Giải mã phản ứng của Nga về cải cách an ninh của Nhật Bản

27/09/2015 08:31
Hồng Thủy
(GDVN) - Nga đang vặn nhỏ bớt những chỉ trích của mình vì họ nhận thấy đạo luật an ninh mới là cơ hội để Nhật Bản hướng tới sự độc lập nhiều hơn từ Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Nikkei Asia Review.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Nikkei Asia Review.

Nikkei Asia Review ngày 26/9 bình luận, phản ứng của chính phủ Nga xung quanh những cải cách mới nhất về chính sách an ninh của Nhật Bản đã đặt ra nhiều câu hỏi thú vị. Trước đó dư luận cho rằng Điện Kremlin sẽ chống đối kịch liệt động thái này của Tokyo, đặc biệt là kể từ khi Nga - Mỹ bất hòa xung quanh khủng hoảng Ukaine trong khi dự luật này lại cho phép quân đội Nhật hỗ trợ Hoa Kỳ.

Cuối cùng phản ứng của Moscow về chuyện này đã khá kiềm chế. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 21/9 cho biết, Nga cảm thấy "khó chịu" về điều luật mới này và ghi nhận các nước láng giềng khác của Nhật Bản cũng rất cảnh giác. Phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, ông Lavrov nhấn mạnh rằng, những thay đổi pháp lý của Nhật Bản có liên hệ chặt chẽ đến sự gia tăng hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ ở Đông Bắc Á.

Mặc dù không hài lòng với chính sách mới của Nhật Bản, nhưng rõ ràng Lavrov đã kiềm chế không đưa ra những lời chỉ trích thẳng thừng. Ngay sau khi Quốc hội Nhật Bản thông qua dự thảo luật an ninh mới, hãng tin RIA của Nga đưa tin, Nhật Bản từ bỏ Điều 9 của Hiến pháp hòa bình, nhưng không có bình luận nào chỉ trích gay gắt. Ý đồ thực sự của Nga là gì trong phản ứng với luật an ninh mới của Nhật?

"Nga đang vặn nhỏ bớt những chỉ trích của mình vì họ nhận thấy đạo luật an ninh mới là cơ hội để Nhật Bản hướng tới sự độc lập nhiều hơn từ Hoa Kỳ và cư xử tích cực hơn. Một nước Nhật mà không phải Mỹ giật dây sẽ hữu ích hơn cho Nga", một quan chức ngoại giao quen thuộc với Điện Kremlin nói với Nikkei Asia Review.

Tạp chí Nhật bình luận, hãy suy nghĩ về nó theo cách này: Trong ngắn hạn, đạo luật an ninh mới sẽ cho phép Nhật Bản theo Mỹ chặt chẽ hơn. Nhưng về lâu dài, khẳng định quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản sẽ giúp Tokyo có vai trò gần ngang bằng với Washington. Điều này dễ chịu hơn với Nga vì nó chia rẽ quan hệ Mỹ - Nhật.

Một nguồn tin trong chính phủ Nhật Bản cho biết, Nga đã nói vơi họ rằng bất cứ khi nào có thể, Tokyo hãy dừng việc "theo đuôi" Washington và hành động độc lập hơn. Đối với cuộc khủng hoảng Ukaine, một nhà ngoại giao Nga cho biết Nhật Bản đã được Moscow kêu gọi không để cho điều kiện quốc tế và chính sách của Hoa Kỳ ảnh hưởng đến quan hệ Nga - Nhật.

Nếu luật an ninh mới của Nhật Bản có nhiều không gian để Tokyo đi theo con đường riêng của mình sẽ là một thuận lợi với Nga. Trong cuộc họp báo, Lavrov cũng ám chỉ một sự sẵn sàng tiếp tục cơ chế họp "2+2" giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước, một dấu hiệu cho thấy Moscow muốn gần gũi Tokyo hơn.

Tham vọng tương tự có thể ẩn phía sau chuyến thăm gần đây tới Nhật Bản của Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Nga và là một phụ tá thân cận của Putin.

Hồng Thủy