Hàn Quốc mặc cả với Mỹ đổi tầm bắn lấy trọng lượng đầu đạn tên lửa

11/10/2012 19:03
Bảo Thành (Nguồn: Chosun Ilbo)
(GDVN) - Hàn Quốc có thể đổi việc giảm tầm bắn tên lửa xuống 550 km để tăng trọng lượng đầu đạn lên 1 tấn.
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 11/10 đưa tin, sau những cuộc đàm phán bắt đầu từ năm 2010, mặc dù Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận hôm Chủ nhật về việc tăng tầm bắn tên lửa Hàn Quốc từ 300 km lên 800 km, song khối lượng đầu đạn của những tên lửa này vẫn bị hạn chế ở mức 500 kg.

Tên lửa hành trình của Hàn Quốc
Tên lửa hành trình của Hàn Quốc

Seoul cho rằng tên lửa của mình phải có tầm bắn tối đa ít nhất là 1000 km mới có thể phá hủy được các mục tiêu chiến lược của Triều Tiên trong tình huống khẩn cấp, thế nhưng Washington đã phản đối mạnh mẽ và chỉ giới hạn tầm bắn trong phạm vi 800 km. Mãi tới giai đoạn sau của các vòng đàm phán, các quan chức Hàn Quốc mới có thể nêu vấn đề tăng trọng lượng đầu đạn tên lửa của nước này.

Ngoài ra, Seoul cũng sẽ tiếp tục bị cấm phát triển tên lửa đẩy nhiên liệu rắn sử dụng cho mục đích dân sự vì Mỹ lo ngại rằng công nghệ này có thể được chuyển sang sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Thành tựu duy nhất trong các cuộc đàm phán này là phía Mỹ cho phép Hàn Quốc phát triển phương tiện bay không người lái có thể mang theo đầu đạn 2,5 tấn tương tự như chiếc Global Hawk của Mỹ.

Máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ.
Máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ.

Các quan chức chính phủ cho rằng Hàn Quốc có thể đổi việc giảm tầm bắn tên lửa xuống 550 km để tăng trọng lượng đầu đạn lên 1 tấn. Đầu đạn có trọng lượng nặng hơn giúp Hàn Quốc có khả năng phá hủy các cơ sở tên lửa và bệ phóng của Triều Tiên trong phạm vi 500 đến 600 km trong trường hợp Triều Tiên phát động tấn công.

Trong đối đầu quân sự, phương thức phòng ngừa thái độ hiếu chiến hiệu quả nhất là cho đối phương thấy rằng nếu mình tấn công trước sẽ nhận lại hậu quả khủng khiếp. Triều Tiên có những hành động khiêu khích đối với Hàn Quốc như đánh đắm tàu chiến Cheonan và pháo kích đảo Yeonpyeong là vì nước này đánh giá thấp khả năng trả đũa của Hàn Quốc.

Hàn Quốc sẽ tiếp quản toàn quyền chỉ huy các hoạt động quân sự từ Mỹ vào năm 2015, nhưng nước này vẫn thiếu khả năng giám sát trên không để có thể xác định chính xác các địa điểm phát động tấn công của Triều Tiên. Đây chính là điểm yếu mà các hành động khiêu khích của Triều Tiên có thể nhắm vào.

Tên lửa Musudan của Triều Tiên
Tên lửa Musudan của Triều Tiên

Tên lửa Hàn Quốc với tầm bắn 800 km vẫn chưa là gì nếu so sánh với tên lửa Musudan của Triều Tiên có tầm bắn 3000-4000 km mang theo đầu đạn nặng 650 kg. Trung Quốc cũng sở hữu những tên lửa xuyên lục địa có tầm bắn xa hơn, còn Nhật Bản cũng có thể nhanh chóng biến các loại tên lửa nhiên liệu rắn của mình thành tên lửa đạn đạo tầm xa.

Chosun Ilbo kết luận, nếu chính phủ hiện nay của Hàn Quốc chấp nhận những khả năng hạn chế này của tên lửa nước mình thì hãy để nhiệm vụ đó cho chính quyền tiếp theo đảm đương, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc chạy đua tên lửa đang ngày càng nóng lên ở Đông Bắc Á.

Bảo Thành (Nguồn: Chosun Ilbo)