Đại sứ Campuchia tại Thái Lan đổ trách nhiệm cho Philippines, Việt Nam

26/07/2012 07:16
Hồng Thủy
(GDVN) - Campuchia đã thất bại trong việc “giả mạo” một sự đồng thuận để dẫn đến kết cục ASEAN không ra được thông cáo chung. Đó là một tổn hại nghiêm trọng đối với úy tín của ASEAN

>> Tham gia cuộc thi tìm hiểu Ireland để nhận giải thưởng lớn

Bài báo “Campuchia đã đẩy ASEAN vào một tương lai nguy hiểm” của cây viết kỳ cựu Vint Chavala đăng tải trên tờ The Nation xuất bản ngày 15/7 và được báo Giáo dục Việt Nam đưa lại hôm qua 25/7 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đại sứ Campuchia tại Thái Lan đã viết bài đăng tải trên tờ The Nation xuất bản tại Thái Lan ngày hôm qua, phủ nhận hoàn toàn những gì tác giả Vint Chavala đã viết và cũng là tiếng nói của cả khu vực. Nực cười hơn, vị Đại sứ này còn lớn tiếng chụp mũ cho Philippines và Việt Nam mới chính là “thủ phạm” khiến ASEAN không ra được thông cáo chung. Để rộng đường dư luận và tôn trọng thông tin đa chiều, cung cấp cho độc giả nhiều góc nhìn khác nhau để tham chiếu, so sánh vụ việc nhằm tìm ra bản chất, báo Giáo dục Việt Nam xin đăng tải lại bài báo này của Đại sứ Campuchia tại Thái Lan.

Tôi muốn phản hồi lại bài báo của ông Vint Chavala. Tôi đã giải thích khá rõ ràng lý do tại sao Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN không thể ra được thông cáo chung trong lá thư của tôi viết ngày 17/7 để phản bác lại quan điểm đánh giá sai lầm (của ông Vint Chavala) trong bài viết “Campuchia đã đẩy ASEAN vào tương lai nguy hiểm” xuất bản trên The Nation ngày 15/7.

Ảnh chụp màn hình bài phản biện của ông Đại sứ Campuchia tại Thái Lan đăng trên tờ The Nation xuất bản tại Thái Lan hôm qua 25/7 về bài viết của nhà báo Vint Chavala
Ảnh chụp màn hình bài phản biện của ông Đại sứ Campuchia tại Thái Lan đăng trên tờ The Nation xuất bản tại Thái Lan hôm qua 25/7 về bài viết của nhà báo Vint Chavala 

Ông Vint Chavala nên tham khảo thư trả lời của tôi đề ngày 17/7.

Nếu một người công bằng họ sẽ đồng ý rằng tiêu đề bài báo ngày 17/7 lẽ ra cần viết là “Hai nước thành viên ASEAN đã hạ bệ vai trò của Chủ tịch ASEAN” vì những lý do sau đây:

Đầu tiên, Ngoại trưởng các nước ASEAN ngày 20/7 tuyên bố các nguyên tắc (giải quyết tranh chấp) trên biển Đông đã không tham khảo trực tiếp bất cứ tranh chấp song phương nào. Trong khoảng thời gian bị hạn chế của một số cuộc họp, Campuchia đã đề nghị chính xác vấn đề này, mặc dù không có 6 điểm khoanh vùng của các Ngoại trưởng.

Theo đó đề nghị của Campuchia đã được chấp nhận bởi tất cả các Ngoại trưởng trừ Ngoại trưởng 2 nước Philippines và Việt Nam là hai quốc gia thành viên đang có tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông (với Trung Quốc).

Thứ hai, hai quốc gia này đã chuẩn bị tài liệu tham khảo trực tiếp liên quan đến tranh chấp trên biển Đông và yêu cầu vấn đề biển Đông phải được đưa vào nội dung thông cáo chung. Họ không nhượng bộ khi cho rằng họ sẽ không cho phép một thông cáo chung nếu như yêu cầu của họ không được đáp ứng.

Ngoại trưởng Campuchia ông Hor Namhong trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua tại Phnom Penh
Ngoại trưởng Campuchia ông Hor Namhong trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua tại Phnom Penh

Điều đó cho thấy khá rõ ràng, ai mới là người phải chịu trách nhiệm cho việc “gây bất ổn” đối với ASEAN theo thuật ngữ mà ông Vint Chavala đã dùng.

Đó là sự thật rằng lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của khối, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN không thể đưa ra một thông cáo chung. Tuy nhiên, người ta cũng phải thừa nhận rằng đây cũng là lần đầu tiên 2 quốc gia thành viên (Philippines và Việt Nam) đã “tấn công” các cuộc họp (Ngoại trưởng ASEAN) và lấy tuyên bố chung làm “con tin” cho các vấn đề tranh chấp song phương.

Cho đến năm nay thì ASEAN đã vẫn luôn đặt sang một bên bất cứ vấn đề gì nếu nó thiếu một sự đồng thuận. Vì vậy chưa từng có 2 nước thành viên nào áp đặt ASEAN như một tối hậu thư để ngăn chặn ASEAN ra tuyên bố chung.

Là Chủ tịch luân phiên khối ASEAN, Campuchia luôn đề cao nhiệm vụ của mình để ngăn ngừa tranh chấp trong khu vực. Trên thực tế, ý định của Campuchia là để mở cửa cho các cuộc đàm phán trong tương lai của các nước liên quan.

Nhiều bên tin rằng không có con đường tốt hơn để xoa dịu căng thẳng và tìm thấy một giải pháp hòa bình và thân thiện để xử lý các tranh chấp. Như thế, Campuchia không muốn đổ thêm dầu vào lửa.

Ngoại trưởng Trung Quốc ông Dương Khiết Trì và ông Ngoại trưởng Campuchia đang trao đổi riêng trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN
Ngoại trưởng Trung Quốc ông Dương Khiết Trì và ông Ngoại trưởng Campuchia đang trao đổi riêng trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN

Tôi hy vọng làm rõ trên một lần nữa là đủ, để hiểu được nguyên nhân gốc rễ của những rắc rối tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vừa qua và chấm dứt các cuộc tranh luận hiện tại mà tôi không muốn tiếp tục thêm nữa. 

Một vài năm trước đây, một cuộc chiến tranh tương tự với những lời lẽ vu khống điên cuồng chống lại Campuchia công bố trên báo chí làm cho tình hình đã trở nên căng thẳng, dẫn đến xung đột vũ trang tại biên giới với Thái Lan.

You Ay
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Campuchia tại vương quốc Thái Lan.

Không khó để thấy được sự bóp méo mọi sự thật và chụp mũ cho Philippines và Việt Nam về cái tội “phá hoại sự đoàn kết” ASEAN mà chính Campuchia với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN đã không làm tròn chức trách.

Trước đó, Ngoại trưởng các nước thành viên đã đồng thuận các nội dung mang tính nguyên tắc của bản Quy chế ứng xử của các bên trên biển Đông để ASEAN đứng ra đàm phán với Trung Quốc, vì chí ít có 4 thành viên của khối có tranh chấp trên biển Đông với Bắc Kinh nhưng Campuchia với vai trò nước chủ nhà cứ gạt phắt đi và khăng khăng theo quan điểm của Trung Quốc, đàm phán tay đôi.

Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam: Campuchia đã thất bại trong việc giả mạo một sự đồng thuận để dẫn đến kết cục ASEAN không ra được tuyên bố chung
Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam: Campuchia đã thất bại trong việc giả mạo một sự đồng thuận để dẫn đến kết cục ASEAN không ra được tuyên bố chung

Thứ hai, những hoạt động leo thang gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông trước và trong các diễn đàn, hội nghị quan trọng của khu vực ASEAN xảy ra thường xuyên hơn, các bên đều cơ bản đồng thuận với việc đưa nội dung này vào tuyên bố chung theo đề xuất của Philippines và Việt Nam nhằm giảm căng thẳng và nguy cơ bùng phát xung đột trên biển Đông.

Đại sứ Campuchia tại Thái Lan quy chụp một cách lộ liễu 2 nước Philippines và Việt Nam là "kẻ phá hoại" bất chấp mọi thực tế cũng như phản ứng của các nước thành viên. Để khách quan, xin mượn lời của các quan chức bên thứ 3 đứng ra nhận định. 

Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam cho hay, Campuchia đã thất bại trong việc “giả mạo” một sự đồng thuận để dẫn đến kết cục ASEAN không ra được thông cáo chung. “Đó là một tổn hại nghiêm trọng đối với úy tín của ASEAN và càng làm gia tăng sự mơ hồ trong nội dung thảo luận của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sẽ được tổ chức tại Campuchia tháng 11 năm nay”.

Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết ông cũng đã nói chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario. “Nếu các quan điểm mất đi tính đa dạng thì ASEAN có thể bị suy yếu một cách tai hại vì chia rẽ”, ông Marty Natalegawa nhận định, “việc ASEAN phải có giải pháp đối với những bất đồng là vô cùng quan trọng, nếu chúng ta không làm gì, chúng ta biết thiệt hại sẽ lớn hơn”.

Ngoại trưởng Indonesia
Ngoại trưởng Indonesia

Bài viết của nhà báo Vint Chavala đã vạch trần ý đồ ngả theo Trung Quốc của Chủ tịch luân phiên khối ASEAN đương nhiệm nhằm mưu cầu lợi ích cho riêng quốc gia mình bất chấp sự tổn hại ghê gớm đối với sự đoàn kết nội khối và phân tích rất rõ trục quan hệ lợi ích Bắc Kinh - Phnom Penh nhằm lợi dụng lẫn nhau.

Thiết nghĩ không cần phải nói lại vì những phân tích của nhà báo Vint Chavala, nhận định và phản ứng của Ngoại trưởng Singapore, Ngoại trưởng Indonesia đã là quá đủ. Và cũng giống như các vị trên đã cảnh báo, nếu một Chủ tịch luân phiên ASEAN đương nhiệm không nhận ra sai lầm của mình, sớm muộn họ cũng phải trả giá đắt bằng danh dự, uy tín của mình trong khu vực và trên các diễn đàn quốc tế.
>> Tham gia cuộc thi tìm hiểu Ireland để nhận giải thưởng lớn
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Thủy