Trung Quốc đang cố gắng chen chân vào top đầu công nghệ UAV

08/12/2013 07:00
Đông Bình
(GDVN) - TQ đã thấy rõ xu thế phát triển của UAV, cố gắng chen chân để đứng được ở top đầu công nghệ UAV, dùng UAV ở biển Hoa Đông, Biển Đông và khu vực biên giới...
Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm của Trung Quốc được cho là đã bay thử lần đầu tiên.
Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm của Trung Quốc được cho là đã bay thử lần đầu tiên.

Lợi Kiếm đã bay thử lần đầu tiên?

Một số tờ báo điện tử của Trung Quốc như tờ “Hoàn Cầu”, “Thời báo Kinh Hoa”… các ngày 21 và 22 tháng 11 đã khẳng định là: Vào lúc 13 giờ chiều ngày 21 tháng 11 năm 2013, chiếc máy bay tấn công tác chiến không người lái Lợi Kiếm (LJ, hay Li Jian) do Trung Quốc tự chế tạo đã cất cánh bay thử lần đầu tiên, đến khoảng 13 giờ 17 phút hạ cánh, toàn bộ thời gian bay gần 20 phút.

Tổng hợp các báo Trung Quốc cho biết, máy bay không người lái Lợi Kiếm do Tập đoàn máy bay Hồng Đô và Tập đoàn công nghiệp máy bay Thẩm Dương hợp tác nghiên cứu chế tạo. Chương trình này được khởi động từ năm 2009, hoàn thành lắp ráp hoàn chỉnh tại nhà máy chế tạo máy bay ở Giang Tây vào ngày 13 tháng 12 năm 2012, lần đầu tiên kiểm tra trên mặt đất cũng vào tháng 12 năm 2012.

Loại máy bay này được thiết kế để Không, Hải quân Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ tác chiến, nó còn có thể được sử dụng để thực nhiện nhiệm vụ trinh sát biên giới quốc gia. Theo kế hoạch, công tác thiết kế, chế tạo và bay thử máy bay Lợi Kiếm sẽ tiến hành ở các khu vực khác nhau.

Máy bay không người lái Lợi Kiếm được thiết kế tàng hình, được internet TQ quảng bá rầm rộ cho là "có năng lực đột phá phòng không tương đối mạnh". Lợi Kiếm bay thử lần đầu tiên đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới bay thử máy bay tấn công không người lái tàng hình cỡ lớn – sau Mỹ, Pháp, Anh.

Trung Quốc công bố máy bay Lợi Kiếm cho thấy họ dẫn trước nhiều quốc gia đang nghiên cứu phát triển công nghệ máy bay không người lái như Ấn Độ, Iran, Israel, Italy Thuỵ Điển Thuỵ Điển và Nga.

Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm, Trung Quốc
Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm, Trung Quốc

Trung Quốc cho bay thử Lợi Kiếm có nghĩa là họ đã thực hiện bước nhảy từ máy bay không người lái lên máy bay tác chiến không người lái, ý nghĩa quan trọng này không thua kém hoạt động bay thử của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như J-20.

Máy bay không người lái Lợi Kiếm nhấn mạnh đến thiết kế tàng hình, dài khoảng 14 m, bố cục ngoại hình tương tự X-47B, áp dụng bố cục cánh máy bay, bụng máy bay có khoang vũ khí bên trong, sử dụng động cơ phản lực RD-93 do Nga chế tạo, dự kiến lượng tải đạn tối đa là 2 tấn, hành trình tối đa khoảng 4.000 km, bán kính tác chiến khoảng 1.200 km.

Theo trang mạng tạp chí "Wired" Mỹ thì máy bay Lợi Kiếm trang bị 1 động cơ, áp dụng bố cục cánh như nhiều máy bay không người lái và B-2 của Mỹ. Thân máy bay sử dụng vật liệu composite, khoang đạn được thiết kế đặc biệt, có tính năng tàng hình, tự động theo dõi và trinh sát. Vị trí cửa nạp ở sau thân máy bay. Ngoại hình rất giống máy bay chiến đấu tương lai trong phim khoa học viễn tưởng.

Báo Mỹ cho rằng, hiện nay vẫn chưa có tài liệu công khai về hệ thống động lực và hệ thống vũ khí của máy bay không người lái Lợi Kiếm, vì vậy không thể xác định hành trình, tốc độ tối đa, trần bay, tải trọng và năng lực tấn công của loại máy bay không người lái này.

Tuy nhiên, có tờ báo cho rằng, máy bay không người lái Lợi Kiếm có thể đạt tốc độ 800 km/giờ, độ cao bay tối đa có thể đạt 12.000 m. Khi cần có thể bay tầm xa với sự tiếp sức của máy bay tiếp dầu trên không.

Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm, Trung Quốc
Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm, Trung Quốc

Tờ “Jane's Defense Weekly” Anh phỏng đoán, đầu máy bay Lợi Kiếm có lắp hệ thống theo dõi quang học, bụng máy bay có thể là khoang đạn hoặc khoang radar. Còn tờ “Thời báo New York” cho rằng, máy bay không người lái Lợi Kiếm tương tự như X-4, nhưng nhỏ hơn; thiết kế cánh giúp máy bay này có lực cản nhỏ, lực nâng lớn, có thể tăng cường tính cơ động.

Bên trong máy bay Lợi Kiếm có thể lắp thiết bị thông tin vệ tinh, radar góc mở tổng hợp có thể lắp ở vị trí bụng máy bay. Theo báo Mỹ, kích cỡ và ngoại hình của Lợi Kiếm tương tự như X-47B của Hải quân Mỹ.

Tâng bốc về khả năng tấn công đối hải, đối đất, kiêm trinh sát-tấn công?

Nhà nghiên cứu Hồng Nguyên, Phòng nghiên cứu Mỹ, Viện Khoa học Trung Quốc cho rằng, máy bay không người lái tàng hình là xu thế phát triển của máy bay chiến đấu thế giới. Trong giai đoạn hiện nay, các nước công nghệ như Mỹ, Pháp, Anh, Nga đều ra sức nghiên cứu phát triển và cho bay thử máy bay chiến đấu không người lái tàng hình. 

Chuyên gia quân sự Lý Kiệt cho rằng, nếu bay thử thành công thì Trung Quốc sẽ sở hữu máy bay chiến đấu không người lái tàng hình thực sự, có ý nghĩa quan trọng đối với hành động tác chiến trong tương lai - có thể tiến hành hoạt động trinh sát trong thời gian dài, tăng cường rất lớn năng lực trinh sát, tìm kiếm, theo dõi; làm khâu quan trọng của tác chiến trung tâm mạng, thực hiện kết nối các dữ liệu trên biển; trong tương lai có thể được trang bị cho tàu chiến, hộ tống tàu chiến cỡ lớn; nếu tiếp tục được phát triển có thể kết hợp giữa trinh sát và tấn công, không chỉ có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, tìm kiếm, theo dõi, mà còn có thể mang theo đạn dược, tiến hành nhiệm vụ tấn công đối đất, đối hải khi cần thiết.

Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm, Trung Quốc
Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm, Trung Quốc

Sau khi máy bay chiến đấu không người lái tàng hình được chính thức trang bị, nhiệm vụ đầu tiên là tiến hành theo dõi, trinh sát tầm xa, thời gian dài; thứ hai là thực hiện nhiệm vụ tấn công nhất định, đối phó với các mục tiêu trên biển, trên đất liền, tiến hành tấn công có hiệu quả; thứ ba là hộ tống tàu chiến cỡ lớn, tạo thành một khâu quan trọng của hệ thống phòng ngự, đánh chặn, liên lạc thông tin trên biển.

Phù hợp xu thế, tăng cường năng lực tác chiến cho PLA

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, nhìn vào tình hình hiện nay, máy bay không người lái tàng hình Lợi Kiếm đang ở trong giai đoạn trượt trên đường băng, sau 1 năm nữa sẽ bay thử lần đầu tiên.

Hoạt động kiểm tra trên đường băng của nó được cho là "ổn định", ngoại hình giống X-47B của Mỹ, NEURON của Pháp, trạng thái kỹ thuật "rất tốt" !?. Được biết, máy bay không người lái NEURON đã hoàn thành bay thử vào cuối năm 2012.

Tờ "Thế giới báo" ngày 22 tháng 11 cho rằng, loại máy bay không người lái này là một trong những trang bị có tính năng cao được nghiên cứu chế tạo thích ứng với xu thế phát triển không người lái, tàng hình, thông minh hóa và chính xác, tiến triển của loại máy bay này luôn được dư luận quan tâm.

Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm, Trung Quốc
Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm, Trung Quốc

Theo Đỗ Văn Long, nếu loại máy bay không người lái này có thể bay thử thành công thực sự và trang bị cho quân đội, thì ít nhất nó có thể giúp Không quân Trung Quốc có một loại máy bay tấn công không người lái chuyên dụng.

So với máy bay có người lái, năng lực tác chiến của máy bay này sẽ được nâng cao. Như vậy, trình độ chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình của Công nghiệp hàng không Trung Quốc đã được cải thiện, ngoài máy bay chiến đấu tàng hình J-20, J-31, còn có bước nhảy quan trọng về máy bay chiến đấu không người lái tàng hình (Lợi Kiếm).

Kiến trúc sư trưởng máy bay không người lái Trung Quốc Dương Bảo Khuê cho rằng, máy bay không người lái có nhu cầu thị trường dồi dào và triển vọng phát triển rộng lớn ở Trung Quốc. Bất kể là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, nhà nước TQ đều dành sự hỗ trợ chính sách nhất định về mặt nghiên cứu phát triển máy bay không người lái, thúc đẩy kế hợp hữu cơ giữa trang bị quốc phòng và sản phẩm dân dụng, xây dựng cơ chế hợp tác, đánh giá và cạnh tranh, thực hiện kết hợp quân-dân dụng, xây dựng mục tiêu "đội quân" máy bay không người lái trung-cao cấp.

Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm, Trung Quốc
Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm, Trung Quốc

Không thể coi là bước nhảy lớn

Mạng Phương Đông ngày 22 tháng 11 cho rằng, so với máy bay cùng loại của phương Tây, máy bay Lợi Kiếm còn thô. Đáng chú ý là, nhìn vào các hình ảnh sẽ thấy, các dấu hiệu phần đuôi động cơ phản lực cánh quạt cho thấy máy bay này có chức năng “lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội”. Lỗ thông hơi ở đuôi hầu như không có bất cứ xử lý nào, hoàn toàn lộ ra ngoài.

Trái lại, máy bay không người lái X-47B của Hải quân Mỹ sử dụng động cơ phản lực F414, tương đồng với máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet Hải quân Mỹ. Nhưng, X-47B đã từ bỏ chức năng “lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội” của động cơ, từ đó giúp cho lỗ thông hơi hợp nhất với thân, đã làm giảm bức xạ hồng ngoại.

Cái giá phải trả là, X-47B chỉ có thể bay cận âm (chưa đạt tốc độ âm thanh), hơn nữa năng lực tăng tốc rất bình thường. Nhưng, để không bị radar đối phương phát hiện, những cái giá này được người Mỹ coi là có thể chấp nhận được.

Đối với vấn đề này, Đỗ Văn Long cho rằng, so với máy bay có người lái, việc nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái chắc chắn sẽ lâu hơn. Máy bay không người lái muốn trở thành vũ khí an toàn, đáng tin cậy và thông minh thì còn phải đi con đường rất dài.

Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm, Trung Quốc
Máy bay chiến đấu không người lái tàng hình Lợi Kiếm, Trung Quốc

Theo Đỗ Văn Long, do không có phi công để có những trải nghiệm chân thực khi lái máy bay, vì vậy việc cải tiến máy bay không người lái tương đối bất lợi. Không nên cho rằng kết cấu máy bay không người lái đơn giản, thực ra, việc cải tiến, hoàn thiện nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái chắc chắn có nhiều khó khăn và mất thời gian hơn so với máy bay có người lái.

Sau khi ra đời, máy bay không người lái Global Hawk Mỹ phải mất trên 10 năm mới hình thành năng lực tác chiến tương đối hoàn thiện. Vì vậy, sử dụng tâm trạng "bước nhảy lớn" để xem xét máy  bay chiến đấu không người lái là không sáng suốt.

Trung Quốc sở hữu 25 loại UAV trở lên?

Ngoài máy bay không người lái Lợi Kiếm, trong mấy năm trước, việc phát triển máy bay không người lái Trung Quốc đã đi từ không đến có, ít nhất đã có 25 loại mô hình máy bay khác nhau.

Nhưng, tờ tạp chí "Nhà ngoại giao" Nhật Bản dẫn lời Peter Singh, chủ nhiệm Trung tâm an ninh và tình báo thế kỷ 21, Viện Brookings cho rằng: "Số lượng máy bay không người lái Trung Quốc rất nhỏ, vẫn chưa tiếp cận được năng lực của Mỹ".

Tuy nhiên, năng lực của Trung Quốc trên lĩnh vực này vẫn đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ, đồng thời đã đưa ra nhiều tư tưởng về máy bay không người lái. Cơ quan hàng không Trung Quốc cũng đã đầu tư rất nhiều nguồn lực, đã đưa ra nhiều loại thiết kế để Quân đội Trung Quốc tiến hành lựa chọn.

Kỹ sư Trung Quốc cũng đã tiếp thu công nghệ của Israel, vào thập niên 1990 còn mua máy bay không người lái Harpy của Công ty công nghiệp hàng không Israel (IAI).

Máy bay không người lái đa năng ASN-209F Trung Quốc
Máy bay không người lái đa năng ASN-209F Trung Quốc

Công ty xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc đã nghiên cứu phát triển nhiều loại máy bay không người lái dòng ASN, trong đó ít nhất có 2 loại hầu như đã đi vào sử dụng tác chiến. Thứ nhất là ASN-15, đây là một loại máy bay không người lái do thám, tương tự như máy bay RQ-11 Raven của Mỹ.

Thứ hai là máy bay không người lái bay liên tục ASN-209, cùng cấp với Scan Eagle của Mỹ (Scan Eagle là máy bay do thám không người lái, lớn hơn so với Raven, thời gian bay đạt 20 giờ, có thể trinh sát trên biển và chiến trường với phạm vi tương đối lớn). ASN-209 có thể là một loại máy bay không người lái tương đồng với máy bay Ngân Ưng (YY). Được biết, máy bay Ngân Ưng từng tham gia diễn tập hải quân ở Biển Đông vào năm 2011.

Trung Quốc có thể còn sở hữu máy bay không người lái cất cánh thẳng đứng. Loại máy bay không người lái này có thể phát huy vai trò trên phương diện tình báo, theo dõi trên biển, bắt lấy mục tiêu và trinh sát, điều khiển hỏa lực, hơn nữa đã bắt đầu đi vào hoạt động (nhưng bản thân MQ-8 Fire Scout của Hải quân Mỹ còn chưa được phép tác chiến).

Hình ảnh một tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc chụp được năm 2012 cho thấy, bên trên con tàu này có thể là 1 trong số 18 chiếc Camcopter S-100 của Trung Quốc mua của công ty Schiebel, Áo.

Một loại máy bay không người lái cất cánh thẳng đứng khác SUV-200 bay lần đầu tiên vào cuối năm 2012, đồng thời chiếc máy bay trực thăng không người lái thứ ba V750 gần đây được dân dụng hóa. Máy bay không người lái lớn hơn, tiên tiến hơn cũng đang không ngừng xuất hiện.

Có 2 loại máy bay không người lái rất giống với MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper của Mỹ, đây đều là những máy bay không người lái hoạt động lâu trên bầu trời.

Máy bay trực thăng không người lái lớn nhất V-750 Trung Quốc bay thử thành công ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 7 tháng 5 năm 2011.
Máy bay trực thăng không người lái lớn nhất V-750 Trung Quốc bay thử thành công ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 7 tháng 5 năm 2011.

Ngoài ra, còn có máy bay Dực Long của Viện nghiên cứu thiết kế máy bay Thành Đô và máy bay CH-4 của Tập đoàn khoa học công nghệ hàng không Trung Quốc. Trong đó, Dực Long được cho là máy bay tấn công kiểu Reaper, còn CH-4 được cho là máy bay đa năng, sẽ được các tổ chức tư nhân và quân đội dùng để trinh sát, nhưng cũng có thể được trang bị vũ khí. Hai loại máy bay này hầu như tương đồng với CH-91.

CH-91 là một hệ thống tình báo, trinh sát, đã đưa vào sản xuất, trong khi đó, CH-92 tiên tiến hơn cũng có kế hoạch đưa vào sản xuất từ năm 2014. Tập đoàn khoa học-công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc đã trưng bày một loại máy bay không người lái có cấp độ tương tự, đó là WJ-600, nhưng, hệ thống này được đẩy bằng phản lực (khác với Dực Long và CH-4 được đẩy bằng cánh quạt), hoàn toàn không xuất hiện trong các cuộc triển lãm hàng không gần đây của Trung Quốc.

Cuối cùng, Công ty công nghiệp máy  bay Thành Đô đang phát triển Cao Tường Ưng - một loại máy bay tương tự RQ-4 Global Hawk, gần đây đã có hình ảnh nó xuất hiện trên đường băng.

Ngoài ra còn có dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đang tập trung vào một loại máy bay không người lái tàng hình mang tên Dực Phong, loại máy bay này tương tự RQ-170 Sentinel của Mỹ, đồng thời một loại máy bay tác chiến không người lái tàng hình mang tên Ám Kiếm (có thể tương tự máy bay thử nghiệm X-47B của Hải quân Mỹ) có thể cũng đang được nghiên cứu chế tạo.

Nhân viên kỹ thuật Trung Quốc chắc chắn còn đang thử nghiệm máy bay không người lái nano thế hệ mới - như máy bay không người lái cỡ nhỏ Black Hornet của Lục quân Anh.

Máy bay không người lái CH-4 Trung Quốc
Máy bay không người lái CH-4 Trung Quốc

Trang mạng tạp chí "Nhà ngoại giao" Nhật Bản cho rằng, hiện nay, Quân đội Trung Quốc đã có máy bay vũ trang không người lái có thể tác chiến. Trung Quốc đang xây dựng 8 căn cứ máy bay không người lái ở các tỉnh duyên hải, dùng để thực hiện các nhiệm vụ như theo dõi và trinh sát.

Hiện nay, Trung Quốc đã bắt đầu thảo luận vai trò của biên đội máy bay không người lái không ngừng mở rộng, cho thấy Trung Quốc đã có máy bay vũ trang không người lái có thể tác chiến, đồng thời khá tự tin về tính năng máy bay không người lái.

Gần đây, có bài báo tiết lộ, Trung Quốc từng có kế hoạch điều máy bay không người lái đến Myanmar, tiêu diệt trùm buôn thuốc phiện Naw Kham - kẻ đã giết 13 công dân Trung Quốc. Nhưng, Trung Quốc cuối cùng đã bác bỏ phương án này.

Tranh chấp lãnh thổ Biển Hoa Đông và Biển Đông cũng thúc đẩy Trung Quốc đẩy nhanh triển khai máy bay không người lái, bởi vì máy bay không người lái rất thích hợp thực hiện nhiệm vụ do thám trên biển. Một tướng lĩnh Quân đội Trung Quốc gần đây cho biết, Quân đội Trung Quốc đã sử dụng máy bay không người lái theo dõi thường lệ đảo Senkaku.

Peter Singh, chủ nhiệm Trung tâm an ninh và tình báo thế kỷ 21, Viện Brookings bình luận: "(Trung Quốc và Nhật Bản) hầu như đều muốn thiết lập hiện diện nhiều hơn ở những khu vực tranh chấp này, hai nước đều có các tuyên bố của họ, hơn nữa cũng đang quan tâm đến động thái của đối phương. Máy bay không người lái có lợi cho thực hiện những mục tiêu này, đặc biệt là do chúng có thời gian hoạt động liên tục lâu hơn so với máy bay có người lái truyền thống".

Mô hình máy bay không người lái WJ-600 Trung Quốc
Mô hình máy bay không người lái WJ-600 Trung Quốc

Quân đội Trung Quốc cũng đã tiến hành cải tạo máy bay chiến đấu J-6 thành máy bay không người lái; máy bay J-6 triển khai ở Phúc Kiến đang được dùng để theo dõi đảo Senkaku, một khi xảy ra xung đột vũ trang, cũng có thể làm máy bay tấn công không người lái mang tính chất “hy sinh”.

Việc triển khai máy bay không người lái của Trung Quốc không hề giới hạn ở lĩnh vực quân sự. Có tin cho biết, chính quyền tỉnh Liêu Ninh đang sử dụng máy bay không người lái theo dõi biên giới CHDCND Triều Tiên, hơn nữa nghe nói còn đang xây dựng 2 căn cứ máy bay không người lái duyên hải, từ đó theo dõi biển Hoàng Hải và vịnh Bột Hải.

Đồng thời, Cục hải dương quốc gia Trung Quốc vào tháng 8 năm 2012 cũng tuyên bố, đang xây dựng 11 căn cứ máy bay không người lái, mỗi tỉnh duyên hải Trung Quốc xây dựng 1 căn cứ. Dự kiến, những căn cứ này sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành trước năm 2015.

Điều đáng chú ý là, tất cả những tiến bộ của máy bay không người lái Trung Quốc đều dựa vào hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu, hệ thống vệ tinh này hiện có 16 vệ tinh, có thể bao trùm toàn bộ Trung Quốc và châu Á-Thái Bình Dương. Nếu chính quyền và cơ quan chấp pháp hành chính cấp tỉnh có kế hoạch đi theo Quân đội Trung Quốc nhập máy bay không người lái thì sẽ xây dựng được một biên đội máy bay không người lái quy mô lớn, có thể phát huy nhiều chức năng khác nhau.

Máy bay vũ trang không người lái Dực Long, Trung Quốc
Máy bay vũ trang không người lái Dực Long, Trung Quốc

Một số máy bay chiến đấu không người lái hiện nay trên thế giới

Hiện nay, máy bay không người lái cỡ lớn chủ yếu được chia làm 2 loại:

Một là máy bay không người lái hoạt động ở rất cao và hoạt động lâu trên không, đại diện là RQ-4 Global Hawk, MQ-9 Reaper, nhiệm vụ chính là trinh sát, theo dõi, nhưng cũng có thể phát động tấn công đường không đối với vũ trang mặt đất không có năng lực phòng không.

Hai là máy bay tấn công không người lái tàng hình, điển hình là X-47B, loại máy bay này có nhiệm vụ chính là đột phá hệ thống phòng không chặt chẽ của kẻ thù, tấn công các mục tiêu giá trị cao có chiều sâu của địch. Ở đây, máy bay không người lái Lợi kiếm của Trung Quốc thuộc loại thứ hai.

Máy bay X-47B của Hải quân Mỹ là máy bay tác chiến không người lái tiên tiến nhất, là mục tiêu được các nước theo đuổi. Đáng chú ý, X-47B đã hạ cánh thành công lần đầu tiên trên tàu sân bay vào tháng 7 năm 2013. X-47B dài 11,63 m, trọng lượng cất cánh tối đa là 20.215 kg, tốc độ cao nhất là tốc độ cận âm (dưới âm thanh), hành trình là 3.889 km.

Ngày 10 tháng 7 năm 2013, máy bay chiến đấu không người lái X-47B hạ cánh thành công trên tàu sân bay USS George Bush, Hải quân Mỹ
Ngày 10 tháng 7 năm 2013, máy bay chiến đấu không người lái X-47B hạ cánh thành công trên tàu sân bay USS George Bush, Hải quân Mỹ

Máy bay không người lái NEURON Pháp dài khoảng 10 m, sải cánh khoảng 12 m, trọng lượng cất cánh tối đa 7 tấn, tải trọng hiệu quả trên 1 tấn, tốc độ bay khoảng 0,8 Mach, thời gian bay liên tục trên 3 giờ, có các đặc điểm cơ bản là hành trình xa, thời gian hoạt động trên không dài. Máy bay này có cánh bay, sử dụng rất nhiều vật liệu composite, lắp 2 khoang vũ khí bên trong, có thể lắp 1 radar.

Máy bay không người lái Taranis Anh dài khoảng 12 m, sải cánh khoảng 10 m, trọng lượng trên 4 tấn, là một trong những máy bay không người lái lớn nhất trên thế giới. Chương trình máy bay này bắt đầu từ tháng 12 năm 2006, chi phí chế tạo trên 250 triệu USD.

Căn cứ vào nhu cầu tác chiến, máy bay không người lái Taranis có thể mang theo các vũ khí tấn công như 4 quả tên lửa Hellfire, 2 quả bom Paveway, cất cánh từ căn cứ của Anh, tiến hành tấn công chiều sâu đối với các mục tiêu ở Afghanistan. Máy bay này do hệ thống máy tính tự động điều khiển, không cần chỉ thị mặt đất vẫn có thể tự cất cánh, hạ cánh, phòng thủ các cuộc tấn công của máy bay có người lái hoặc không người lái khác.

Mô hình máy bay không người lái Taranis Anh
Mô hình máy bay không người lái Taranis Anh

Vai trò của UAV trong chiến tranh tương lai

Máy bay chiến đấu tàng hình là loại máy bay chiến đấu có thể tránh né sự dò tìm của radar và thiết bị hồng ngoại, làm cho quân địch khó phát hiện được. Đây đã là tiêu chuẩn máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, chẳng hạn các máy bay chiến đấu như F-22, F-35 của Mỹ, T-50 của Nga đều có chức năng tàng hình.

Phát triển theo hướng tàng hình và không người lái là xu thế phát triển của máy bay chiến đấu. Có quan điểm cho rằng, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trong tương lai là máy bay chiến đấu cỡ lớn đồng thời có đặc điểm kép là tàng hình và không người lái. Tàng hình và không người lái có giá trị rất lớn trong chiến đấu thực tế.

Trong chiến tranh hiện đại, vũ khí tấn công của hai bên (bất kể là tên lửa hay bom thông minh) đều có khả năng phá hủy mạnh và khả năng ngắm chuẩn chính xác, ở mức độ rất lớn, ai phát hiện địch và khai hỏa trước thì người đó sẽ chiếm thế thượng phong.

Máy bay chiến đấu tàng hình đã giảm lớn nguy cơ bị phát hiện, bất kể là chiến đấu ngoài tầm nhìn (BVR) không đối không hay tác chiến tập kích không đối đất, không đối hải, đều có thể đoạt lấy thời cơ trước, "xuất quỷ nhập thần" để khiến cho địch bị "trọng thương". Sử dụng máy bay chiến đấu không người lái đã làm giảm thương vong con người.

Máy bay không người lái NEURON Pháp
Máy bay không người lái NEURON Pháp

Tuy nhiên, máy bay không người lái tàng hình cũng hoàn toàn không phải toàn năng. Việc cải tiến tính năng luôn phải trả giá. Để có năng lực tàng hình, đã đưa ra yêu cầu khắt khe hơn đối với hình dạng cánh và thân máy bay, làm cho tính cơ động nhất là tốc độ bay lượn của nó bị hạn chế.

Đối mặt với trạng thái chiến trường thay đổi nhanh chóng/chớp mắt, năng lực phán đoán và quyết sách của máy bay không người lái không thể so sánh được với người điều khiển có kinh nghiệm phong phú; máy bay không người lái có khả năng ứng phó khẩn cấp hạn chế khi thực hiện các nhiệm vụ có độ linh hoạt cao như không chiến. Trong chiến tranh quy mô lớn tương lai, máy bay không người lái tàng hình là một vũ khí lợi hại, chỉ có đưa vào toàn bộ hệ thống quân đội tiên tiến, mới có thể thực sự phát huy vai trò cần thiết.

Nhật Bản, Hàn Quốc đều có kế hoạch mua máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ
Nhật Bản, Hàn Quốc đều có kế hoạch mua máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ
Đông Bình