Duterte cần sự ủng hộ từ nội các để "lội ngược dòng" trong đối nội, đối ngoại

08/10/2016 07:12
Hồng Thủy
(GDVN) - Những thay đổi mà ông muốn thực hiện rất khó khăn, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và ý chí chính trị chưa từng có.

South China Morning Post ngày 7/10 dẫn nguồn tin Reuters cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Phillipines tuyên bố ông đã thông báo cho quân đội Mỹ dừng kế hoạch tập trận chung, tuần tra chung giữa hai nước trên Biển Đông.

Bộ trưởng Delfin Lozenzana cũng cho biết hôm qua, 107 lính Mỹ đang tham gia hoạt động điều khiển máy bay không người lái giám sát hoạt động chống các chiến binh Hồi giáo sẽ được yêu cầu rời khỏi miền Nam Philippines, khi nước này có được khả năng thu thập tin tức trong tương lai gần.

Ông Rodrigo Duterte muốn ngăn chặn 28 cuộc tập trận quân sự hàng năm với Hoa Kỳ. Quan hệ giữa hai đồng minh hiệp ước này đang trải qua những va chạm, nhưng quân đội Philippines vẫn có thể tự lo nếu Mỹ rút quan hệ đồng minh.

Tổng thống Rodrigo Duterte và các tướng lĩnh, ảnh: SCMP.
Tổng thống Rodrigo Duterte và các tướng lĩnh, ảnh: SCMP.

Hôm thứ Tư tuần qua Tổng thống Duterte cũng tuyên bố, nếu Hoa Kỳ và EU phản đối cuộc chiến chống ma túy của ông bằng cách rút viện trợ thì họ cứ việc, Philippines không phải cầu xin ai.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, tổng mức hỗ trợ của Mỹ cho Philippines trong năm tài chính bắt đầu ngày 1/10 là 180 triệu USD, Mỹ vẫn cam kết tiếp tục cung cấp.

Lorenzana nói, ông tin rằng mục tiêu của Rodrigo Duterte là đa dạng hóa quan hệ ngoại giao và cắt giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ nhưng chưa có chỉ thị nào chính thức yêu cầu loại bỏ Hiệp định Hợp tác quốc phòng mở rộng. Ông nói:

"Có lẽ chúng ta nên đánh giá lại quan hệ. Có phải chúng ta được hưởng lợi hay không? Chúng ta đã nhận được những gì xứng đáng được nhận từ liên minh hay chưa?"

Khi được hỏi, sự thay đổi trong quan hệ an ninh Mỹ - Philippines ảnh hưởng như thế nào đến chiến lược "xoay trục sang châu Á" của Washington, ông Lorenzana cho rằng:

"Không phải Mỹ thiếu chỗ đậu tàu nếu họ không còn được phép neo đậu tàu của họ ở đây."

Điều đáng chú ý là mới hôm thứ Tư tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines còn nói rằng, Duterte có thể đã có thông tin sai lệch khi nhận định, tập trận chung Mỹ - Philippines hàng năm không có lợi cho quốc gia mình.

Nhưng hôm qua thứ Sáu, ông Lorenzana nói lại với báo giới, giá trị viện trợ của Mỹ cho Philippines không phải là nhiều.

Quân đội có thể yêu cầu Quốc hội bù đắp cho sự thiếu hụt từ 50 triệu đến 100 triệu USD mỗi năm khi Mỹ cắt viện trợ quân sự.

"Chúng tôi vẫn có thể sống mà không có nó", ông Lorenzana nói với các phóng viên nước ngoài. [1]

Trong một động thái khác liên quan đến chính sách đối ngoại của ông Rodrigo Duterte, GMA ngày 7/10 cho biết, Nhật Bản dự kiến là quốc gia đầu tiên ngoài ASEAN ông Duterte sẽ đi thăm.

Nhưng cuối cùng, quyết định được đưa ra là ông Duterte sẽ thăm Trung Quốc trước từ 18-21/10, thăm Nhật Bản sau từ 25-27/10.

Nhật Bản thất vọng khi biết tin này, khi Tokyo đã nỗ lực thu xếp một cuộc gặp với Hoàng đế Nhật Bản vốn rất khó khăn.

Bình luận về chính sách đối nội cũng như đối ngoại của ông Rodrigo Duterte, Teddy Casino, một cựu Hạ nghị sĩ viết trên Rapller:

"Những thay đổi mà ông muốn thực hiện rất khó khăn, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và ý chí chính trị chưa từng có.

Rodrigo Duterte cần có sự hỗ trợ vững chắc từ các thành viên nội các. 
Thật không may, mặc dù Duterte đã cho thấy rõ lập trường về những thay đổi căn bản ông muốn làm cho đất nước, một số thành viên nội các dường như vẫn bị mắc kẹt trong những mô hình cũ của các chính quyền trước." [3]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.scmp.com/news/asia/southeast-asia/article/2026031/bumps-road-philippines-defence-minister-says-military-can

[2]http://www.gmanetwork.com/news/story/584225/news/nation/phl-pushes-back-duterte-s-visit-to-japan-in-favor-of-china-sources

[3]http://www.rappler.com/thought-leaders/148505-duterte-cabinet-not-ready

Hồng Thủy