Chính trường Thái Lan: Nguyên tắc không được phép lãng quên

24/04/2016 14:01
Ngọc Việt
(GDVN) - Trong đời sống chính trị thì chỉ có đối tác hay đối thủ. Quyền lực được phân chia phù hợp với khả năng của các cá nhân và phe phái, không có chỗ cho...

AP ngày 23/4 đưa tin, cựu Thủ tướng Thái Lan Banharn Silpa-archa đã qua đời tại Bệnh viện Siriraj ở Bangkok hưởng thọ 83 tuổi. Ông Banharn làm Thủ tướng Thái Lan trong giai đoạn 1995 -1996 và rời khỏi chính trường sau 16 tháng đứng đầu Chính phủ tại vương quốc này.

Banharn Silpa-archa không phải là một chính trị gia nổi tiếng tại Thái Lan trước khi lên làm Thủ tướng và ông cũng không phải là một Thủ tướng thành công trong thời gian nắm quyền. Ông Banharn là lãnh tụ của đảng Chart Thái vào năm 1992, được bầu làm Thủ tướng thay ông Chuan Leekpai và bị thay thế bởi tướng Yongchaiyudh Chavalit.

Ông Banharn sinh ra ở Suphanburi trong một gia đình thương nhân người Trung Quốc. Ông đã bỏ dở chương trình đại học mà tham gia kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng vào những năm 1960 khi xây dựng bùng nổ tại Thái Lan.

Việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ tại Thái Lan nhằm phục vụ cho Chiến tranh Việt Nam - khiến ông trở thành triệu phú. 

Cố Thủ tướng Thái Lan Banharn Silpa-archa. Ảnh yahoo.com
Cố Thủ tướng Thái Lan Banharn Silpa-archa. Ảnh  yahoo.com

Tuy nhiên theo AP: “Những người chỉ trích cựu Thủ tướng Banharn cáo buộc rằng tham nhũng và yếu kém trong quản lý nền kinh tế của chính phủ - những nguyên nhân khiến cho đồng bath sụp đổ trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, đã khiến cho sự nghiệp chính trị của ông Banharn Silpa-archa kết thúc trong bão gió”.
  
Song theo cá nhân người viết, việc ông Banharn Silpa-archa phải rời khỏi vũ đài chính trị bởi ông đã vi phạm những nguyên tắc hay thiếu những điều kiện cần phải có khi tham gia vào đời sống chính trị. Từ đó khiến sự nghiệp chính trị của ông rơi vào tình trạng “kiếm củi ba năm thiêu một giờ” với những sai lầm không có cơ hội sửa chữa.

Trong chính trị không có chỗ cho tình bằng hữu

Tham gia hoạt động chính trị là tham gia vào hoạt động mang tính chổ chức, đảng phái và hướng tới việc tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước, nếu có cơ hội và được người dân uỷ thác quyền lực thông qua cơ chế uỷ nhiệm quyền lực nhân dân. Vì vậy, trong hoạt động chính trị phải có liên kết, liên minh hay tạo phe cánh.

Trong chính trị, có thể những người cùng một chiến tuyến nhưng không cùng một chiến hào. Nghĩa là người ta liên kết, liên minh với nhau để giành được sự uỷ thác quyền lực của nhân dân, chứ không hẳn người ta có cùng lợi ích.

Vì vậy trước khi liên minh, liên kết người ta thương lượng việc phân chia lợi ích, quyền lực với các đối tác và đó cũng là điểm chính trong hoạt động chính trị.

Khi liên minh hình thành thì sức mạnh của liên minh tăng lên – nghĩa là liên kết chính trị là hoạt động cộng sinh hình thành nên cộng hưởng. Dù là đối thủ hay đối tác, nhưng khi tham gia liên kết chính trị thì lợi ích chính trị - quyền lực - luôn phải là yếu tố đầu tiên nhất người ta hướng tới.

Và phân chia quyền lực cũng là cơ cở của sự gắn kết hay chia sẽ trong chính trị.

Trong chính trị không có chỗ cho sự vô tư theo phương châm “tứ hải giai huynh đệ”, bởi lẽ như vậy là triệt tiêu lợi ích chính trị cá nhân, trong khi đây là điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt động chính trị khởi phát và diễn ra. Đó cũng là cơ sở xác định trách nhiệm cá nhân trong hoạt động chính trị, hạn chế tình trạng “cha chung không ai khóc”, trách nhiệm tập thể.

Điều đó cho thấy, trong đời sống chính trị thì chỉ có đối tác hay đối thủ. Quyền lực được phân chia phù hợp với khả năng của các cá nhân và phe phái, không có chỗ cho tình bằng hữu vô tư.

Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Thái Lan Banharn Silpa-archa đã vi phạm nguyên tắc này khi “bổ nhiệm bạn nối khố không đủ năng lực để vào chính phủ và quản lý các doanh nghiệp nhà nước”, theo AP.

Cố Thủ tướng Thái Lan Banharn Silpa-archa tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Phillipines năm 1996. Ảnh: yahoo.com.
Cố Thủ tướng Thái Lan Banharn Silpa-archa tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Phillipines năm 1996. Ảnh: yahoo.com.

Từ việc vi phạm nguyên tắc đã mang lại nhiều hệ luỵ cho công việc điều hành chính phủ của Thủ tướng Banharn, cũng như hoạt động chính trị của ông Banharn sau này.

Thứ nhất, tình bằng hữu khiến cho ông không dám mạnh tay xử lý khi có thành viên chính phủ là bạn ông vi phạm quy định trong khi làm việc, thậm chí vi phạm pháp luật.

Thứ hai, từ hệ quả của việc không dám mạnh tay, Thủ tướng Banharn sẽ có nguy cơ trở thành công cụ cho tình bạn lợi dụng và khai thác, đối thủ tìm cách triệt hạ, đối tác rời xa và qua đó nhân dân mất tín nhiệm vào ông và chính phủ của ông.

Nguy hại hơn nữa, những tình bằng hữu ấy dẫn dắt ông vào những hành động phản lại ý tưởng của ông, đi ngược lợi ích nhân dân mà ông có trách nhiệm bảo đảm và bảo vệ.

“Banharn, hoặc các thành viên trong chính phủ của ông, đã bị cáo buộc nhận hối lộ cho các hợp đồng mua bán vũ khí và cấp giấy phép cho ngân hàng… Họ tham nhũng bằng việc chính trị hóa các trung tâm ngân hàng, tham gia vào những trò gian lận đất và khai thác gỗ bất hợp pháp. Họ hạn chế báo chí và ngăn chặn cải cách chính trị”, AP tường thuật.

Hậu quả là những thay đổi trong cơ cấu chính trị trên chính trường Thái Lan đã làm giảm ảnh hưởng của đảng Chart Thái và sau đó đảng này đã bị giải thể theo lệnh của Tòa án trong năm 2008 đối với cáo buộc có hành vi vi phạm luật bầu cử. Còn bản thân ông Banharn Silpa-archa đã bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.

Cái tầm là điều kiện tiên quyết đối với phẩm chất của người lãnh đạo

Có thể thấy rằng, dù Hiến pháp Hoa Kỳ quy định mọi công dân nước này nếu đủ điều kiện đều được tham gia tranh cử, ứng cử làm Tổng thống, song trong lịch sử chính trị của nước Mỹ, những người được lựa chọn nắm giữ vận mệnh quốc gia đều là những người có xuất thân hoạt động chính trị quốc gia hay tướng lĩnh cao cấp của quân đội nước này thời chiến tranh.

Sự khác biệt lớn nhất của người được dân Mỹ lựa chọn làm Tổng thống của họ là tài năng – cái tầm của người lãnh đạo. Nước Mỹ không thiếu người có tài, người thông minh, nhưng người có tầm lãnh đạo quốc gia, đảm bảo mang lại lợi ích tốt nhất cho mọi người dân Mỹ, cho nước Mỹ thì không dễ tìm được.

Và đó cũng là cơ sở lý luận và được chứng minh qua thực tiễn của việc tranh cử tìm ra người xứng tầm lãnh đạo tại đất nước cờ hoa.

Cố Thủ tướng Thái Lan Banharn Silpa-archa và Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra – cả hai chính trị gia đều bị xem là những người lãnh đạo thiếu tầm. Ảnh: Bangkok Post.
Cố Thủ tướng Thái Lan Banharn Silpa-archa và Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra – cả hai chính trị gia đều bị xem là những người lãnh đạo thiếu tầm. Ảnh: Bangkok Post.

Và không chỉ tại Mỹ, ở bất cứ quốc gia nào, tầm nhìn của người lãnh đạo cũng luôn là cơ sở, là điều kiện tiên quyết cho sự lựa chọn của người dân đối với nhân sự của bộ máy công quyền.

Và tầm nhìn của người lãnh đạo phải vượt qua hạn chế, rào cản của địa giới hành chính hay quy mô thực thể quản lý, lãnh đạo. Không đảm bảo được điều ấy thì người lãnh đạo được lựa chọn có thể là kết quả của một trong hai tình huống.

Thứ nhất là cơ chế lựa chọn lãnh đạo không minh bạch và thứ hai là có hiện tượng trao đổi, thậm chí “mua quan bán chức”. Và dù là kết quả của tình huống nào thì hậu qủa của việc người lãnh đạo thiếu tầm sẽ rất nghiêm trọng, không chỉ đối với quốc gia dân tộc mà còn cả cá nhân người lãnh đạo thiếu tầm ấy.   

“Banharn đã được coi là một bậc thầy của nền chính trị bó hẹp. Ông giúp cho tỉnh Suphanburi, khu vực trồng lúa quan trọng của Thái Lan, trở thành một trong những địa phương phát triển và thịnh vượng nhất đất nước. Thậm chí ông được mệnh danh là "Banharnburi." Tuy nhiên, ở cấp quốc gia thì kiểu cách chính trị khôn ngoan của ông lại diễn ra tồi tệ”, theo AP.

Nhà bình luận xã hội Thái Lan Sulak Sivaraksa thì nhận xét về nguyên nhân thất bại của cựu Thủ tướng Thái Lan Banharn Silpa-archa như sau: "Banharn là một chính trị gia lớn của một tỉnh, Nhưng thật không may, đó không phải là những gì cần thiết trong một Thủ tướng tại thời điểm quan trọng này".

Mặc dù trong lời chia chia buồn của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Thái Lan gọi Banharn là "một người ủng hộ lâu năm và mạnh mẽ cho mối quan hệ Hoa Kỳ-Thái Lan. Ông ấy đã làm việc không mệt mỏi để hòa giải mâu thuẫn giữa các phe phái chính trị tại Thái Lan, luôn luôn đấu tranh cho cử tri của mình và tìm cách tốt hơn cho tương lai của người Thái", song điều đó không phủ nhận được việc ông Banharn thất bại vì ông thiếu tầm lãnh đạo. 

Có thể thấy rằng, việc thất bại trong việc lãnh đạo chính phủ Thái Lan của cố Thủ tướng Banharn Silpa-archa là bài học rất sâu sắc, là kinh nghiệm rất quý giá cho những nhà lãnh đạo, những người làm chính trị tại Thái Lan và tại nhiều quốc gia trên thề giới – đó là không thể làm lãnh đạo nếu thiếu tầm và vi phạm những nguyên tắc cơ bản của nắm giữ và thực thi quyền lực.

Người lãnh đạo thiếu tầm là một trong những nguyên nhân làm trì trệ hoạt động của bộ máy công quyền, làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của đất nước và qua đó làm cho niềm tin của nhân dân vào chính quyền giảm sút – nguy cơ bất ổn của chế độ chính trị cũng bắt nguồn từ người lãnh đạo thiếu tầm.

Ngọc Việt