Cú hích cuối cùng của ông Obama cho chiến lược xoay trục sang châu Á

01/01/2016 08:31
Hồng Thủy
(GDVN) - Washington là sức mạnh duy nhất để đảm bảo sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là cơn ác mộng của châu Á.

Nikkei Asian Review ngày 1/1 đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của mình với lãnh đạo 10 nước ASEAN trên đất Mỹ trong tháng này, cũng là tháng đầu tiên trong năm cuối nhiệm kỳ của ông trên cương vị ông chủ Nhà Trắng. Ông Obama đã đặt mục tiêu tăng tốc chiến lược xoay trục sang châu Á để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, ảnh: Kyodo.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, ảnh: Kyodo.

Cuộc họp sẽ diễn ra ngày 15, 16/1 ở khu nghỉ mát Sunnylands, California, Nhà Trắng cho biết hôm qua. Thời gian diễn ra hội nghị này có gì đó không bình thường, bởi lẽ nó đến không lâu sau hội nghị thượng đỉnh Đông Á tháng 11/2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Trong khuôn khổ hội nghị này, ông Obama cũng đã có cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo 10 nước ASEAN.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng leo thang hung hãn trên các vùng biển ở châu Á, chính quyền Tổng thống Barack Obama muốn xây dựng một mặt trận thống nhất giữa các quốc gia khác nhau đối với một siêu cường đang lên ở châu Á. Ông Obama sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh này để thúc đẩy việc ban hành một bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý đối với các hành vi trên Biển Đông.

Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý bắt đầu xem xét vấn đề COC từ năm 2013, nhưng kể từ khi Bắc Kinh thay đổi hiện trạng bằng cách tạo ra các sự kiện ngoài thực địa như xây dựng, bồi lấp và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp), mọi việc vẫn không có tiến triển.

Tổng thống Mỹ cũng sẽ tìm kiếm thành viên mới cho Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), 4 thành viên ASEAN đã tham gia là Singapore, Malaysia, Việt Nam và Brunei. Indonesia, Philippines và Thái Lan đang rất muốn tham gia. Ông Obama sẽ cho thấy sự ủng hộ của mình với mong muốn này của 3 nước Đông Nam Á.

Trong một hoạt động riêng biệt, Tổng thống Obama cũng có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân kéo dài 2 ngày tại Washington bắt đầu từ 31/3 năm nay với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.

Với việc 2 đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Á đã vượt qua rào cản lịch sử bằng thỏa thuận xin lỗi, đền bù cho phụ nữ Hàn Quốc bị buộc làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong Chiến tranh Thế giới II, hội nghị sẽ cung cấp cơ hội để 3 nước Mỹ - Nhật - Hàn hợp tác đối phó với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Chính quyền Tổng thống Obama vẫn nhận thấy hợp tác với Trung Quốc là điều cần thiết để đối phó với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và chống khủng bố. Nhưng 2 cường quốc có quan điểm cơ bản đối lập nhau trong nhiều vấn đề, đặc biệt là bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông. Tổng thống Obama sẽ tăng cường khả năng răn đe của Mỹ ở châu Á chừng nào ông còn có thể.

Bình luận về chiến lược châu Á của Tổng thống Obama, Harry Kazianis, cựu Biên tập viên The National Interest ngày 30/12/2015 rằng, thật không thể tưởng tượng nổi điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ rút khỏi châu Á. Dẫn lời một quan chức cấp cao Đài Loan vừa nói với mình năm nay, Harry Kazianis cho biết:

"Chúng tôi muốn nhiều hơn ở Mỹ. Washington là sức mạnh duy nhất để đảm bảo sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải là cơn ác mộng của châu Á hay Đài Loan chúng tôi không trở thành một Hồng Kông thứ hai."

Hồng Thủy