Củ cà rốt kinh tế không giúp Trung Quốc vãn hồi được uy tín ở Biển Đông

15/12/2015 06:58
Hồng Thủy
(GDVN) - Cả người dân cũng như các nhà lãnh đạo Việt Nam đều không áo tưởng về những căng thẳng tiềm ẩn trong mối quan hệ 2 nước có thể biến mất hay hóa giải.

Tiến sĩ Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ngày 14/12 bình luận trên World Politíc Review, dù Trung Quốc có dùng củ cà rốt kinh tế hay các nỗ lực ngoại giao cũng không thể vãn hồi uy tín đã mất vì những hành động leo thang trên Biển Đông.

Tiến sĩ Gregory Poling, ảnh: CCTV.
Tiến sĩ Gregory Poling, ảnh: CCTV.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng trước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một sự tính toán kĩ lưỡng. Nó diễn ra chỉ vài tuần trước hội nghị cấp cao ASEAN hàng năm, và chỉ vài tháng trước Đại hội 12 Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều nhà quan sát ở cả Trung Quốc, Việt Nam cũng như các nước khác cho rằng ông Tập Cận Bình hy vọng làm ấm lại quan hệ Trung - Việt.

Khủng hoảng giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tháng 5 năm ngoái đã khiến quan hệ giữa 2 nước rơi xuống mức thấp nhất. Ở khu vực Đông Nam Á, uy tín Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề sau chiến dịch bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) và một loạt hành động khiêu khích khác ở Biển Đông.

Việc ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam là dấu hiệu cho một cách tiếp cận ngoại giao hòa giải hơn trong khu vực, ngăn chặn quan hệ xấu đi hơn nữa. Nhưng kết quả mang tính hỗn hợp, chuyến thăm cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng như ở khắp Đông Nam Á. Cac nước có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Bắc Kinh.

Tuy nhiên trong vấn đề Biển Đông, các quốc gia trong khu vực đã phải đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế để đề phòng, đối phó với rủi ro gây ra bởi các hành động khiêu khích của Trung Quốc trong tương lai. Trong khi thăm Việt Nam, ông Tập Cận Bình đã né tránh vấn đề Biển Đông, thay vào đó ông ca ngợi thành tựu hợp tác kinh tế, thương mại và quan hệ chính trị.

Ông tiếp xúc, hội kiến, hội đàm với các nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, phát biểu trước Quốc hội, công bố viện trợ cho Việt Nam để cố gắng tạo ra hình ảnh bạn bè đồng chí và cố gắng làm chệch hướng những lo ngại về Biển Đông. Những nội dung liên quan đến các vấn đề bất đồng trên biển mà ông đề cập đều không có gì mới so với những chuyến thăm viếng cấp cao giữa 2 nước trước đó.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi hội đàm với ông Tập Cận Bình đã kêu gọi Trung Quốc không quân sự hóa Trường Sa và giữ nguyên hiện trạng Biển Đông. Đằng sau chuyến thăm này, cả người dân cũng như các nhà lãnh đạo Việt Nam đều không áo tưởng về những căng thẳng tiềm ẩn trong mối quan hệ 2 nước có thể biến mất hay hóa giải.

Không có bất kỳ điều gì ông Tập Cận Bình nói hoặc làm khi thăm Việt Nam phản ánh sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong ngày ông Tập Cận Bình rời Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đặt chân đến Việt Nam bắt đầu chuyến thăm và làm việc chính thức. Bên lề hội nghị APEC, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Philippines Aquino đã ký hiệp định hợp tác đối tác chiến lược toàn diện.

Chưa đầu một tuần sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị cấp cao Đông Á, kêu gọi không quân sự hóa Biển Đông, bảo vệ tự do hàng không, hàng hải, tránh sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hội nghị năm nay cũng chứng kiến nhiều quốc gia lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ tự do hàng hải hàng không và luật pháp quốc tế ở Biển Đông với lo ngại thực sự trước ý đồ của Trung Quốc.

Những tháng cuối cùng của năm, lãnh đạo Trung Quốc bận rộn với các hoạt động ngoại giao để xoa dịu căng thẳng Biển Đông, nhưng không mang lại hiệu quả. Các nước trong đó có Việt Nam đã thắt chặt quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, Nhật Bản cả về kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, cân bằng sự phụ thuộc về kinh tế đối với Trung Quốc và chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất trên Biển Đông.

Hồng Thủy