trung Quốc không thể đoán trước

23/07/2014 06:24
Hồng Thủy
(GDVN) - Chính sách "láng giềng tốt" phải định hướng hành vi của Trung Quốc với các nước láng giềng, nhưng ngay thời điểm đó nó bị pha loãng bởi cuộc đối đầu với Nhật.
Thời Ân Hoằng, giáo sư đại học Nhân Dân Trung Quốc, cố vấn về chính sách đối ngoại của chính phủ Trung Quốc.
Thời Ân Hoằng, giáo sư đại học Nhân Dân Trung Quốc, cố vấn về chính sách đối ngoại của chính phủ Trung Quốc.

Tờ Budapest Business Journal ngày 22/7 đăng bài phân tích của Thời Ân Hoằng, giáo sư đại học Nhân dân Trung Quốc bình luận, đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 11/2012 đã bầu ra ban lãnh đạo mới của Trung Quốc nhưng không tạo ra nhiều sự lạc quan cho tương lai của các mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Á hay Hoa Kỳ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cổ động thực hiện cái ông gọi là "giấc mơ Trung Hoa" hay phục hưng Trung Quốc. Cùng với điều này, mục tiêu hiện đại hóa quân đội Trung Quốc cũng trở nên đơn giản và mạnh mẽ hơn: Có khả năng chiến đấu và giành chiến thắng.

Cũng đã có những báo cáo chính thức đột xuất và thường xuyên về những đột phá trong lĩnh vực tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc, bao gồm cả các loại vũ khí hiện đại, kỹ thuật quân sự tiên tiến và năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc.

Thái độ, tư thế của Trung Quốc trong các hoạt động tranh chấp lãnh thổ và hàng hải với láng giềng, đặc biệt là Nhật Bản và Philippines cũng đã cứng rắn (hung hăng) hơn. Tuy nhiên khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây đã tiến hành giải thích lại hiến pháp để cung cấp cho họ quyền tự vệ tập thể, tư thế của Trung Quốc đối với Nhật Bản đã lặng lẽ thay đổi một cách tinh tế, hướng tới chừng mực hơn.

Tuyên bố bất ngờ của Trung Quốc rằng họ (đơn phương) áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông là một hành động chiến lược quan trọng được đưa ra trong bối cảnh cuộc đối đầu căng thẳng với Nhật Bản. Nó cũng là bước đi chính thức đầu tiên của Trung Quốc để mở rộng "không gian chiến lược" vươn ra đại dương kể từ khi lập quốc. Tất nhiên động thái này có ý nghĩa rõ ràng với sự thống trị chiến lược của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Một sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc là sự suy giảm đáng kể của chủ đề "phát triển hòa bình" mà Tập Cận bình phát biểu tại Diễn đàn Bác Ngao tháng 4/2013 từ lâu đã được sử dụng để định hướng chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, trong đó nguyên tắc giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình đã không còn vai trò chi phối.

Trong khi những phát triển của tình hình dường như đã chỉ ra một sự thay đổi rõ ràng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ sau đại hội 18, đặc biệt kể từ mùa hè năm 2013.

Từ tháng 4 năm ngoái, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã một lần nữa nêu bật tầm quan trọng của "phát triển hòa bình", họ cũng nhấn mạnh mục tiêu tạo ra quan hệ quyền lực nước lớn loại mới với Hoa Kỳ. Tập Cận Bình đã nhiều lần cố gắng để đạt được sự chấp thuận mô hình này từ phía người đồng cấp Obama.

Những năm gần đây Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ về các vấn đề quốc tế nổi bật, bao gồm Bắc Triều Tiên, Syria và Iran, đồng thời đã có những bước hướng tới việc mở rộng tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Một hội nghị ngoại giao được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 10/2013 nhấn mạnh rằng chính sách "láng giềng tốt" phải định hướng hành vi của Trung Quốc với các nước láng giềng, nhưng ngay thời điểm đó nó bị pha loãng bởi cuộc đối đầu với Nhật Bản sau chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Hơn 2 tháng trước lại bùng nổ cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với Việt Nam xung quanh cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 (Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam - PV), mặc dù trước đó Bắc Kinh đã nỗ lực cải thiện quan hệ với ASEAN và các thành viên bao gồm Việt Nam, một trong những "đối thủ chính" của Trung Quốc ở Biển Đông, Thời Ân Hoằng nhận định.

Tương lai chính sách đối ngoại của Trung Quốc là như vậy, không chắc chắn, vì nó phụ thuộc vào các yếu tố trong nước và quốc tế diễn biến năng động và thường mâu thuẫn nhau. Thái độ của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng Ukraine là một ví dụ đáng chú ý về bản chất mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế thông qua đối thoại ngoại giao và đàm phán, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ quốc gia và hội nhập.

Bắc Kinh vẫn đưa ra những lời kêu gọi này bất chấp tầm quan trọng của mối quan hệ với Nga và mối quan hệ cá nhân giữa Tập Cận Bình với Putin. Tuy nhiên sức hấp dẫn công chúng trong lời kêu gọi của Trung Quốc tôn trọng nguyên tắc trên đã suy giảm đáng kể từ khi Nga sáp nhập Crimea. Trung Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể cho Nga được ngụy trang bằng thành toán thương mại để giúp Moscow vượt qua những khó khăn về kinh tế chủ yếu gây ra bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU.

Làm thế nào để Trung Quốc có thể cân bằng được yêu cầu cạnh tranh chiến lược của mình? Làm thế nào để những yêu cầu chiến lược này có thể vượt qua được những áp lực và khó khăn trong nước cũng như quốc tế? Đây sẽ là thách thức chủ yếu đối với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc vì họ phải vật lộn với việc định hình chính sách với các nước láng giềng và Hoa Kỳ.

Hồng Thủy