Hoàn thiện mô hình: trả giá cho nghệ thuật

25/07/2011 04:16
Câu chuyện của những dân chơi mô hình về thú chơi này còn nhiều phen chảy nước mắt vì sự kì công...
Mỗi chiếc mô hình mỗi phụ kiện chỉ có một chi tiết cho một bộ phận, sơn hỏng coi như vứt. Câu chuyện của những dân chơi mô hình về thú chơi này còn nhiều phen chảy nước mắt vì sự kì công...

Hiện nay con số người chơi mô hình được đánh giá trên các diễn đàn như mohinhvn hay vietmodeller đã lên tới hàng trăm người. Tập trung nhiều nhất ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các hoạt động của giới chơi mô hình giờ không chỉ dừng lại ở việc trao đổi kinh nghiệm kĩ thuật lắp ghép mà còn chuyển sang giao lưu, thi thố để tìm ra những tay chơi xuất sắc nhất.

Đối với người chơi mô hình tĩnh trưng bày, việc lắp ghép một chiếc máy bay đã không hề dễ thậm chí là cực khổ bởi có quá nhiều chi tiết đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác. Và công đoạn được dân chơi xếp hạng lẫn nhau và được coi là đầy chất nghệ thuật nhất không nằm ở khâu lắp ghép mà lại là ở việc trang trí.
Gian nan câu chuyện đồ nghề

Nếu như những người làm nghề make-up không quá khó để kiếm được những đồ nghề như chổi, bút, sơn... vì nó được bán khá nhiều ở ngoài thị trường. Còn dân chơi mô hình điều này chỉ như trong mơ ! Thú chơi này ở Việt Nam còn khá ít người tham gia nếu không nói là hiếm. Vì vậy những đồ nghề để chơi cũng không được bán nhiều mà chỉ gói gọn trong giới chơi.

Một dân chơi mô hình khi cần đến đồ nghề thường có hai cách, một là tự chế không thì chỉ biết ngậm ngùi bỏ công sức tìm kiếm trên mạng và hai là phải bỏ tiền để mua đồ từ nước ngoài mang về. Những chi tiết quá nhỏ trong mô hình thì luôn đòi hỏi những đồ nghề chuyên dụng, nếu không có đủ nỗi ám ảnh tới một ngày phải vứt cả mô hình đã bỏ công nhiều tháng trời để lắp ghép vì một lỗi nhỏ là cái án treo lơ lửng một sớm một chiều.

Những thứ đồ nghề cơ bản của một dân chơi mô hình. Có đồ mua được ở Việt Nam có nhiều đồ phải nhập từ nước ngoài.

"Đồ nghề của người làm mô hình nói ra thì muôn thuở, vớ vẩn nhất như từ giấy cũng trở thành đồ nghề, chuyên nghiệp thì kể đến các loại chổi, kéo, kìm, kẹp... cho đến máy phun sơn loại nhỏ. Nói chung tùy vào cấp độ của từng người chơi vì đã chơi chuyên nghiệp càng chơi mới càng thấy thiếu !" - Anh Minh người chơi mô hình chia sẻ.

Nhìn qua bộ đồ nghề của anh Minh tôi thấy cũng phải, quanh bàn ghép mô hình là các loại ngăn kéo, bên trong là đủ các thứ mà nhìn qua thì chả thể phân biệt cái nào dùng khi nào. Chưa kể đến một đống mút xốp, giấy nhám và một khay bút vẽ, nhìn qua chắc nhiều người phải nghĩ đây là đồ nghề của một họa sĩ chứ không phải là một người chơi mô hình.

Chiếc cốc đựng đống chổi, cọ sơn đang dùng dở của một dân chơi mô hình.

Kiếm được đồ nghề đã gian nan, việc kiếm sơn để phun hay vẽ lên mô hình còn kì công hơn. Mỗi loại máy bay luôn có một màu sơn chuẩn với nó. Nhìn bằng mắt thường thế thôi chứ riêng màu ghi để sơn lên vỏ máy bay cũng có đến cả trăm loại tùy vào mức độ đậm nhạt. Mỗi loại máy bay đều có một màu sơn riêng được đánh mã số màu cho một hãng sơn riêng biệt. Mà nói đến hãng sơn thì có rất nhiều loại của Mỹ, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc...

Nếu như ở nước ngoài việc đặt hay mua những màu này chẳng khó gì vì tất cả đều có mã màu sẵn, người chơi chỉ cần tìm đến nơi bán là sẽ có ngay. Nhưng ở Việt Nam lại không sẵn như vậy, người chơi nếu không đặt được từ nước ngoài phải kiếm sang một hãng khác. Mà mỗi màu sơn được đánh mã màu cho từng hãng, vì vậy người chơi lại phải cất công đi tìm mã màu phù hợp cho hãng mình muốn mua đề trùng khớp với yêu cầu.

"Cái này thì may mắn thôi chú ạ, nếu gặp hên thì có, không thì chỉ có tự pha các màu với nhau giống như tay họa sĩ tìm màu của nỗi nhớ ý mà..." - Anh Minh nói tếu táo. Nhìn vào riêng chiếc hộp đựng màu mà anh Minh sở hữu đủ các hãng đến ngót ngét cả vài trăm lọ tôi mới thấy thú chơi này thật sự là lắm kì công, nếu không muốn nói là quá cầu kì.

Một chiếc hộp đựng các lọ sơn và hóa chất của một dân chơi mô hình

Nói đến đây, nhiều người sẽ nghĩ việc sơn một chiếc mô hình chỉ đơn giản là sơn làm sao cho chuẩn, cho đẹp là đã quá tốt. Nhưng đã là dân chơi thì đôi khi phải có chút gì đó khác thường. Người chơi mô hình trưng bày lúc này phổ thông thường chia ra làm hai loại: Sơn như mới - tức là coi như mô hình mô phỏng một phương tiện chưa qua sử dụng, hai là chơi theo dòng đã qua sử dụng. Hai dòng chơi tưởng chừng dòng chơi mới sẽ dễ dàng hơn, nhưng sự thực lại không như vậy.

Chơi cũ hay mới... tất cả đều khó như nhau


Chơi dòng mô hình làm như mới, lúc này cái khó lại nằm ở công đoạn sơn làm sao cho hoàn thiện và phải thật không tì vết. Mỗi chiếc mô hình đều được lắp ghép từ các mảnh nhựa, mà đã là màu của nhựa làm sao giống với màu của kim loại. Nếu sơn quá nuột nà, màu bóng của sơn lại sẽ khiến mô hình lộ ngay "bản chất".

Chiếc Yamaha FZ1 được chơi phong cách sơn như mới

Vì vậy để sơn làm sao cho thật giống với màu được sơn trên kim loại lại là một bí quyết của người chơi. Thật tiếc anh Minh nhân vật mà tôi tìm hiểu không phải là một người chơi theo phong cách này, nên việc tìm hiểu "bí quyết" đã không thể thực hiện.

Dòng chơi phổ cập được nhiều người mô hình ưa chuộng là dòng chơi làm cũ, tức là nhìn mô hình như là đã phải qua sử dụng. Dấu hiệu nhận biết một chiếc mô hình như vậy đó chính là những chi tiết sơn được làm mờ, làm đen ở các rãnh ghép...

Một chiếc máy bay hay tất cả các loại phương tiện khi đã qua sử dụng hầu hết đó có dấu vết thường là rỉ sét hoặc hơi bám bùn ở những chiếc ô tô, xe máy, còn ở máy bay thường là những vết ố rỉ hoặc hơi xỉn ở giữa các rãnh chi tiết kim loại.

Để làm được việc này, cách phổ biến thường được dùng là sau khi sơn hoàn thiện mô hình hoặc các chi tiết, người chơi thường phải sơn thêm nhiều lớp (các lớp màu sau thường được pha tối hơn hoặc sáng hơn) để tạo hiệu ứng sáng tối hoặc dùng giấy nhám mịn đề trà sát khiến màu sơn có phần hơi cũ đi. Còn các rãnh ghép thường được wash thêm một lớp sơn đen hoặc loại màu đặc biệt làm cũ dành cho mô hình. Cứ như vậy từng vết mờ, từng vết rỉ được làm một cách cẩn thận và tỉ mỉ.

Chiếc Messerschmitt Bf190-G14 với lớp sơn được "làm mờ" và tạo hiệu ứng hoen rỉ ở các rãnh ghép.

Cho tôi xem một chiếc SB2C-4 Helldiver được không quân Mỹ sử dụng trong thời thế chiến, tôi mới thấy được sự kì công mà người chơi mô hình trau chuốt cho từng tác phẩm của mình.

Việc xuất hiện những vết bong sơn là cả một quá trình. Đầu tiên là sơn một lớp màu kim loại (thường là màu nhôm của vỏ máy bay), sau đó là sơn phủ lên một lớp sơn màu bên ngoài. Người chơi mới dùng những dụng cụ đặc biết để cạy lớp sơn ở bên trên. Công đoạn này đòi hỏi việc cậy phải sao cho khéo để không cạy vào lớp sơn phía dưới, và vết bong phải "nham nhở" như thật.

Toàn bộ chi tiết trên chiếc máy bay được chủ nhân làm giả rỉ với những vết bong, tróc của sơn.

"Thường nhiều người không cầu kì sẽ chỉ sơn một lớp, sau đó sơn những vết bong bằng sơn trắng lên trên, làm như thế các vét bong trông sẽ rất "sượng", người khó tính sẽ để ý ra ngay..." - Anh Minh chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Hoàn tất khâu sơn, công sức bỏ ra đã thấy mất quá nhiều thời gian vì không phải chi tiết nào lắp vào hoàn chỉnh mới sơn mà đôi khi phải sơn trước khi lắp ghép, người chơi sẽ chuyển sang công đoạn cuối cùng đó là dán decal và hoàn thiện.

Chơi mô hình là một nghệ thuật... người làm mô hình còn hơn cả nghệ sĩ!

Câu nói tếu táo có phần hơi "nổ" một người chơi mô hình khiến tôi phải bật cười. Nhưng nghĩ lại quả đúng là như vậy. Khi được hỏi trong khâu làm mô hình phần nào khiến anh phải khó khăn và "đáng sợ" nhất. Không ngập ngừng đó là khâu trang điểm buồng lái và người điều khiển.

Những cabin buồn lái với các chi tiết của bảng điều khiển rất nhỏ luôn là nỗi khó khăn cho những người chơi mô hình khó tính

Ở buồng lái máy bay cũng như phần trang điểm cho người điều khiển các chi tiết dĩ nhiên là rất nhỏ. Nhỏ đến mức thử tưởng tượng từng nút bấm trên buồng lái có màu đỏ trên màu kim loại điều khiển người chơi phải sơn làm sao cho đúng. Các chi tiết có độ lớn dưới một milimet mà chiếc cọ sơn lại không phải lúc nào cũng đủ bé để làm điều này.

Chưa kể đến việc đúng nghĩa với từ trang điểm người điều khiển. Từng bộ phận trên quần áo phải có tí rách sờn, phải có tí đường vân và "phủi phủi" mới được coi là giống thật. Ngay cả khuôn mặt, việc vẽ lên cũng không phải dễ bởi nếu không khéo lông mày sẽ dài hơn mức bình thường hoặc khuôn mặt để trần trông sẽ chả có tí thần nào.

"Đỡ nhất là vẽ cho phi công có đội mũ bảo hiểm, chứ phi công mà để nguyên khuôn mặt thì có khi làm cả tuần ngồi sơn cũng chả ra được..." - Anh Minh nói với giọng ngậm ngừng pha chút e dè.

"Nếu đã chơi thực sự, ngoài những đồ nghề cần có từ dụng cụ cho đến sơn, một thứ không thể thiếu là những dung môi hoặc các hóa chất khi cần thiết..." - Một bật mí nhỏ về câu chuyện dán những chiếc decal bé xíu lên mô hình.

Đa phần mỗi chiếc máy bay có ít nhất hàng trăm mẩu decal, đã là chơi như thật nhiều người chơi đòi hỏi mô hình khi dán decal phải mịn và ăn vào mô hình tức là không có viền trắng, và phải phẳng nghĩa là không bị ghồ lên bởi lớp nilon của những chiếc decal.

Để làm công đoạn này thay vì nhúng vào nước người chơi dúng vào một loại hóa chất đặc biệt để cho chiếc decal mỏng ra như vậy khi dán mới đảm bảo yêu cầu.

Để cho những miến dán decal được phẳng không tì vết cũng là cả một kinh nghiệm và bí quyết của người chơi.

Cũng như các bộ phận, mỗi chiếc decal chỉ có một, mà khi dán không phải lúc nào cũng thành công nên kinh nghiệm và tay nghề lúc này của người chơi cũng được thể hiện. Thời gian, sự tỉ mỉ và cả sự khó tính của người chơi luôn là một thứ yêu cầu khắt khe của môn chơi này.

Bật mí với tôi về hai chiếc mô hình sắp tới anh dự định là đó là chiếc Mig 21 và Sukhoi Su27 mà không quân Việt Nam đang sử dụng. Anh dự tính công đoạn lắp ghép và hoàn thiện sẽ tốn ngót nghét cả năm vì anh muốn đây là hai chiếc mô hình được làm tỉ mỉ và cầu kì nhất.

"Chơi mô hình thế này làm sao có thời gian mà đi chơi để lấy vợ hả anh" - Tôi buột miệng hỏi, anh Minh chỉ cười lớn và đáp: "Lấy chồng chơi mô hình các bà vợ sẽ khỏi phải lo chồng đi bù khú ở bên ngoài đấy chú ạ...!"

Hình ảnh một số chiếc mô hình khác:


{iarelatednews articleid='8512,8562,8441,8352,8319,8321,7042,7012,6763,6646,6620,1963,5826,6523,6517,6512,6510'}

Theo Nguyễn Hoàng/Vietnamnet

Hoàn thiện mô hình: trả giá cho nghệ thuật  ảnh 23