"Hải quân Mỹ triển khai ở Biển Đông thì Hải quân Trung Quốc trở nên vô dụng"

11/12/2015 10:39
Đông Bình
(GDVN) - Các tàu sân bay của Trung Quốc đều không phải là đối thủ của Mỹ; Hải quân Mỹ triển khai ở Biển Đông thì Hải quân Trung Quốc sẽ trở nên vô dụng.

Thời báo Hoàn Cầu ngày11/12 dẫn tờ nguồn tờ Sankei Shimbun hôm 9/12 cho biết, chuyên gia quân sự Nhật Bản Kazuhiko Inoue đã so sánh tương quan lực lượng quân sự Trung - Mỹ ở Biển Đông bằng cách giả định trường hợp hai nước nổ ra xung đột quân sự.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Ảnh: Richard Davies.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Ảnh: Richard Davies.

Theo ông, đến nay Hải quân Trung Quốc đã sở hữu tàu sân bay như mơ ước của họ, đã tiến hành thuận lợi kế hoạch tăng thêm tàu ngầm, đã có thực lực tác chiến biển xa.

Đồng thời, số lượng tàu chiến của Hải quân Trung Quốc lên tới 871 chiếc, chênh lệch không đáng kể với 949 tàu chiến của Hải quân Mỹ - lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới.

Nhưng tổng trọng tải tàu chiến Mỹ lên tới 9.243.000 tấn, Hải quân Trung Quốc chỉ có 1.470.000 tấn. Điều này có nghĩa là, ngoài một bộ phận tàu chiến cỡ lớn, phần lớn tàu chiến của Hải quân Trung Quốc có trọng tải khá nhỏ, năng lực tác chiến rất hạn chế.

Học giả Nhật cho hay, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc dài 305 m, rộng 73 m, lượng giãn nước 67.000 tấn, sức chiến đấu còn lâu mới bằng tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan của Quân đội Mỹ đóng ở quân cảng Yokosuka. Tàu USS Ronald Reagan dài 333 m, rộng 76,8 m, lượng giãn nước 101.400 tấn.

Ở mức độ rất lớn, năng lực chiến đấu của tàu sân bay phụ thuộc vào tính năng của máy bay chở trên tàu sân bay.

Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS George Washington, Hải quân Mỹ, hiện diện ở Biển Đông (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS George Washington, Hải quân Mỹ, hiện diện ở Biển Đông (ảnh tư liệu)

Máy bay tấn công F-18 Super Hornet trên tàu sân bay USS Ronald Reagan là máy bay chiến đấu đa năng, có năng lực tấn công đối không, đối đất và đối hạm, kinh nghiệm chiến đấu thực tế phong phú, tính năng vượt xa máy bay chiến đấu J-15 (phiên bản sao chép của máy bay chiến đấu Su-33 Nga) dự kiến được chở trên tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc.

Ngoài ra, máy bay cảnh báo sớm E-2C có khả năng trinh sát máy bay địch trên đường ngang mặt nước cũng gây ảnh hưởng mang tính quyết định tới thắng bại của không chiến.

Tàu sân bay hoàn toàn không hành động đơn độc, mà cần được hộ tống bởi các chiến hạm có hệ thống tên lửa phòng không như tàu khu trục lớp Aegis để đối phó với các mối đe dọa trên không, và tàu hộ vệ có năng lực săn ngầm mạnh.

Hải quân Mỹ đã có khoảng 80 năm kinh nghiệm tác chiến biên đội tàu sân bay, đã tích lũy được kinh nghiệm chiến đấu thực tế tương đối phong phú, trong khi đó, Hải quân Trung Quốc lại thiếu kinh nghiệm như vậy.

Kazuhiko Inoue còn đặc biệt nhấn mạnh, năng lực săn ngầm của Trung Quốc kém "một thế hệ" so với Mỹ, không thể phát hiện được các động thái của tàu ngầm động cơ hạt nhân Mỹ. Vì vậy, Trung Quốc cũng khó mà vận dụng được tác chiến biên đội tàu sân bay.

Tàu sân bay Liêu Ninh Hải quân Trung Quốc chỉ là thứ vô dụng?!
Tàu sân bay Liêu Ninh Hải quân Trung Quốc chỉ là thứ vô dụng?!

Mặc dù ngoài tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc còn có 2 tàu sân bay đang chế tạo, nhưng cũng có thể khẳng định, chúng hoàn toàn không phải là đối thủ của tàu sân bay Mỹ.

Đồng thời, Hải quân Trung Quốc đang ra sức hoàn thành hiện đại hóa sức chiến đấu của lực lượng tàu ngầm. Trung Quốc đang lần lượt trang bị tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn trang bị tên lửa đạn đạo SLBM và tàu ngầm thông thường lớp Nguyên mà nước này tự chế tạo.

Tàu ngầm lớp Nguyên được cho là đã lắp động cơ diesel do Đức chế tạo và hệ thống hoạt động thời gian dài trong lòng biển (AIP), đã cải thiện khả năng chạy êm.

Mặc dù vậy, hiện nay Hải quân Trung Quốc cũng không thể đối phó với máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon mới nhất, tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Seawolf và lớp Virginia của Quân đội Mỹ.

Cuối cùng học giả Nhật Bản này cho rằng, để đối phó với chiến lược hạt nhân của Mỹ, để chi phối có hiệu quả Biển Đông và coi Biển Đông là căn cứ để tàu ngầm hạt nhân chiến lược bắn tên lửa đạn đạo, Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng (bất hợp pháp) đảo nhân tạo và căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ lắp tên lửa Harpoon
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ lắp tên lửa Harpoon

Hành động này của Trung Quốc đã gây căng thẳng cao độ về quân sự giữa Trung-Mỹ. Nhưng, một khi biên đội tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân tấn công của Quân đội Mỹ triển khai thực sự ở Biển Đông và phối hợp với máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon tiến hành tuần tra, Hải quân Trung Quốc cũng sẽ trở nên “vô dụng”. 

Đông Bình