Chi tiêu quân sự Nhật Bản bằng 1/3 TQ, nhưng lượng dự trữ chỉ kém Mỹ

27/12/2013 14:42
Việt Dũng
(GDVN) - Mặc dù ngân sách quốc phòng Trung Quốc gấp mấy lần Nhật Bản, nhưng truyền thông TQ ra sức tuyên truyền Nhật Bản đang "quân sự hóa", "tái vũ trang".
25 tàu chiến Mỹ-Nhật diễn tập liên hợp ở Đông Thái Bình Dương (ảnh minh họa, nguồn: mil.chinaiiss.com)
25 tàu chiến Mỹ-Nhật diễn tập liên hợp ở Đông Thái Bình Dương (ảnh minh họa, nguồn: mil.chinaiiss.com)

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 26 tháng 12 đưa tin, chi tiêu quân sự Nhật Bản tăng lên có nền tảng lòng dân nhất định. Theo tờ "Nihon Keizai Shimbun", ngày 26 tháng 12 là ngày tròn 1 năm ông Shinzo Abe quay trở lại làm Thủ tướng, những người Nhật Bản được hỏi có đánh giá tích cực đối với chính quyền Shinzo Abe đạt 58%, lý do đánh giá tích cực là "kinh tế phục hồi" xếp thứ nhất, "tăng cường chính sách ngoại giao và an ninh" xếp thứ hai.

Bài báo còn cho biết, chính quyền Shinzo Abe đưa ra ngân sách tài khóa năm 2014, tiếp tục tăng chi tiêu quân sự, thực hiện "Đại cương kế hoạch phòng vệ" mới vừa thông qua ngày 17 tháng 12. Trong khảo sát, những người cho rằng Đại cương phòng vệ mới là "thỏa đáng" chiếm 50%, những người cho là "không thỏa đáng" chiếm 37%.

Báo Trung Quốc than phiền cho rằng, Nhật Bản gia tăng chi tiêu quân sự, nhưng lại lấy chi tiêu quân sự tăng trưởng hai con số nhiều năm của Trung Quốc để tuyên truyền "mối đe dọa Trung Quốc".

Theo bài báo, trên thực tế, trong 20 năm từ năm 1960 đến 1980, chi tiêu quân sự của Nhật Bản từng có 19 năm tăng trưởng 2 con số, duy nhất 1 năm tăng trưởng 1 con số cũng khoảng 9%.

Lực lượng đoạt đảo bí mật của Nhật Bản
Lực lượng đoạt đảo bí mật của Nhật Bản

Trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế tốc độ cao này của Nhật Bản, con số chi tiêu quốc phòng đã lặng lẽ tăng lên mức tương đối khả quan. Hiện nay, tăng trưởng chi tiêu quân sự hàng năm của Nhật Bản tương đối chậm chạp, nhưng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có nền tảng công nghệ và vật chất tương đối cao, đã không cần "đột nhiên tăng mạnh" về đầu tư, mà coi trọng  hơn phát triển về phương hướng chiến lược, chế độ và chính sách.

Tờ "Sankei Shimbun" ngày 25 tháng 12 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera ngày 24 tháng 12 đã triệu tập cuộc họp cán bộ quan trọng ở Bộ Quốc phòng, yêu cầu dựa trên Đại cương phòng vệ mới, lấy tăng cường phòng thủ đảo nhỏ và cảnh giới, theo dõi làm mục tiêu, thúc đẩy xây dựng thể chế mới cho cơ quan phòng vệ, đảm bảo "vận dụng tập trung, thống nhất" 3 quân chủng "lục-hải-không quân".

Theo đó, thành lập "Ủy ban xây dựng Lực lượng Phòng vệ cơ động thống  nhất" đứng đầu là Phó Bộ trưởng Ryota Takeda, tiến hành nghiên cứu và đưa ra báo cáo vào giữa kỳ năm 2014. Quan chức quốc phòng Nhật Bản cho biết, cần thiết phải tiến hành "cải cách nhanh cóng, triệt để" đối với thể chế phòng vệ của Nhật Bản.

Máy bay tuần tra cỡ lớn P-1 do Nhật Bản tự chế tạo, dùng để thay thế P-3C
Máy bay tuần tra cỡ lớn P-1 do Nhật Bản tự chế tạo, dùng để thay thế P-3C

Tờ "Liên hợp buổi sáng" Singapore đưa tin, chi tiêu phòng vệ năm tài khóa 2014 của Nhật Bản đã xác lập kỷ lục tăng mạnh nhất trong 18 năm qua, nhưng, xét tới chi tiêu quân sự của nước khác cũng tăng mạnh, vị trí của Nhật Bản về chi tiêu quân sự có thể sẽ không có nhiều thay đổi lắm. Nếu nhìn vào giá trị tuyệt đối, chi tiêu quân sự Nhật Bản năm 2014 cơ bản có thể xếp thứ 5-6 thế giới.

Căn cứ vào tài liệu tháng 3 năm 2013 của Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm Thuỵ Điển, đứng trong top đầu về chi tiêu quân sự các nước trên thế giới năm 2012 lần lượt là Mỹ (682,5 tỷ USD), Trung Quốc (166,1 tỷ USD), Nga (90,7 tỷ USD), Anh (60,8 tỷ USD), Nhật Bản (59,3 tỷ USD), Pháp (58,9 tỷ USD).

Bài báo dẫn lời chuyên gia Lưu Quân Hồng cho rằng, mặc dù lượng biến đổi và lượng tăng chi tiêu quân sự hàng năm của Nhật Bản không rõ rệt như vậy, nhưng do rất nhiều đầu tư quân sự không phải "đào thải", cho nên, cùng với việc tích lũy tăng trưởng GDP, sức mạnh quân sự của Nhật Bản rất khả quan. Cơ quan nghiên cứu Nhật Bản từng đánh giá cho rằng, lượng dự trữ của đầu tư quân sự Nhật Bản chỉ sau Mỹ, xếp thứ hai thế giới.

Biên đội tàu khu trục Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Biên đội tàu khu trục Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Trang mạng "Những người theo chủ nghĩa xã hội thế giới" ngày 25 tháng 12 bình luận, nội các Nhật Bản đồng ý tăng ngân sách quốc phòng, điều này sẽ mở đường cho tăng mạnh thực lực của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, đây là bước đi tiếp theo "tái quân sự hóa" nước này.

Tăng cường sức mạnh quân sự là một phần của tái định hướng chiến lược của các lực lượng vũ trang Nhật Bản, mục đích là đối đầu tích cực hơn với Trung Quốc.

Hiện nay, ngân sách được nội các phê chuẩn phản ánh kế hoạch của ông Shinzo Abe là xây dựng một nước "Nhật Bản mạnh" và một "quân đội mạnh".

Ông không chỉ muốn tăng cường quân bị, mà còn muốn thoát khỏi sự trói buộc của Hiến pháp Hòa bình Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông giương cao ngọn cờ "chủ nghĩa hòa bình tích cực" (được báo Trung Quốc gọi là "kiểu George Orwell"), Chính phủ Shinzo Abe đang "tái vũ trang" Nhật Bản.

Tên lửa đất đối hạm Type 88 Nhật Bản
Tên lửa đất đối hạm Type 88 Nhật Bản
Việt Dũng