Đa Chiều: Tập Cận Bình lại ném đá dò đường, thử lòng Kim Jong-un

10/01/2015 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Trung Quốc tổ chức riêng một buổi họp báo trịnh trọng tuyên bố đã chúc mừng sinh nhật Kim Jong-un là hành vi chủ động lấy lòng nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vẫn tỏ ra dửng dưng trước hàng loạt động thái lấy lòng ông từ Trung Nam Hải. Bắc Kinh không thể đoán dược ông đang nghĩ gì.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un vẫn tỏ ra dửng dưng trước hàng loạt động thái lấy lòng ông từ Trung Nam Hải. Bắc Kinh không thể đoán dược ông đang nghĩ gì.

Đa Chiều ngày 8/1 bình luận, quan hệ Trung - Triều gần đây có những dấu hiệu lạ, dường như ông Tập Cận Bình lại "ra đòn" muốn thử thái độ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Quan hệ giữa 2 nước vừa là láng giềng vừa là đồng minh thân thiết một thời này gần đây đã rơi xuống đáy vực khi ông Kim Jong-un thúc đẩy chính sách ngoại giao độc lập và "thoát Trung".

Vụ việc một số binh sĩ Triều Tiên vượt biên cướp đồ và giết hại người dân Trung Quốc càng khiến cho giới quan sát chú ý, tương lai quan hệ Trung - Triều đi đâu và về đâu trở thành tiêu điểm bàn luận. Vài tháng qua thái độ của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng lúc ấm lúc lạnh, lúc gần lúc xa và có những động thái biểu hiện khá "lạ" so với thông lệ.

Đầu năm mới 2015 Kim Jong-un đón sinh nhật lần thứ 32, Trung Nam Hải đã chủ động xuất kích, ra đòn thăm dò nhà lãnh đạo Triều Tiên lần nữa. Ngay hôm 8/1 Bộ Ngoại giao Trung Quốc bất ngờ tổ chức riêng một cuộc họp báo về quan hệ Trung - Triều. Một phóng viên đặt câu hỏi: "8/1 là ngày sinh nhật nhà lãnh đạo tối cao Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, Trung Quốc có chúc mừng ông ấy không? Triển vọng quan hệ Trung - Triều năm nay sẽ như thế nào?"

Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời: "Trung - Triều là láng giềng hữu nghị, hai nước có truyền thống giao hảo lâu đời. Trung Quốc đã chúc mừng Triều Tiên. Chúng tôi chúc nhân dân Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Bí thư thứ nhất Kim Jong-un giành được nhiều thành tựu mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm mới, Trung Quốc cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ truyền thống hữu hảo Trung - Triều phát triển theo phương châm 16 chữ: Kế thừa truyền thống, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, tăng cường hợp tác".

Ngày 17/12 năm 2014 kỷ niệm 3 năm ngày mất cố Chủ tịch Kim Jong-il và Trung Quốc đã không được mời tham dự các hoạt động kỷ niệm cấp quốc gia của Triều Tiên. Lúc đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chủ động tổ chức họp báo ca ngợi: Lãnh tụ Kim Jong-il là nhà lãnh đạo vĩ đại của đảng Lao động Triều Tiên và nhà nước Triều Tiên, có cống hiến quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác Trung - Triều, người dân Trung Quốc rất nhớ ông ấy.

Dù Triều Tiên từng là đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc, nhưng ông Kim Jong-un vẫn là một ẩn số đối với Trung Nam Hải, buộc Bắc Kinh phải liên tục ném đá dò đường.
Dù Triều Tiên từng là đồng minh thân thiết nhất của Trung Quốc, nhưng ông Kim Jong-un vẫn là một ẩn số đối với Trung Nam Hải, buộc Bắc Kinh phải liên tục ném đá dò đường.

"Về các hoạt động kỷ niệm của phía Triều Tiên, chúng tôi tôn trọng sự sắp đặt của họ. Trung - Triều là láng giềng truyền thống hữu nghị, chúng tôi thành tâm chúc Triều Tiên có thể duy trì phát triển ổn định, bền vững, nhân dân hạnh phúc. Trung Quốc cam kết cùng với Triều Tiên thúc đẩy quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị giữa 2 nước không ngừng phát triển", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó nói.

Theo phản ánh của Đa Chiều hôm 18/12 năm ngoái, cái giỗ thứ 3 liên tiếp Bình Nhưỡng không mời Bắc Kinh cử đại diện sang dự lễ mà chỉ mời Đại sứ quán Trung Quốc tại Triều Tiên giống như các nước khác. Tuy nhiên, trong một động thái bất ngờ, Trung Nam Hải đã phái ông Lưu Vân Sơn, ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Bí thư Ban Bí thư thay mặt trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đến Đại sứ quán Triều Tiên tại Bắc Kinh đặt vòng hoa viếng Kim Jong-il. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm qua Trung Nam Hải cử quan chức cấp cao đến Đại sứ quán Triều Tiên.

Cũng trong năm ngoái Trung Quốc bỏ phiếu chống dự thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án tình trạng nhân quyền Bắc Triều Tiên, đồng thời phủ quyết đề xuất đưa Bình Nhưỡng ra Tòa án Hình sự quốc tế vì vấn đề nhân quyền. Có thể thấy, dù quan hệ Trung - Triều từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền không mấy thuận chèo mát mái, nhưng Bắc Kinh vẫn tỏ ra chủ động và tích cực muốn cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng.

Đa Chiều bình luận, trên thực tế một loạt các hành động lấy lòng Bình Nhưỡng của Bắc Kinh là nhằm mục đích giữ thế chủ động trong quan hệ Trung - Triều. Có thể nói Bắc Kinh đã đặt trái bóng cải thiện quan hệ song phương trước mặt Bình Nhưỡng. Nhưng Bắc Triều Tiên vẫn cứ án binh bất động mà không có bất cứ động thái nào hồi đáp các cử chỉ tích cực của Trung Nam Hải. Ngược lại, Triều Tiên tìm cách thúc đẩy quan hệ với Nga và tranh thủ sự giúp đỡ của Moscow về năng lượng, lương thực, đường sắt.

Hành vi tiếp tục muốn "thoát Trung" của Bắc Triều Tiên có thể là sự bất mãn kéo dài của Kim Jong-un về thái độ của Bắc Kinh đối với vụ thử hạt nhân lần 3 của Bình Nhưỡng, trong đó có việc Trung Quốc bắt đầu cắt giảm xuất khẩu năng lượng sang Triều  Tiên.

Trong quan hệ với Bình Nhưỡng lâu nay Bắc Kinh vẫn thực hiện 2 chiến lược rắn mềm kết hợp, nhưng mềm nhiều hơn rắn, nói như giới phân tích thì Trung Nam Hải "vừa yêu vừa hận" Bắc Triều Tiên. Theo Đa Chiều, Trung Nam Hải vừa muốn Bình Nhưỡng "an phận thủ thường, ít gây sự", nhưng vừa không thể không ra đòn nhắc nhở Triều Tiên không "quá khích".

Lần này Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức riêng một buổi họp báo trịnh trọng tuyên bố đã chúc mừng sinh nhật Kim Jong-un là hành vi chủ động lấy lòng nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng quan hệ Trung - Triều sẽ đi đâu về đâu vẫn thuộc về lựa chọn của Bình Nhưỡng.  

Hồng Thủy