Đô đốc Mỹ trực tiếp thị sát Biển Đông, Nhật không tham gia Senkaku nguy mất

20/07/2015 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Thủ tướng Shinzo Abe lo ngại nếu Nhật Bản không chia sẻ gánh nặng với Hoa Kỳ thì những cam kết đảm bảo an ninh của người Mỹ đối với nhóm đảo Senkaku có thể...
Đô đốc Scott Swift, tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ. Ảnh: Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.
Đô đốc Scott Swift, tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ. Ảnh: Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.

Hãng thông tấn Mỹ AP ngày 19/7 đưa tin, tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift đã tham gia một chuyến bay thị sát Biển Đông kéo dài 7 giờ trên "vùng biển tranh chấp" cuối tuần qua trên một trong những chiếc máy bay do thám hiện đại nhất của hải quân Mỹ, P-8A Poseidon hôm Thứ Bảy 18/7.

Động thái này theo AP có thể khiến Bắc Kinh tức tối trong khi tranh chấp lãnh thổ (Trung Quốc nhảy vào) với các nước láng giềng bùng lên trong năm qua đã tạo ra nỗi sợ hãi va chạm bất ngờ leo thang thành xung đột, chiến tranh. Washington đã cam kết sẽ bảo vệ tự do hàng không hàng hải, an ninh ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Một bức ảnh được Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương đăng trên website chính thức cho thấy cảnh Đô đốc Scott Swift ngồi bên cạnh cửa sổ chiếc P-8A Poseidon quan sát Biển Đông. Một bức ảnh khác cho thấy ông đang đeo tai nghe và chăm chú theo dõi các thao tác của phi hành đoàn.

Tuy nhiên lần này hải quân Mỹ không công bố chi tiết và chuyến bay, không rõ nó có đi qua khu vực Trung Quốc xây dựng, bồi lấp và quân sự hóa (bất hợp pháp) 7 bãi đá ở Trường Sa (mà Bắc Kinh xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988 đến nay) hay không.

Tướng Scott Swift thực hiện chuyến bay ra Biển Đông là một phần kế hoạch của ông sau khi thăm chính thức Philippines và gặp gỡ các quan chức hàng đầu quân đội nước này. Trước đó ông đã ghé thăm Hàn Quốc, sau khi thị sát Biển Đông ông sẽ thăm Nhật Bản trước khi trở về đại bản doanh ở Hawaii.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin hoan nghênh động thái này của Scott Swift. Nó cho thấy cam kết của Mỹ với đồng minh và đối tác đang phải đối mặt với những mối đe dọa từ sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

"Về mặt quân sự, chúng tôi không có gì để chống lại Trung Quốc. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã kêu gọi đồng minh của mình giúp đỡ", ông Gazmin được dẫn lời cho biết. Trước đó trong một cuộc họp báo hôm Thứ Sáu, Đô đốc Scott Swift nói với báo giới rằng Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương luôn sẵn sàng ở Biển Đông, chỉ cần Tổng thống Mỹ ra lệnh.

Trong một động thái có liên quan, tờ China Times xuất bản tại Đài Loan ngày 19/7 dẫn lời chuyên gia về Nhật Bản Yellen từ đại học Harvard cho rằng, Nội các Thủ tướng Shinzo Abe lo ngại nếu Nhật Bản không chia sẻ gánh nặng với Hoa Kỳ thì những cam kết đảm bảo an ninh của người Mỹ đối với nhóm đảo Senkaku có thể bị xem lại.

Những tuyên bố liên tục của các quan chức Nhật Bản gần đây về Biển Đông đã bộc lộ điều này, China Times bình luận, gần đây nhất là tuyên bố sẵn sàng tuần tra Biển Đông của Tổng tham mưu trưởng Nhật Bản hôm 16/7. Đài DW của Đức dẫn lời học giả Yellen cho biết, hợp tác với Mỹ đối với Nhật Bản là hợp lý và có lợi.

Ngoài ra, sau khi thông qua dự luật mới về an ninh quốc gia và mở rộng quyền tác chiến cho Lực lượng Phòng vệ, Nhật Bản cũng nên tăng cường hợp tác với Hàn Quốc, Úc, Philippines, Việt Nam và Ấn Độ. Nhìn ở góc độ nào, việc thông qua dự luật này cũng là nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên biển.

Hồng Thủy