Chuyên gia Nga: Mỹ có thể chỉ cung cấp cho Kiev "rác quân sự"

24/03/2015 15:57
Nguyễn Hường
(GDVN) - Không loại trừ khả năng phương Tây sẽ chỉ hỗ trợ "rác quân sự" cho quân đội Ukraine xe bọc thép MRAP-class Saxon AT-105 được cho là vô dụng.

Hạ viện Mỹ sớm ngày 24/3 đã thông qua nghị quyết đề xuất Tổng thống Barack Obama chấp thuận việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Ukraine không có tiền và không đủ trình độ để sở hữu các vũ khí tiên tiến của phương Tây.
Ukraine không có tiền và không đủ trình độ để sở hữu các vũ khí tiên tiến của phương Tây.

Nội dụng nghị quyết cho rằng, một động thái như vậy sẽ giúp "tăng cơ hội bảo vệ chủ quyền cho người dân Ukraine và một Ukraine độc lập, dân chủ và thịnh vượng sẽ phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ".

Nghị quyết này nhìn chung không bắt buộc Tổng thống Mỹ phải đưa ra quyết định hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, nhưng nó sẽ làm gia tăng áp lực đối với ông Obama trong vấn đề này.

Trước đó, ông Obama khẳng định chưa đưa ra quyết định chính thức nhưng vẫn để ngỏ lựa chọn này trên bàn. Tuy nhiên nhiều quan chức cấp cao khác của chính quyền Washington, gồm cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice nói rằng khả năng này đang được xem xét.

Theo Bloomberg View ngày 24/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói trong một cuộc trò chuyện riêng tư ở Đức rằng, cá nhân ông cũng ủng hộ việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine.

Mỹ trước đó đã hỗ trợ cho Kiev 320 triệu USD vũ khí không sát thương gồm các thiết bị liên lạc, tình báo, áo giáp... Tuy nhiên, trong các cuộc giao tranh ở miền Đông, nhiều thiết bị đã bị phá hủy hoặc mất.

Phát biểu với Star TV, nhà bình luận quân sự Viktor Litovkin cho rằng Mỹ tính toán vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine là điều dễ hiểu, nhưng Washington sẽ không hoặc không sớm thực hiện điều này.

Mỹ có thể sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nhưng không phải là những loại vũ khí tiên tiến mà Kiev đang cần.
Mỹ có thể sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nhưng không phải là những loại vũ khí tiên tiến mà Kiev đang cần.

Theo ông, nguyên do thứ nhất là thực tế các hệ thống vũ khí của NATO và Ukraine đang sử dụng rất khác nhau. Do đó, nếu muốn cung cấp các vũ khí này, người Mỹ sẽ cần phải có thời gian chuẩn bị rất chặt chẽ để đảm bảo rằng quân đội Ukraine có thể sử dụng chúng thành thạo.

Ngoài ra, các vũ khí hạng nặng của phương Tây có giá trị rất cao và Kiev không có khả năng để mua chúng. Theo các nhà chức trách Ukraine, cuộc xung đột ở Donbass mỗi ngày tiêu tốn hết 7 triệu USD. Số tiền này được lấy từ quỹ tài trợ của IMF. Nếu muốn sử dụng vũ khí nước ngoài, Kiev có thể sẽ phải tiêu tốn nhiều gấp đôi.

Theo Giáo sư Học viện Khoa học Quân sự Nga Vadim Kozyulin, không loại trừ khả năng Mỹ đồng ý việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng không xuất phát từ lợi ích của Ukraine mà là nhằm để hợp pháp hóa hoạt động xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự cho các nước Đông Âu và các quốc gia vùng Baltic của mình.

Ngoài ra, Mỹ cũng có thể tiếp tục chiêu bài chỉ hỗ trợ vũ khí không sát thương cho Ukraine, nhưng lại cung cấp các vũ khí sát thương thông qua các đối tác trung gian khác như hệ thống tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin, xe tăng T-72 từ Cộng hòa Séc.

Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng phương Tây sẽ chỉ hỗ trợ "rác quân sự" cho quân đội Ukraine xe bọc thép MRAP-class Saxon AT-105 được cho là vô dụng khi sử dụng ở tiền tuyến./.

Nguyễn Hường