Cựu nhân viên CIA tiết lộ lý do sát hại Che Guevara

16/08/2015 08:27
Nguyễn Hường
(GDVN) - Sau khi nhận ra lý do Che rời Cuba, Rodriguez đã ra quyết định sát hại nhà cách mạng này.

Cựu nhân viên tình báo CIA tham gia vào hoạt động ám sát Che Guevara, Felix Rodriguez đã lên tiếng tiết lộ về những bí ẩn liên quan tới sự kiện này trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Baltkom tối ngày 14/8, RIA Novosti đưa tin cho biết.

Theo Rodriguez, CIA ban đầu không có ý định giết Che mà đặt ra mục tiêu là vận dụng mọi nỗ lực để đảm bảo ông còn sống.

Che Guevara, nhà lãnh đạo quân du kích và phong trào cách mạng Cuba, biểu tượng cho sự nổi dậy ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Che Guevara,  nhà lãnh đạo quân du kích và phong trào cách mạng Cuba, biểu tượng cho sự nổi dậy ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Tuy nhiên, sau khi nhận ra lý do Che rời Cuba, Rodriguez đã ra quyết định sát hại nhà cách mạng này.

"Trước khi rời Washington, CIA đã nhận lệnh phải đảm bảo mọi cách Che Guevara còn sống nếu bắt được. Sau đó, tôi nhận ra lý do Che rời Cu Ba là vì sự khác biệt về tư tưởng. Che có quan điểm giống Trung Quốc. Cu Ba lúc bấy giờ rõ ràng phụ thuộc vào Liên Xô còn Liên Xô lại không quan tâm tới việc dẫn dắt cuộc cách mạng ở Cu Ba và vì những lợi ích nó mang lại cho Trung Quốc và Mao Trạch Đông", Rodriguez nói trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Latvia.

Năm 1967, Rodriguez mang theo 2 tiểu đoàn đến Bolivia, nơi Che Guevara đang ẩn náu. Tháng 10 năm 1967, lực lượng cách mạng non trẻ của Che bị đánh bại. Che bị bắt và xử tử.

Rodriguez  đã lệnh cho người xạ thủ ngắm bắn cẩn thận để các vết thương này trông giống như thể Che đã bị giết trong một cuộc chạm súng với quân đội Bolivia, và như vậy sẽ giúp che giấu vụ ám sát bí mật. Sau đó họ còn chặt đi một bàn tay của Che gửi cho nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro nhằm uy hiếp ông.

Trong cuộc phỏng vấn với Baltkom, Rodriguez thừa nhận rằng Che đã rất tự tin khi đón nhận cái chết. Một ngày trước khi bị xử tử, Che đã yêu cầu được chụp bức ảnh cuối cùng và thúc giục Rodriguez cười khi chụp ảnh chung.

Tuy nhiên, CIA đã lừa Che bằng cách chỉ ngắm chứ không chụp khoảnh khắc đó vì lo ngại nó sẽ là bằng chứng phản lại tuyên bố giả mạo rằng Che đã chết trong một trận đấu và đưa chính phủ Bolivia lúc bấy giờ vào một tình thế khó xử.

Sau vụ hành hình, CIA đã cho công bố các hình ảnh Che nằm bất động, đôi mắt vẫn mở to vẫn còn ám ảnh tâm trí hàng triệu người đến tận ngày nay. 

Trong tài liệu được giải mật gần đây gửi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Lyndon B. Johnson, cố vấn cao cấp Walt Rostow đã gọi quyết định giết hại Che là "ngu xuẩn". Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng thừa nhận sai lầm lớn của Mỹ là đã cho công bố bức hình Che Guevara sau khi ông bị giết, nó khiến cho người ta liên tưởng "hình ảnh Chúa Giêsu chịu nạn" vì đức tin của mình./.

Nguyễn Hường