Hải giám Trung Quốc rình rập Bãi Cỏ Mây, Philippines đổi quân đồn trú

30/05/2013 06:53
Hồng Thủy (Nguồn: Malaya)
(GDVN) - Căng thẳng trên Bãi Cỏ Mây những ngày qua chính là do Trung Quốc đang cố tình tạo ra hòng kiếm cớ điều tàu Hải giám, một loại tàu quân sự trá hình công khai xâm nhập, đứng chân và hoạt động trái phép tại Bãi Cỏ Mây thuộc chủ quyền của Việt Nam, một âm mưu hết sức xảo quyệt, nguy hiểm và lộ liễu.
Mã Khắc Khanh, Đại sứ Trung Quốc (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tranh thủ trao đổi bên lề hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế gìn giữ hòa bình, hôm qua 29/5
Mã Khắc Khanh, Đại sứ Trung Quốc (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines tranh thủ trao đổi bên lề hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế gìn giữ hòa bình, hôm qua 29/5
Căng thẳng xung quanh Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam do Trung Quốc và Philippines đang tranh giành trái phép đã có dấu hiệu hạ nhiệt đôi chút khi Trung Quốc rút 1 tàu khu trục và 30 tàu cá khỏi vùng biển này, nhưng vẫn để 2 tàu Hải giám neo đậu trái phép tại đây, đêm ngày "rình rập" hoạt động (trái phép) của phía Philippines.
Có thể thấy rằng căng thẳng trên Bãi Cỏ Mây những ngày qua chính là do Trung Quốc đang cố tình tạo ra hòng kiếm cớ điều tàu Hải giám, một loại tàu quân sự trá hình công khai xâm nhập, đứng chân và hoạt động trái phép tại Bãi Cỏ Mây thuộc chủ quyền của Việt Nam, một âm mưu hết sức xảo quyệt, nguy hiểm và lộ liễu. Như vậy nhìn bề ngoài thì căng thẳng trên Bãi Cỏ Mây có vẻ như hạ nhiệt hơn một chút, nhưng trên thực tế là Trung Quốc đã lấn thêm được 1 bước tại đây - PV. Trong cuộc tiếp xúc bên lề ngày Quốc tế gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tổ chức tại trại Aguinaldo quân đội Philippines hôm qua 29/5, Mã Khắc Khanh, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines nói với Bộ trưởng Quốc phòng nước sở tại Voltaire Gazmin rằng Bắc Kinh đang rất  quan tâm tới "cấu trúc mới bổ sung" mà Philippines có thể xây dựng (trái phép) ở Bãi Cỏ Mây, nơi Bắc Kinh cũng tuyên bố "chủ quyền" phi lý và phi pháp. Ông Voltaire Gazmin nói với Mã Khắc Khanh, con tàu hải quân Philippines tiến ra Bãi Cỏ Mây chỉ nhằm cung cấp thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết cho 1 tiểu đội thủy quân lục chiến đang chốt giữ (trái phép) trên xác chiếc tàu cũ BRP Sierra Madre.  Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cam kết Manila sẽ không vi phạm các thỏa thuận trong Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC 2002, trong đó có điều khoản các bên tuyên bố chủ quyền "không được làm thay đổi hiện trạng" khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, hiện tại Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố "chủ quyền"). "Ngoài ra chúng tôi cũng đang thực hiện luân chuyển lực lượng (đồn trú trái phép trên xác tàu chiến ở Bãi Cỏ Mây) bởi vì những người lính của chúng tôi không thể ở lại đó vĩnh viễn, nếu không họ sẽ phát điên", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói thêm. Trong khi Mã Khắc Khanh cho biết 2 tàu Hải giám Trung Quốc sẽ vẫn ở lại (trái phép) Bãi Cỏ Mây để canh chừng, "rình rập" hoạt động của tàu hải quân Philippines xem có đổ vật liệu xây dựng các cấu trúc mới hay không. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Philippines cho hay, các mối đe dọa luôn thường trực tại Bãi Cỏ Mây nhưng Philippines đang cố gắng tránh các thao tác nguy hiểm, tránh các động thái đối đầu với Trung Quốc. Mã Khắc Khanh nói với ông Voltaire Gazmin: "Trung Quốc sẵn sàng phát triển hợp tác và trao đổi tốt đẹp với Philippines vì năm nay là năm giao lưu hữu nghị giữa 2 nước. Vì vậy Trung Quốc đã sẵn sàng để thúc đẩy hợp tác và trao đổi với Philippines." Nhưng khi chủ nhà hỏi lại về những kháng nghị ngoại giao về việc tàu Trung Quốc xâm nhập trái phép Bãi Cỏ Mây, bà Khanh từ chối trả lời và lên xe về thẳng đại sứ quán. Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó đô đốc Jose Luis Alano cho rằng Trung Quốc không nên lo lắng về nhiệm vụ tái cung cấp nhu yếu phẩm cho lực lượng đồn trú (trái phép) ở Bãi Cỏ Mây của 1 con tàu hải quân Philippines sắp tới trong khi một quan chức quân sự giấu tên cho hay, 1 tàu hậu cần hải quân sẽ khởi hành ra Bãi Cỏ Mây.

Hồng Thủy (Nguồn: Malaya)