Dù có bất mãn, Bắc Kinh cũng chỉ đe dọa chứ không bỏ rơi Triều Tiên

06/02/2014 15:06
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình không còn coi Triều Tiên là một đồng minh ý thức hệ như những người tiền nhiệm, thay vào đó Bình Nhưỡng trở thành một kẻ phiền phức phụ thuộc hoàn
Trung Quốc có thể bất mãn hay nạt nộ Triều Tiên, nhưng không thể bỏ rơi Bình Nhưỡng.
Trung Quốc có thể bất mãn hay nạt nộ Triều Tiên, nhưng không thể bỏ rơi Bình Nhưỡng.

Đài Tiếng nói nước Nga ngày 5/2 có bài phân tích, gần đây giới truyền thông Hàn Quốc đặc biệt chú ý đến bản "Báo cáo phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương" của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, trong đó có nội dung đánh giá "bất thường" về Bắc Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân thì Bắc Kinh sẽ cắt nguồn viện trợ kinh tế và hỗ trợ chính trị.

Bản thân nhận định này không có gì mới hay đáng nói, nhưng điều bất thường là nó được phát biểu công khai bởi một cơ quan nghiên cứu nhà nước Trung Quốc.

Điều này khiến nhiều người cho rằng Trung Quốc đang xem lại quan hệ của họ với Bắc Triều Tiên bởi viện trợ kinh tế của Bắc Kinh giữ vai trò quyết định với sự vận hành nền kinh tế của Bình Nhưỡng.

Nếu Bắc Kinh ngừng mọi hoạt động viện trợ kinh tế và hỗ trợ chính trị, rất có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị nghiêm trọng ở Bắc Triều Tiên, thậm chí dẫn tới thống nhất 2 miền bán đảo.

Tuy nhiên, nhận định Trung Quốc thay đổi lập trường trong vấn đề bán đảo Triều Tiên căn bản không có căn cứ nào thuyết phục.

Trung Quốc là nước viện trợ chủ yếu cho Bắc Triều Tiên và trên thực tế là đối tác thương mại lớn duy nhất của Bình Nhưỡng với kim ngạch thương mại hai chiều trên 80%. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là quan hệ giữa 2 nước đang xấu đi.

Vụ tử hình Jang Song-thaek khiến dư luận khu vực và quốc tế cảm thấy sốc, Bắc Kinh cũng tỏ ra lúng túng.
Vụ tử hình Jang Song-thaek khiến dư luận khu vực và quốc tế cảm thấy sốc, Bắc Kinh cũng tỏ ra lúng túng.

Tháng 12 năm ngoái, Triều Tiên thanh trừng Jang Song-thaek được coi là nhân vật số 2, trong đó có 1 tội danh là bán tháo tài nguyên cho Trung Quốc, ký hợp đồng kinh tế với Trung Quốc bất lợi cho Triều Tiên. 

Kim Jong-un và bộ máy lãnh đạo Bình Nhưỡng cảm thấy bất an khi nền kinh tế của họ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh.

Mặt khác, bộ máy lãnh đạo mới ở Trung Quốc đứng đầu là Tập Cận Bình không còn coi Triều Tiên là một đồng minh ý thức hệ như những người tiền nhiệm, thay vào đó Bình Nhưỡng trở thành một kẻ phiền phức phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của Bắc Kinh.

Nhưng những điều này cũng không đủ để cho rằng quan hệ Trung - Triều đã xấu đi nghiêm trọng. Bắc Kinh bất mãn với Bình Nhưỡng nhưng sẽ không thể bỏ rơi họ.

Nếu Seoul thống nhất được bán đảo Triều Tiên thì không loại trừ bán đảo này sẽ thành 1 quốc gia trung lập, thậm chí là một đồng minh của Mỹ ở sát nách Trung Quốc. Quân Mỹ đóng tại Bình Nhưỡng là điều Trung Quốc không bao giờ dám nghĩ đến.

Mặt khác một khi nổ ra sự sụp đổ của chính quyền Triều Tiên thì chính Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hậu quả nạn dân Triều Tiên tràn sang quốc gia này, đồng thời còn mối lo thường trực về sự phát tán của các loại vũ khí sát thương hàng loạt.

Vì vậy có thể thấy báo cáo của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc khả năng chỉ là một thông điệp chính trị của Bắc Kinh với giới lãnh đạo Bình Nhưỡng thể hiện sự bất mãn của họ mà thôi.
Hồng Thủy