Đô đốc Harris: Trung Quốc không thể xây chủ quyền trên lâu đài cát!

16/06/2015 06:10
Hồng Thủy
(GDVN) - "Họ không thể xây dựng chủ quyền trên lâu đài cát. Chủ quyền phải dựa trên các quy tắc, chuẩn mực và luật pháp quốc tế", Đô đốc Harry Harris tiếp tục lên án.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Ảnh: Asahi.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Ảnh: Asahi.

Báo Asahi Nhật Bản ngày 15/6 đưa tin, nếu Trung Quốc không thay đổi lập trường leo thang ở Biển Đông, Hoa Kỳ có quyền rút lại lời mời nước này tập trận hải quân đa phương trên Thái Bình Dương gọi tắt là RIMPAC năm 2016. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho biết.

Ông khẳng định trong một cuộc họp báo gần đây ở Tokyo: "Việc Trung Quốc tiếp tục bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông làm tăng thách thức với tất cả chúng ta và làm cho điều này quan trọng hơn bao giờ hết, đó là chúng tôi tiếp tục đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề này".

"Họ không thể xây dựng chủ quyền trên lâu đài cát. Chủ quyền phải dựa trên các quy tắc, chuẩn mực và luật pháp quốc tế", Đô đốc Harry Harris tiếp tục lên án Trung Quốc. Khi được hỏi liệu Bắc Kinh vẫn tiếp tục bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) bất chấp yêu cầu của Mỹ, Hoa Kỳ có xem xét rút lại lời mời Trung Quốc tham dự RIMPAC 2016 hay không, Đô đốc Harry Harris trả lời:

"Tôi không muốn nói với bạn một cách chính xác những điều kiện này là gì, bởi vì Trung Quốc có thể đi ngay đến những điều kiện này. Hiện tại lời mời vẫn còn giá trị. Chúng tôi sẽ xem xét nên làm thế nào".

Xung quanh khả năng Bắc Kinh đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông như đã từng làm ở Hoa Đông năm 2013, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ khẳng định: "Họ đã từng tuyên bố ADIZ ở Hoa Đông và điều đó không làm tôi lo lắng. Chúng tôi bỏ qua hoàn toàn ADIZ Trung Quốc tuyên bố ở Hoa Đông. Vì vậy nó không thể cản trở hoạt động của chúng tôi trên các vùng biển, vùng trời".

"Tôi không nhìn thấy trước một sự áp đặt ADIZ ở Biển Đông để ngăn cản chúng ta. Vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động của mình trên các vùng biển và vùng trời quốc tế như trước đây. Tôi xem Biển Đông là vùng biển quốc tế, không phải lãnh thổ của bất kỳ nước nào. Và vì vậy Nhật Bản được chào đón để tiến hành các hoạt động trên biển như vậy nếu Nhật Bản thấy phù hợp".

Hồng Thủy