Chuck Hagel: Sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn chiến tranh

26/01/2013 19:00
Nguyễn Hường
(GDVN) - Trong lúc trải qua đau đớn vì những vết thương và ám ảnh với những hình ảnh chết chóc, Chuck Hagel đã ước: "Nếu tôi thoát ra được, nếu tôi trở thành người có ảnh hưởng, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn chiến tranh" - ông kể lại với người viết tiểu sử Charlyne Berens.
Nếu được Thượng viện Mỹ chấp thuận, Nghị sĩ Chuck Hagel sẽ là cựu chiến binh Việt Nam đầu tiên được bầu làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

"Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn chiến tranh" - là lời hứa từ tuổi 20 của ông Chuck Hagel.
"Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn chiến tranh" - là lời hứa từ tuổi 20 của ông Chuck Hagel.

Nhà viết tiểu sử của ông, Charlyne Berens, đã có bài phát biểu về quá trình hình nhãn quan chính trị của ông Hagel trong những tháng ngày tham gia chiến đấu tại đồng bằng sông Cửu Long, cùng người em trai tên là Tom.
Bị bỏng nặng trong một trận chiến tại Việt Nam, Chuck Hagel được chuyển tới trực thăng cấp cứu với những nỗi kinh hoàng về những kinh nghiệm chiến đấu ông vừa trải qua.
Trong lúc trải qua đau đớn vì những vết thương và ám ảnh với những hình ảnh chết chóc, Chuck Hagel đã ước: "Nếu tôi thoát ra được, nếu tôi trở thành người có ảnh hưởng, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn chiến tranh" - ông kể lại với người viết tiểu sử Charlyne Berens.
Có lẽ đó chính là động lực thúc đẩy người lính trẻ Hagel phấn đấu trở thành Nghị sĩ tiểu bang Nebraska quê hương ông và tiếp đó là chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, thay thế ông Leon Panetta.

Ông Chuck Hagel tại Việt Nam năm 1968.
Ông Chuck Hagel tại Việt Nam năm 1968.

Ông Hagel tình nguyện nhập ngũ và phục vụ một năm tại chiến trường Việt Nam năm 1968, trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu thân. Đây được coi là một trong những trận đánh ác liệt trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. 

Kết thúc và tránh chiến tranh là những điều ông đã tự hứa với bản thân mình ngay từ khi còn ở độ tuổi 20 - bà Berens viết trong cuốn tiểu sử về ông Hagel năm 2006.
Cũng trong cuốn tiểu sử của mình, Nghị sĩ Hagel cũng đã giãi bày tâm sự: " Tôi không phải là người theo chủ nghĩa hòa bình. Tôi là một người thực tế thẳng thắn. Tôi hiểu bản chất của cuộc sống. Tuy nhiên, chiến tranh là một điều khủng khiếp. Không hề có vinh quang mà chỉ toàn là đau khổ".

Ông Hagel (phải) cùng em trai tại Việt Nam năm 1968.
Ông Hagel (phải) cùng em trai tại Việt Nam năm 1968.

Trong cuộc phỏng vấn của Thư viện Quốc hội Mỹ với thượng nghị sĩ Chuck Hagel năm 2002, ông nói về việc chiến tranh đã định hình quan điểm của ông - với tư cách một Nghị sĩ - như thế nào:
"Điều quan trọng nhất đối với tôi trong tư cách một thượng nghị sĩ Mỹ, là khi chúng ta nói về việc tiến hành chiến tranh chống Iraq hay chống bất kỳ ai, chúng ta cần suy nghĩ kỹ càng, không chỉ về các hệ quả chính trị hay địa chính trị và ngoại giao hay kinh tế - những điều đó đều quan trọng. Nhưng ít nhất đối với tôi, một cựu trung sĩ bộ binh nghĩ về thời tôi ở Việt Nam năm 1968, tôi nghĩ các thượng nghị sĩ Mỹ đã ra các quyết định ảnh hưởng đến cuộc đời tôi và nhiều người khác, những người đã mất mạng, họ không hề có, tôi cũng không hề có tiếng nói gì.
Cũng cần có ai đó đưa cái nhìn như thế vào chính quyền của chúng ta. Những người ngồi ở Washington ra quyết định về chính sách, nhưng những thanh niên thấp cổ bé họng thì ra đi và phải trở về trong các túi đựng xác".



Đoạn video được hãng Reuters đăng tải ngày 26/1 ghi lại ấn tượng của nhà viết tiểu sử Charlyne Berens về tư tưởng chán ghét chiến tranh của ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
Nguyễn Hường