Gaza sẽ trở thành vùng đất chết vào năm 2020

29/08/2012 21:33
Bảo Thành (Nguồn: RT)
(GDVN) - Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, dải Gaza sẽ trở thành “vùng đất chết” vào năm 2020 nếu như cộng đồng quốc tế không có các biện pháp khẩn cấp để cải thiện hệ thống cấp nước, năng lượng, y tế và giáo dục.
Có thể bạn quan tâm
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, dải Gaza sẽ trở thành “vùng đất chết” vào năm 2020 nếu như cộng đồng quốc tế không có các biện pháp khẩn cấp để cải thiện hệ thống cấp nước, năng lượng, y tế và giáo dục.
Trả lời các phóng viên, Điều phối viên nhân đạo Liên Hợp Quốc Maxwell Gaylard nói rằng cần phải hành động ngay đối với các vấn đề thiết yếu sống còn như nước sạch, điện, hệ thống giáo dục, y tế và các khía cạnh khác vốn đang không đáp ứng đủ nhu cầu của dân số ngày càng tăng ở khu vực này.
Theo bản báo cáo, dự báo dân số dải Gaza sẽ tăng từ 1,6 triệu người hiện nay lên 2,1 triệu người vào năm 2020 khiến cho người ta lo ngại về khả năng đáp ứng của khu vực này trước sự tăng trưởng dân số đó.
Dải Gaza hoang tàn vì những đợt không kích của Israel
Dải Gaza hoang tàn vì những đợt không kích của Israel
Hiện tại, khu vực này đang trải qua đợt thiếu hụt nhiên liệu và mất điện tồi tệ nhất từ trước tới nay, đồng thời tỉ lệ thất nghiệp cũng chiếm khoảng 45%. Khi dân số tăng lên, dự báo các vấn đề này sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
Theo Đại diện đặc biệt của UNICEF Jean Gough, vấn đề đầu tiên cần giải quyết là nguồn nước sạch cho dải Gaza. Báo cáo ước tính nhu cầu về nước sạch của dải Gaza sẽ tăng 60% trong tương lai, và hiện nay cần phải hành động cấp bách để bảo vệ nguồn nước của khu vực, bởi mức độ ô nhiễm nguồn nước ở Gaza cao gấp mười lần mức cho phép. Thế nhưng nhiều gia đình nghèo không có lựa chọn nào khác đành phải sử dụng nguồn nước này.

Dải đất duyên hải không có sân bay và hải cảng này hoàn toàn bị cách biệt vì sự phong tỏa của Israel mà Tel Aviv không chịu dỡ bỏ với lý do ngăn chặn nguồn vũ khí tuồn vào dải Gaza cho tổ chức Hamas.

Gaza hiện phụ thuộc đến 80% vào nguồn viện trợ nước ngoài và một kênh giao thương đưa thực phẩm, vật liệu xây dựng, thiết bị điện tử và ô-tô vào từ Ai Cập. Nhưng theo ông Gaylard, nguồn viện trợ nước ngoài hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu của khu vực, và ông kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế tăng cường viện trợ.

Robert Turner, Giám đốc Cơ quan Cứu trợ và việc làm Liên Hợp Quốc (UNRWA) nhận định, đến năm 2020, Gaza sẽ cần thêm 440 trường học, 800 giường bệnh và hơn 1000 bác sỹ.

Tương lai nào cho những em bé trên dải Gaza?
Tương lai nào cho những em bé trên dải Gaza?

Tuy nhiên việc thiếu hụt các dịch vụ trên không phải là nguyên nhân duy nhất đe dọa tương lai của dải Gaza. Biên giới giữa Gaza và Israel đang căng thẳng, và khu vực này thường xuyên phải hứng chịu các đợt không kích của Israel khiến nhiều thường dân thiệt mạng.

Ông Gaylard cho rằng dải Gaza cần phải được hòa bình và ổn định thì cuộc sống của người dân mới được cải thiện, và điều đó đồng nghĩa với việc chấm dứt phong tỏa, chấm dứt cô lập và chấm dứt xung đột. Tuy nhiên có vẻ như mục tiêu hòa bình và ổn định không dễ gì đạt được trong một sớm một chiều.

Hiện chính quyền Palestine đang từ chối đàm phán với Israel nếu nước này không ngừng hoạt động xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây, yêu cầu mà Tel Aviv không chịu nhượng bộ bất chấp việc Liên Hợp Quốc cho rằng việc xây dựng các khu định cư này đi ngược lại với luật pháp quốc tế.
Bảo Thành (Nguồn: RT)