Đa Chiều: Trung Quốc nên học Putin, dùng vũ lực ở Biển Đông?!

17/12/2015 09:35
Hồng Thủy
(GDVN) - Biển Đông khác với Syria. Ở Trung Đông, Nga hay Mỹ muốn can thiệp còn có cái cớ chống khủng bố, nhưng ở Biển Đông, mọi hành động sử dụng vũ lực...

Đa Chiều ngày 16/12 bình luận, ngày 15/12 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đặt chân xuống Moscow, hội đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov và hội kiến Tổng thống Putin. Động thái này được cho là đã thay đổi cục diện đối lập Nga - Mỹ trong vấn đề Syria, chống khủng bố.

Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Lavrov trong buổi tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Kyivpost.
Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Lavrov trong buổi tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ảnh: Kyivpost.

Ông John Kerry dẫn lời Tổng thống Barack Obama khẳng định, Hoa Kỳ không có kế hoạch cô lập Nga. Mặt khác Nga và Mỹ đạt được nhận thức chung sẽ phù hợp với lợi ích toàn cầu. Những phát biểu này của Ngoại trưởng Mỹ tuy chưa khiến các biện pháp trừng phạt Nga sau sáp nhập Crimea được xóa bỏ, nhưng Moscow đã đạt được các mục tiêu chiến lược.

Đối thoại Mỹ - Nga chính là kết quả vận dụng cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm của Kremlin. Đối với Bắc Kinh, bất luận là chiến lược Một vành đai, một con đường hướng về phía Tây hay bành trướng xuống Biển Đông ở phía Nam, đều đang gặp những thách thức rất lớn. Do đó theo Đa Chiều, Trung Nam Hải nên học Điện Kremlin thể hiện sức mạnh cứng của mình, cuối cùng mới có quyền lên tiếng.

Putin dùng vũ lực ở Syria, tiếng nói của Nga mới có trọng lượng

Trong cuộc gặp với Putin hôm 15/12, ông John Kerry đã cảm ơn sự hợp tác của Nga trong vấn đề Syria. Hiện trạng quan hệ Nga - Mỹ bây giờ là cùng nỗ lực trên cơ sở hợp tác chung. Ông Putin cho biết, trong cuộc họp lần này với John Kerry, Ngoại trưởng Mỹ đã chuẩn bị phương án giải quyết một số vấn đề như cuộc khủng hoảng Syria, hai bên không còn tranh cãi kịch liệt như những lần đối thoại trước.

Theo VOA, Ngoại trưởng John Kerry nói nếu bắt tay với nhau, Mỹ và Nga có thể tạo ra một sự khác biệt đáng kể tại Syria. Đa Chiều cho rằng, sở dĩ đạt được kết quả chiến lược buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán về các cuộc khủng hoảng ở Syria, Ukraine và chống khủng bố ISIS là do Putin đã quả quyết sử dụng sức mạnh quân sự tại Syria.

Trước đó Nga chủ trương giải quyết cuộc khủng hoảng Syria thông qua các cuộc đàm phán, dựa vào sức mạnh mềm của mình, nhưng kết quả không đi đến đâu. Chỉ đến khi Putin quyết định điều động quân đội tham gia không kích ISIS ở Syria, cuộc chơi mới bắt đầu thay đổi. Thỏa hiệp Nga - Mỹ lần này là một thành quả của Putin.

Nói về vận dụng sức mạnh cứng, nếu không có các cuộc không kích của không quân, nã tên lửa của hải quân Nga vào các mục tiêu ở Syria thì tiếng nói trong cuộc khủng hoảng Syria vẫn do phương Tây cầm trịch. Nhưng nếu Moscow chỉ dựa vào vũ lực thì cũng không thể thay đổi được gì trong cục diện bàn cờ chiến lược Syria.

Nga phóng tên lửa hành trình từ biển Caspian để tiêu diệt ISIS, một động thái được xem là "giết gà dùng dao mổ trâu", ảnh: Fars News.
Nga phóng tên lửa hành trình từ biển Caspian để tiêu diệt ISIS, một động thái được xem là "giết gà dùng dao mổ trâu", ảnh: Fars News.

Chọn thời điểm nổ súng ở Syria đúng lúc cuộc khủng hoảng di cư đang đe dọa châu Âu, hành động của Nga vừa có lý do chống khủng bố bảo vệ nhân quyền, vừa được chính phủ hợp pháp ở Syria yêu cầu trợ giúp. Nên dù chiến dịch của Nga còn có những chỗ chưa thỏa đáng, nhưng rõ ràng Moscow có đủ lý do danh chính, ngôn thuận can thiệp vào Syria.

Trung Nam Hải học theo Putin, leo thang bành trướng ở Biển Đông

Đa Chiều cho rằng, đứng ngoài quan sát các hành động của Mỹ và Nga tại Syria, Bắc Kinh đã rút ra cho mình bài học: Trong quan hệ với ASEAN và các nước ven Biển Đông, Bắc Kinh hiện đang dùng 2 thủ đoạn kinh tế và chính trị, nhưng cần tính đến thủ đoạn quân sự, dùng sức mạnh cứng như những gì Putin thể hiện tại Syria.

Về mặt hiện diện quân sự (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông, chỉ trong nửa đầu năm 2015 hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) đã có những bước nhảy vọt. Gần đây nhất, Trung Quốc xây dựng trạm nhiên liệu (bất hợp pháp) tại đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) và tiến hành một cuộc tập trận từ Tây Thái Bình Dương kéo vào Biển Đông.

Tờ báo chính trị Trung Quốc tại New York này cho rằng, Trung Quốc đã rút được bài học cho mình trong trường hợp Nga sử dụng thủ đoạn quân sự kết hợp ngoại giao ở Syria để cuối cùng buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, đạt được thỏa hiệp mà không làm tổn hại lợi ích của mình.

Đến cuối năm 2016, Trung Quốc sẽ phải công khai làm rõ một cách hoàn chỉnh yêu sách "chủ quyền" của mình ở Biển Đông, chiến thuật Putin ở Syria là bài học mà Trung Quốc có thể xem xét.

Cùng chung luận điệu hung hăng, hiếu chiến này, Thời báo Hoàn Cầu đã có bài xã luận cảnh cáo máy bay Úc có thể bắn rơi nếu tiếp tục các chuyến bay tuần tra trên Biển Đông.

Những bình luận, phân tích của Đa Chiều, một tờ báo tuyên truyền chính trị Trung Quốc tại Hoa Kỳ cho thấy, thủ đoạn quân sự vẫn được các siêu cường sử dụng để tìm cách đạt được mục tiêu chiến lược của họ, cho dù mục tiêu đó là bành trướng lãnh thổ, chà đạp luật pháp quốc tế theo kiểu chân lý thuộc về kẻ mạnh.

Tuy nhiên Biển Đông khác với Syria. Ở Trung Đông, Nga hay Mỹ muốn can thiệp còn có cái cớ chống khủng bố, nhưng ở Biển Đông, mọi hành động sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, phô trương vũ khí đều bị lên án mạnh mẽ, thậm chí sẽ có những can thiệp ngăn chặn kịp thời. Một sự cố va chạm ở Biển Đông cũng có thể châm ngòi cho xung đột.

Hơn nữa, Biển Đông không chỉ là không gian sinh tồn của các nước trong khu vực, mà còn là một trong những tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới. Nếu để nổ ra chiến tranh ở Biển Đông, bản thân nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ bị chấn động không nhỏ. Quan trọng hơn nữa là cả khu vực cũng như cộng đồng quốc tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản không để ai đó hứng lên là dùng nắm đấm với thiên hạ.

Hồng Thủy