Giới QS Trung Quốc: Đụng độ ở Biển Đông có thể xảy ra bất cứ lúc nào

29/05/2013 06:43
Hồng Thủy
(GDVN) - Những vụ đụng độ, tranh chấp trên Biển Đông sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, kéo dài hơn, những sự kiện đụng độ ở Biển Đông sẽ liên tục xuất hiện, nếu không kiểm soát tốt có thể biến thành những nguy cơ rất lớn.
30 tàu cá Trung Quốc kéo ra Đá Vành Khăn nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hoạt động trái phép hồi tháng 7 năm ngoái
30 tàu cá Trung Quốc kéo ra Đá Vành Khăn nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hoạt động trái phép hồi tháng 7 năm ngoái
Tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốc 29/5 đưa tin, hôm qua 28/5 trung tâm Nghiên cứu chính sách quân sự thuộc học viện Khoa học quân sự trung Quốc ban hành cuốn Nhận định chiến lược 2012, trong đó cho rằng tranh chấp Trung - Nhật xung quanh nhóm đảo Senkaku ở Hoa Đông có thể bùng phát thành xung đột quân sự trong khi quy chụp mọi căng thẳng ở Biển Đông là do Mỹ và các đụng độ trên Biển Đông có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào.
Đây là năm thứ 2 giới học giả quân sự phát hành sách Nhận định chiến lược. Riêng về khu vực Biển Đông, cánh học giả quân sự Trung Quốc nhận định rằng tình hình ngày càng trở nên phức tạp kể từ khi Mỹ tuyên bố quay trở lại châu Á vào tháng 7/2010 làm cho cục diện ổn định ở Biển Đông bị phá vỡ?! Trên thực tế, những căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông từ năm 2010 trở lại đây hầu hết là do những hành động leo thang liên tục của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng lúc nào Trung Quốc cũng rêu rao, chụp mũ cho Mỹ và các bên tranh chấp khác "làm mất ổn định" khu vực này. Có lẽ đó vừa là kiểu truyền thông gắp lửa bỏ tay người, đồng thời cũng cho thấy Trung Quốc thực sự lo ngại việc Mỹ quay trở lại châu Á và can dự vào việc giải quyết tranh chấp Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh không thể tiếp tục làm mưa làm gió, bất chấp luật pháp quốc tế mãi được. Nhận định chiến lược 2012 của giới nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay đang rất phức tạp, mặc dù chưa có đủ điều kiện để có thể xảy ra xung đột vũ trang quy mô lớn, nhưng những vụ đụng độ, tranh chấp trên Biển Đông sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, kéo dài hơn, những sự kiện đụng độ ở Biển Đông sẽ liên tục xuất hiện, nếu không kiểm soát tốt có thể biến thành những nguy cơ rất lớn. Ý thức được nguy cơ leo thang thành xung đột trên Biển Đông, nhưng dường như giới nghiên cứu quân sự Trung Quốc đang cố tình lờ đi một thực tế rằng những phức tạp, căng thẳng và nguy cơ xung đột trên Biển Đông phần lớn xuất phát từ các hành động leo thang, gây căng thẳng của Bắc Kinh. Và cũng chính Bắc Kinh hết lần này đến lần khác tìm cách trốn tránh tham gia đàm phán Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC, một công cụ pháp lý kiểm soát nguy cơ xung đột như chính họ vừa nói. Mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của giới chức, giới nghiên cứu, giới quân sự Bắc Kinh ở Biển Đông chỉ có thể cho thấy một điều, họ đang cố tình che đậy dã tâm bá chiếm Biển Đông thành ao nhà của họ, một âm mưu xuyên suốt và đang ngày càng trở nên lộ liễu.

Hồng Thủy