Hàn Quốc và Biển Đông

27/12/2015 13:18
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục đe dọa các nước láng giềng một cách công khai mà không phải trả giá, cuối cùng sẽ đến lượt Hàn Quốc.

New Delhi Times ngày 26/12 bình luận, yêu sách vô lý và hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông đã vấp phải sự phản đối của các nước trong khu vực. Hành vi tập trận hải quân và xây dựng, bồi đắp, quân sự hóa đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Biển Đông đang vấp phải phản ứng gay gắt từ các nước khác.

Tổng thống Hàn Quốc Park Gyun-hye, ảnh: SCMP.
Tổng thống Hàn Quốc Park Gyun-hye, ảnh: SCMP.

Việc Mỹ tiến hành các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp khiến thế giới lo ngại một cuộc xung đột, đối đầu có thể nổ ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hoặc giữa Trung Quốc với các bên yêu sách khác.

Trong vấn đề Biển Đông, hầu hết các quốc gia châu Á ủng hộ, hỗ trợ quyết định của Mỹ đã đẩy Hàn Quốc vào thế bí. Seoul đang bị mắc kẹt giữa 2 siêu cường mà nước này tìm cách duy trì quan hệ thân thiện với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ.

Giống như hầu hết các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về thương mại và đầu tư. Ngoài ra cũng như các nước khác, nền kinh tế Hàn Quốc cũng sẽ chịu tác động ảnh hưởng nặng nề nếu tuyến đường hàng hải qua Biển Đông bị phong tỏa.

Trong khi nhiều quốc gia khu vực ủng hộ rõ ràng lập trường của Hoa Kỳ, cam kết chống các hành vi bành trướng, hạn chế tự do hàng hải và các tuyên bố bất hợp pháp về chủ quyền, Hàn Quốc - một quốc gia phát triển trong khu vực có sức mạnh tầm trung ở châu Á đã đến lúc phải hành động để bảo vệ sự ổn định trong khu vực, phản đối các cách tiếp cận cưỡng chế.

Seoul đã từng ví mình như con tốt trên bàn cờ của các siêu cường, hay là con muỗi trong câu "trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết". Duy trì một thái độ lảng tránh vấn đề Biển Đông, một mặt Hàn Quốc vẫn ủng hộ các hoạt động của Mỹ, mặt khác tránh chỉ trích Trung Quốc.

Tuy nhiên theo New Delhi Times, Hàn Quốc không thể mãi duy trì cách tiếp cận lảng tránh những tranh chấp địa chính trị ở châu Á. Đứng ngoài khu vực, Hàn Quốc đang bẻ gãy sự đồng thuận về vấn đề này. Seoul cần lên tiếng như một bên trung gian trung thực.

Mặc dù Hàn Quốc quyết định cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc và né tránh việc phải lựa chọn một trong hai, nhưng sự thật vẫn là nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục đe dọa các nước láng giềng một cách công khai mà không phải trả giá, cuối cùng sẽ đến lượt Hàn Quốc.

Bởi vậy, cuối cùng cần phải có một mặt trận thống nhất ở châu Á trong việc buộc Trung Quốc phải hành xử đúng luật ở Biển Đông.

Hồng Thủy