Đa Chiều: Trung Quốc "lật" Tony Abbott, phái thân Hoa lên ngôi?

15/09/2015 16:10
Hồng Thủy
(GDVN) - Liên hệ mật thiết về kinh tế giữa Úc với Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến tình cảnh khó khăn của nền kinh tế Úc ngày nay

Đa Chiều ngày 15/9 bình luận, đảng cầm quyền Úc tối 14/9 xảy ra "chính biến" khi Thủ tướng Tony Abbott bất ngờ mất chức khi cựu Bộ trưởng Truyền thông Malcolm Tumbull 60 tuổi được bầu làm Chủ tịch đảng Tự do và nghiễm nhiên thay thế vị trí Thủ tướng của ông Tony Abbott. Đa Chiều cho rằng kết quả bầu cử này phản ánh "ý dân".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Thủ tướng Úc Tony Abbot.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Thủ tướng Úc Tony Abbot.

Nền kinh tế Úc mà Đa Chiều gọi là "ốm yếu" hiện nay đã phá hủy nốt chút nhẫn nại cuối cùng của cử tri Úc đối với ông Tony Abbott, trong khi Malcolm Tumbull lại là người có uy tín cao nhất trong số các ứng viên cho ghế Thủ tướng Úc trong lòng cử tri nước này, Đa Chiều bình luận. 

Kinh tế là vấn đề cốt lõi hàng đầu của Malcolm Tumbull. Trong lời kêu gọi đảng Tự do bầu cử lãnh đạo mới, ông Malcolm Tumbull nói: "Vậy là quá rõ rồi, chính phủ khóa này đã không thể lãnh đạo thành công đối với nền kinh tế như chúng ta yêu cầu". Trong diễn văn nhậm chức, Malcolm Tumbull cam kết sẽ công bố "chân tướng nên kinh tế" trước cử tri.

Trung Quốc "lật" Tony Abbott

Vấn đề kinh tế là nguyên do chính khiến ông Tony Abbott mất chức Thủ tướng. 28 tháng nay, vị trí Thủ tướng Úc đã 4 lần thay đổi nhân sự trong khi sự suy giảm, thậm chí đình trệ của nền kinh tế nước này vẫn là vấn đề khó vượt qua. Nền kinh tế Úc mà Tony Abbott phải đối mặt nghiêm trọng hơn nhiều so với những người tiền nhiệm.

Do nền kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng, giá các loại khoáng sản xuất khẩu trên thị trường quốc tế giảm mạnh làm giảm rõ rệt lợi nhuận của các nhà xuất khẩu khoáng sản Úc, trong khi nhu cầu nội địa còn đang èo uột.

Mặt khác, năm 2015 Trung Quốc bắt đầu nâng cao các rào cản thương mại đối với nhập khẩu than đá, làm giảm đáng kể khối lượng than đá nhập khẩu. Úc lại là nhà cung cấp chủ yếu mặt hàng này nên không thể tránh khỏi ảnh hưởng.

Tháng 6 vừa qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc rối loạn, đồng nhân dân tệ phá giá đã tác động ảnh hưởng đến cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cuối cùng nhấn chìm sự nghiệp chính trị của ông Tony Abbott. Hiện tại tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Úc vào khoảng 2% một năm, thua xa tỉ lệ dự báo là 3,25%.

Một loạt các tác động ảnh hưởng tiêu cực từ Trung Quốc gần đây đã làm nhiều người lo ngại rằng, kinh tế Úc có thể rơi vào suy thoái tồi tệ nhất trong 24 năm qua. Tình hình kinh tế ảm đạm của Úc khiến đảng Tự do cầm quyền buộc phải dốc vào canh bạc cuối cùng, để Malcolm Tumbull thay Tony Abboot.

Phái "thân Hoa" lên ngôi?

Đa Chiều cho rằng liên hệ mật thiết về kinh tế giữa Úc với Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến tình cảnh khó khăn của nền kinh tế Úc ngày nay, nhưng nếu không dựa vào Trung Quốc và quá trình hội nhập khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì nền kinh tế Úc sẽ đi đâu về đâu? Việc Malcolm Tumbull rất hiểu Trung Quốc, rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc có thể là lời giải mới.

Tân Thủ tướng Úc Malcolm Tumbull, ảnh: The Australian.
Tân Thủ tướng Úc Malcolm Tumbull, ảnh: The Australian.

Sau khi xảy ra "chính biến" trong đảng Tự do cầm quyền ở Úc, truyền thông Trung Quốc đã chú ý đến phát biểu của Malcolm Tumbull tháng 8 năm nay với tư cách Bộ trưởng Truyền thông về "vai trò quan trọng của Trung Quốc trong Chiến tranh Thế giới II", đặc biệt là vị trí của Trung Quốc trong tầm nhìn chính trị của Malcolm Tumbull.

Trong vài năm qua, chỉ cần để ý một chút những phát biểu của Malcolm Tumbull về chính sách đối ngoại của Úc cho thấy chính khách này đặc biệt quan tâm đến Trung Quốc. Đa Chiều cho rằng Malcolm Tumbull đã nhận định từ năm 2011, cán cân địa chính trị hiện nay đã thay đổi và tạo ra thách thức không nhỏ với trật tự toàn cầu vốn quen thuộc với Úc.

Không giống như các chính trị gia khác, Malcolm Tumbull không hài lòng với chính sách đối ngoại lấy Mỹ làm nền tảng. Malcolm Tumbull liên tục nhấn mạnh rằng Úc phải phát triển chính sách đối ngoại của mình trong "thế kỷ châu Á" với những thách thức địa chính trị ngày càng phức tạp.

Khác với Nhật Bản, trong quan hệ đồng minh giữa Úc và Mỹ, Canberra tỏ ra khá độc lập, chính sách đối ngoại lại càng tự chủ hơn nữa. Vì vậy khi Malcolm Tumbull lên làm Thủ tướng có thể tạo ra những thay đổi hoàn toàn mới về chính sách đối ngoại của Úc.

Tuy nhiên Đa Chiều nhấn mạnh, (Bắc Kinh) không nên hy vọng Malcolm Tumbull sẽ trở thành một Thủ tướng thân Hoa của Úc. Malcolm Tumbull từng lên án Trung Quốc "mập mờ" ở Biển Đông, việc bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp trên vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp sẽ phản tác dụng.

Hồng Thủy