"Đòn tổng hợp” tấn công đường lưỡi bò ở Biển Đông

16/12/2015 09:01
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ và đồng minh cùng cộng đồng quốc tế đang phối hợp bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, kẻ bành trướng sẽ nuốt quả đắng.

Hành trình phóng viên BBC “khảo sát” các đảo nhân tạo

Theo các nguồn tin ngày 15/12, cách đây vài ngày, phóng viên hãng tin BBC Anh là Rupert Wingfield-Hayes đã cùng với 4 người khác (2 phi công, 1 kỹ sư, 1 quay phim) đã ngồi trên một chiếc máy bay cỡ nhỏ tiến hành “khảo sát” các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) trên Biển Đông.

Máy bay cỡ nhỏ Cessna 206 vừa được phóng viên hãng tin BBC Anh sử dụng để "khảo sát" khu vực đảo nhân tạo ở Biển Đông
Máy bay cỡ nhỏ Cessna 206 vừa được phóng viên hãng tin BBC Anh sử dụng để "khảo sát" khu vực đảo nhân tạo ở Biển Đông

Trước chuyến đi, phóng viên này đã chuẩn bị kỹ lưỡng và đã xin phép chính quyền Philippines cho hạ cánh xuống đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Philippines kiểm soát trái phép), nhưng sau đó giấy phép đã bị thu hồi do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến Philippines dự Hội nghị cấp cao APEC và Bắc Kinh đã biết được kế hoạch của phóng viên Rupert.

Nhưng sau đó Rupert đã thuyết phục được nhà cầm quyền Philippines đồng ý cho ông hạ cánh xuống đường băng ở đảo Thị Tứ. Rồi ông cùng đoàn của mình đã ngồi trên máy bay Cessna 206 cất cánh từ đảo Palawan, Philippines, bay tới “khu vực tranh chấp” trên Biển Đông.

Theo phóng viên Rupert, do Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) quy định, các thực thể lúc nổi, lúc chìm không có vùng lãnh hải 12 hải lý, vì thế, đội của ông đã tiến hành bay áp sát các đảo nhân tạo, cho dù Hải quân Trung Quốc liên tục giận dữ và đe dọa.

Trước hết, máy bay này đã lượn vòng quanh đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, nơi đây Trung Quốc đã chiếm đóng và đang xây dựng bất hợp pháp căn cứ hải-không quân. Sau đó, máy bay quay lại đảo Thị Tứ để tiếp nhiên liệu.

Máy bay Cessna 206 tiếp tục cất cánh, bay về hướng đá Gaven, Trường Sa. Khi đó, Hải quân Trung Quốc đã ngang nhiên cảnh báo đòi “máy bay quân sự” này rời đi. Nhưng, máy bay Cessna 206 là máy bay dân sự, chứ không phải như Trung Quốc cảnh báo.

Sau đó, máy bay chở Rupert đã bay lại về đá Chữ Thập. Khi tới khu vực 20 hải lý gần đá Chữ Thập, Hải quân Trung Quốc lại buông những lời cảnh báo gay gắt bằng sóng vô tuyến điện. Các phi công đổi hướng bay về phía bắc.

Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của hãng tin BBC Anh
Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của hãng tin BBC Anh

Nhưng Rupert đã thuyết phục các phi công đưa máy bay quay trở lại. Máy bay đã cất cánh lần thứ ba, bay về khu vực đá Vành Khăn. Khi máy bay đến khu vực 12 hải lý, Hải quân Trung Quốc lại buông lời cảnh báo.

Đội bay của Rupert đã mạo hiểm tiến hành quan sát trực tiếp hoạt động xây dựng bất hợp pháp của Trung Quốc ở đá Vành Khăn. Sau đó, họ quay về đảo Palawan.

Trên đường trở về, đội bay này lại nghe thấy nội dung phát đi bằng sóng vô tuyến điện, cho hay, máy bay trinh sát hàng hải P-3 Orion Australia đang thực hiện quyền tự do đi lại ở không phận quốc tế theo Công ước Hàng không dân dụng quốc tế và UNCLOS.

Theo phóng viên BBC, nội dung này phát đi từ máy bay Australia như sau: “Hải quân Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc! Chúng tôi là máy bay Australia, thực hiện tự do bay ở vùng trời quốc tế, dựa trên Công ước hàng không dân dụng quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển”.

Australia thừa nhận tuần tra Biển Đông

Theo các nguồn tin, đến ngày 15/12, Bộ Quốc phòng Australia chính thức thừa nhận thông tin máy bay trinh sát nước này đã tiến hành hoạt động tuần tra ở Biển Đông, cho biết, đây là một trong những chuyến “tuần tra trên biển thông thường” nhằm bảo vệ an ninh và ổn định khu vực.

Máy bay tuần tra P-3 Orion Australia
Máy bay tuần tra P-3 Orion Australia

Hành động này của Australia cũng giống như 2 máy bay ném bom B-52 Mỹ bay gần đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông trong thời gian gần đây, cũng đã bị Trung Quốc ngang nhiên yêu cầu giải thích khi đang bay trên bầu trời Biển Đông.

Việc Australia triển khai hoạt động bay trinh sát trên Biển Đông là một hành động thực tế trực tiếp thách thức yêu sách “đường chín đoạn” vô lý, bất hợp pháp của Trung Quốc – yêu sách này đòi chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông.

Như vậy, Australia đã phát đi một thông điệp rõ ràng cho Bắc Kinh rằng, Australia không chấp nhận yêu sách chủ quyền tham lam, vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, không cho phép Trung Quốc đơn phương độc chiếm vùng biển quốc tế có tầm quan trọng chiến lược này.

Ngoài ra, gần đây Australia còn tiến hành tập trận chung với các nước Singapore, Malaysia ở Biển Đông.

Trước đó, sau khi tàu khu trục USS Lassen Hải quân Mỹ ngày 27/10 tuần tra vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo trên Biển Đông, đến ngày 28/10, tờ Nhật báo Phố Wall Mỹ dẫn lời một quan chức giấu tên của Quân đội Australia cho biết, Australia đang cân nhắc khả năng đưa tàu chiến đến gần khu vực đảo nhân tạo.

Trong khi một quan chức khác tham gia vào việc lập kế hoạch cho Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho hay, các hoạt động hải quân và máy bay tuần tra trên biển đã được chuẩn bị, nhưng chưa được thực hiện ngay.

Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne thì nhấn mạnh rằng, Australia có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do thương mại, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Bà tuyên bố: “Các tàu và máy bay Australia sẽ tiếp tục thực hiện các quyền theo luật pháp quốc tế về tự do hàng hải và hàng không”.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne
Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne

Bộ trưởng Quốc phòng Austria còn bày tỏ ủng hộ đối với hoạt động tuần tra Biển Đông của tàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ khi đó. Được biết, Australia có 60% lượng hàng hóa đi qua Biển Đông.

Mặc dù tuyên bố như vậy, nhưng hoạt động tập trận chung trên Biển Đông giữa Australia-Trung Quốc vốn đã chuẩn bị từ lâu, ngay sau đó vẫn được triển khai theo kế hoạch.

Trước đó, Ngoại trưởng Australia, bà Julie Bishop cũng cho biết: “Mỹ đã tuyên bố mọi hành động của họ phù hợp với luật pháp quốc tế, và chúng tôi ủng hộ hành động này”.

Đến ngày 14/11, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Australia Malcolm Turnbull đã lần đầu tiên gặp gỡ và đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, coi các hành động này của Trung Quốc là “mối quan ngại lớn trong khu vực”.

Đến ngày 22/11, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Australia và Nhật Bản đã tổ chức tham vấn “2+2” tại Sydney, Australia. Hai bên kêu gọi các bên “ngừng bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo” và kiềm chế căng thẳng đang ngày càng gia tăng ở Biển Đông. Thông cáo hai bên đã bày tỏ phản đối bất cứ hành động ép buộc hay đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

Trung Quốc nói gì

Theo báo chí Trung Quốc, ngày 15/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngang nhiên cảnh cáo: “(Australia) không được phá đám, tăng thêm nhân tố phức tạp cho Biển Đông”.

Hồng Lỗi – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao lặp lại câu nói thường lệ là: “Tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông không có vấn đề”. Ông ta đòi các nước khác nhất là một số nước ngoài khu vực “thận trọng về lời nói và hành động, không được phá đám, tăng thêm nhân tố phức tạp cho Biển Đông”.

Vị trí các bãi đá Gaven, Chữ Thập, Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông (ảnh nguồn: Tuổi trẻ Online)
Vị trí các bãi đá Gaven, Chữ Thập, Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông (ảnh nguồn: Tuổi trẻ Online)

Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông vào tháng 1/2016

Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 15/12 cũng viết bài cho hay, tháng 10/2015 tàu khu trục Mỹ tuần tra Biển Đông, tháng 11/2015, máy bay ném bom B-52 Mỹ tiếp tục bay trên Biển Đông, như vậy, hành động của Quân đội Mỹ ở Biển Đông ngày càng “tùy ý”.

Nhưng, có quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ mới cho biết, trong năm 2015 Mỹ sẽ không tiếp tục điều tàu chiến tới tuần tra vùng biển 12 hải lý của đá ngầm ở Biển Đông. Điều này không có nghĩa là Mỹ dừng tuần tra, mà là Mỹ sẽ tiến hành hoạt động này vào tháng 1/2016.

Thực ra, các quan chức Hải quân Mỹ đã hy vọng tiếp tục tiến hành hành động tự do hàng hải vào đầu tháng 12/2015, nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không phê duyệt sau khi căng thẳng giữa Trung-Mỹ gia tăng thời gian qua cũng như Mỹ đang tập trung cho tấn công IS ở Syria, Iraq.

Có quan chức cho biết, hoạt động tuần tra vào tháng 1 năm tới của Mỹ sẽ là lần thứ hai Mỹ “thách thức trực tiếp” đối với yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc ở khu vực này.

Như vậy, yêu sách “đường lưỡi bò” tham lam, vô lý, lố bịch, bất hợp pháp của Trung Quốc tiếp tục bị các nước trong đó có Mỹ và đồng minh thách thức trực tiếp bằng hành động, bác bỏ hoàn toàn tính pháp lý của yêu sách này.

Hành động quân sự trên thực địa này của Mỹ, Australia cùng với hoạt động tố tụng pháp lý của Philippines ở Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc sẽ trở thành “nắm đấm tổng hợp” loại bỏ hoàn toàn tư tưởng, ý chí và hành động bành trướng, bá quyền, cường quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” của giới cầm quyền Trung Quốc trong đời sống quốc tế.

Tàu khu trục tên lửa USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ
Tàu khu trục tên lửa USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ

Những nỗ lực quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế sẽ tích cực kiềm chế tham vọng bành trướng ở khu vực Biển Đông, thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Nếu Trung Quốc tiếp tục cố tình áp đặt yêu sách “đường chín đoạn/đường lưỡi bò” vẽ bậy vẽ bạ ở Biển Đông thì chắc chắn họ sẽ đối mặt với vô vàn các hành động đáp trả của cộng đồng quốc tế. Đó là hệ quả tất yếu mà Trung Quốc phải gánh chịu. Tham lam vô độ sẽ “nuốt quả đắng”!

Đông Bình