Cựu Giám đốc CIA cảnh báo Triều Tiên sắp có bom xung điện từ EMP

26/07/2014 15:17
Nguyễn Hường
(GDVN) - Woolsey cũng cho biết, Nga từng thừa nhận với Mỹ năm 2004 rằng tình trạng "chảy máu chất xám" ở quốc gia này đã giúp cho Triều Tiên phát triển được vũ khí EMP.

Yonhap ngày 26/7 dẫn lời cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết, Triều Tiên dự kiến sẽ sớm chế tạo được bom xung điện từ (EMP).

Một quả bom EMP được thiết kế để phát nổ trên cao có thể tạo ra xung điện từ mạnh phá hủy các thiết bị điện và điện tử trên diện rộng tại mặt đất. 

Ảnh minh họa bom EMP phát nổ trên cao tạo ra các xung điện từ tác động tới mặt đất.
Ảnh minh họa bom EMP phát nổ trên cao tạo ra các xung điện từ tác động tới mặt đất. 

Theo cựu Giám đốc CIA James Woolsey, CIA từ lâu nay tin rằng Triều Tiên đang phát triển vũ khí EMP và chẳng bao lâu nữa Bình Nhưỡng, thậm chí là Iran cũng sẽ sánh bên Nga và Trung Quốc trở thành các quốc gia sở hữu vũ khí EMP.

Woolsey cũng cho biết, Nga từng thừa nhận với Mỹ năm 2004 rằng tình trạng "chảy máu chất xám" ở quốc gia này đã giúp cho Triều Tiên phát triển được vũ khí EMP.

Ông Woolsey từng đưa ra nhận xét tương tự vào năm ngoái và cho biết Nga từ năm 2004 đã cảnh báo rằng Triều Tiên có thể phát triển vũ khí EMP trong vài năm. 

Woolsey cho biết, Mỹ cần phải thay đổi chính sách đánh giá các mối đe dọa và triển khai hệ thống phòng thủ chống lại chống lại chúng. 

Woolsey cho biết, theo ước tính của Ủy ban EMP, trong vòng 12 tháng sau một vụ nổ EMP, hai phần ba dân số Mỹ có thể sẽ bị chết vì đói, bệnh tật và các sự cố xã hội.

EMP là loại vũ khí năng lượng được phát triển dựa trên ứng dụng bức xạ điện từ. Khi phát nổ, nó sẽ tạo ra một trường điện cực lớn làm nghẽn mạch, phá hủy về mặt vật lý các thiết bị điện và điện tử trong phạm vi tác chiến. 

Hầu hết các thiết bị ngày nay đều sử dụng điện và điện tử như máy tính, ti vi, tủ lạnh, xe hơi, điện thoại... đều sẽ bị vô hiệu hóa nếu bom EMP tác động.

Các loại vũ khí không dùng điện như súng máy hay pháo phòng không có thể vẫn hoạt động nhưng hiệu quả chiến đấu sẽ bị suy giảm do các hệ thống chỉ thị mục tiêu không hoạt động./.

Nguyễn Hường