Hàn Quốc sẽ phóng thử tên lửa vũ trụ lần chót?

16/10/2012 19:09
Bảo Thành (Nguồn: Chosun Ilbo)
(GDVN) - Nếu vụ phóng này thất bại, Hàn Quốc sẽ không tiến hành thêm vụ phóng thử tên lửa nào nữa, và dự án Naro cũng sẽ khép lại.
Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc ngày 16/10 đưa tin, Hàn Quốc sẽ phóng thử tên lửa loại tên lửa do nước này tự chế tạo trong khoảng thời gian từ ngày 26/10 đến 31/10 tùy thuộc và điều kiện thời tiết. Đây là lần thứ 3 và cũng là lần cuối cùng Seoul phóng tên lửa loại này, vụ phóng thử trước diễn ra ngày 10/6/2010 nhưng đã bị thất bại.

Tên lửa Naro đang được hoàn tất các công đoạn cuối cùng
Tên lửa Naro đang được hoàn tất các công đoạn cuối cùng

Hôm 03/10, Trung tâm Vũ trụ Naro ở Goheung, tỉnh Nam Jeolla đã tiến hành ráp tầng phóng thứ hai do Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc chế tạo lên trên tầng tên lửa thứ nhất nhập của Nga. Công tác thử nghiệm và tập duyệt vận hành điện tử sẽ được tiến hành vào thứ Sáu tuần này.

Tên lửa này sẽ được đưa tới bệ phóng vào ngày 24/10. Trung tâm Vũ trụ sẽ tiến hành buổi tập dượt cuối cùng vào ngày hôm sau và quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào 11 giờ đêm cùng ngày về địa điểm và khả năng phóng tên lửa.

Bốn giờ trước khi tiến hành phóng, tên lửa sẽ được bơm nhiên liệu và hệ thống điện tử đếm ngược tự động sẽ bắt đầu 15 phút trước khi phóng.

Tên lửa được đặt tên là Naro này sẽ trải qua 5 giai đoạn trong hành trình bay với tổng thời gian 540 giây từ bệ phóng lên quỹ đạo. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, tên lửa sẽ đạt vận tốc mach 1 (vận tốc âm thanh – PV) và phá vỡ bức tường âm thanh sau 55 giây, hai tấm ốp che mũi sẽ tách ra.

Sau đó tầng tên lửa đẩy thứ nhất được tách ra, tầng thứ hai khai hỏa, và cuối cùng vệ tinh nghiên cứu khoa học sẽ tách ra và tiến vào quỹ đạo.

Tên lửa Naro được phóng lên ngày 10/6/2010. Nó đã nổ tung chỉ sau 137 giây được phóng lên
Tên lửa Naro được phóng lên ngày 10/6/2010. Nó đã nổ tung chỉ sau 137 giây được phóng lên

Vụ phóng tên lửa này có thành công hay không sẽ được quyết định bằng tín hiệu liên lạc đầu tiên giữa vệ tinh và trung tâm điều khiển mặt đất tại Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ vệ tinh KAIST ở Daejeon sau đó 12 giờ.

Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho hay cơ hội thành công lần này sẽ cao hơn 2 lần so với lần trước đó, vì Hàn Quốc và Nga đều đã khắc phục những nguy cơ có thể gây ra hỏng hóc.

Để cải thiện tính năng kỹ thuật, tên lửa lần này sẽ được phóng lên sớm hơn những lần trước. Lần phóng đầu tiên diễn ra vào hồi 5 giờ chiều, lần thứ 2 lúc 5:01 chiều và đều tiến hành vào mùa hè. Còn lần này tên lửa dự kiến sẽ được phóng vào 3:30 chiều vì mùa thu mặt trời lặn sớm hơn. Đây là thời gian sử dụng năng lượng mặt trời hiệu quả nhất.

Nếu vụ phóng này thất bại, Hàn Quốc sẽ không tiến hành thêm vụ phóng thử tên lửa nào nữa, và dự án Naro cũng sẽ khép lại.

Năm 2010, chính phủ Hàn Quốc đã khởi động chương trình chế tạo tên lửa phóng độc lập với công nghệ của Nga. Nước này dự kiến chế tạo một động cơ tên lửa đẩy 75 tấn bằng nguồn ngân sách 1,55 nghìn tỉ won vào năm 2012. Mục tiêu của chương trình này là tự sản xuất được tên lửa vũ trụ có khả năng đưa vệ tinh 1,5 tấn vào vũ trụ.   

Bảo Thành (Nguồn: Chosun Ilbo)