Đô đốc Swift: Quân cốt tinh nhuệ không cốt nhiều

06/01/2016 11:13
Hồng Thủy
(GDVN) - Trong thời chiến, quan trọng là các chiến hạm Hoa Kỳ có đủ khả năng tấn công tên lửa để thực hiện nhiệm vụ hay không, đó mới là vấn đề mang tính dài hạn.

Hãng thông tấn Mỹ AP ngày 5/1 đưa tin, trong khi Hoa Kỳ muốn chứng tỏ với thế giới rằng Washington không chấp nhận yêu sách hàng hải quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã điều tàu chiến máy bay đến áp sát một số thực thể lúc nổi lúc chìm mà Bắc Kinh bồi đắp, xây dựng thành đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters.
Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Hoa Kỳ. Ảnh: Reuters.

Động thái của Trung Quốc và Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh bùng nổ tranh luận về việc liệu Mỹ có đủ lực lượng tàu chiến để ứng phó với các thách thức khác nhau đặt ra cùng một lúc, bao gồm sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc khiến các nước đồng minh, đối tác của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương lo ngại hay không.

Kể cả hải quân Mỹ lẫn Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ hiện nay đều có ít chiến hạm hơn so với những năm 1990. Tuy nhiên các quan chức hải quân Mỹ tin rằng, chất lượng quan trọng hơn số lượng, công nghệ tiên tiến của các chiến hạm hiện nay có giá trị hơn bất kỳ sự sụt giảm nào về số lượng chiến hạm so với trước kia.

Câu hỏi về việc liệu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương có đủ nguồn lực phần cứng để lấp đầy những lo ngại trong khu vực hay không đã được đặt ra. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift nói, ngay cả khi toàn bộ lực lượng của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương kéo đến Biển Đông thì người ta vẫn cứ hỏi ông rằng, liệu Mỹ có đủ sức đối phó (với sự bành trướng của Trung Quốc) hay không.

Tuy nhiên vị Đô đốc tân Tư lệnh khẳng định: "Tôi rất thoải mái với những nguồn tài nguyên tôi đang có". Những gì ông đang có trong tay với công nghệ tiên tiến của nó, rõ ràng sức mạnh hơn hẳn 2 thập kỷ trước đây. 

Peter Jennings, một chuyên gia tại Viện Chính sách Chiến lược Úc nhận xét, vấn đề trong thời bình Mỹ có bao nhiêu tàu chiến chỉ có ý nghĩa trấn an tâm lý các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ về khả năng điều động lực lượng khi cần.

Còn trong thời chiến, quan trọng là các chiến hạm Hoa Kỳ có đủ khả năng tấn công tên lửa để thực hiện nhiệm vụ hay không, đó mới là vấn đề mang tính dài hạn. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hiện có 182 chiến hạm bao gồm cả tàu sân bay và tàu hậu cần, chi viện, so với tổng số 192 chiến hạm của gần 20 năm trước.

Toàn quân chủng Hải quân Hoa Kỳ hiện có 272 chiến hạm bao gồm 10 cụm tàu sân bay, ít hơn 20% so với năm 1998. Trong khi đó hải quân Trung Quốc có hơn 300 chiến hạm, bao gồm tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu tuần tra.

Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc có trên 200 tàu, số lượng nhiều hơn lực lượng Cảnh sát biển tất cả các nước láng giềng có yêu sách ở Biển Đông và Hoa Đông cộng lại. Cảnh sát biển Hoa Kỳ có khoảng 280 tàu, nhưng chủ yếu hoạt động ở các vùng biển của Mỹ.

Hoa Kỳ hiện đang rất lo ngại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và có thể sử dụng các tiền đồn mà nước này đang xây dựng (bất hợp pháp) để tiến hành các hoạt động làm gián đoạn tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông, một tuyến hàng hải trọng yếu nơi vận chuyển 30% khối lượng thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên một số tàu của Trung Quốc còn khá thô sơ, ví dụ như tàu sân bay Liêu Ninh.

Nhưng học giả Nhật Bản Narushige Michishita từ Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson lưu ý, trong khi Mỹ phải dàn lực lượng ra toàn thế giới thì Trung Quốc đang tập trung mũi nhọn ở Biển Đông.

Vì vậy ngay cả khi Mỹ mạnh hơn Trung Quốc thì cũng không có nghĩa tương quan lực lượng hai bên ở Biển Đông là cân bằng. Sự cân bằng quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng, Michishita nhận định.

Hồng Thủy