Hậu Crimea, Hiệp ước Hòa bình Nga - Nhật chỉ còn là giấc mơ?

02/04/2014 09:32
Hồng Thủy
(GDVN) - Shinzo Abe có lẽ cảm thấy khá thất vọng khi chứng kiến sự kiện sáp nhập Crimea đang làm tiêu tan những nỗ lực cả một năm qua của ông
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Kyodo News ngày 1/4 có bài phân tích, chứng kiến vụ sáp nhập bất ngờ bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga, Nhật Bản rơi vào thế bí trong việc phải đưa ra phản ứng cùng với Mỹ và các đồng minh phương Tây. 

Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Hà Lan đã quyết định cùng các đồng minh lên án Tổng thống Nga Putin và quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga.

Tuy nhiên ông Shinzo Abe có lẽ cảm thấy khá thất vọng khi chứng kiến sự kiện sáp nhập Crimea đang làm tiêu tan những nỗ lực cả một năm qua của ông để cải thiện mối quan hệ với Nga với mục tiêu cuối cùng là đòi lại vùng lãnh thổ phương Bắc, Nga gọi là quần đảo Kuril. 

Lãnh thổ là một trong những vấn đề quốc gia quan trọng nhất chưa được giải quyết, nếu ông Shinzo Abe có thể đòi lại khu vực này dù chỉ một phần, di sản của ông sẽ được đảm bảo.

Tại hội nghị thượng đỉnh G-7, ông Abe nhăc lại quan điểm của mình về Crimea là các bên cần tiếp tục đối thoại, giải quyết vấn đề một cách hòa bình thông qua kênh ngoại giao. 

Thủ tướng Nhật Bản hy vọng các cuộc đàm phán Nga - Nhật về lãnh thổ sẽ không bị trì hoãn, nhưng liệu ông có sẵn sàng nhận trách nhiệm với đồng minh phương Tây về việc phá vỡ liên minh chống lại Nga?

Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Crimea, quan hệ Nhật - Nga đã rất tích cực, có lẽ là tốt nhất trong lịch sử. Shinzo Abe và Vladimir Putin đã gặp nhau 5 lần trong năm qua. 

Trong một năm qua, ông Shinzo Abe đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện quan hệ với Nga.
Trong một năm qua, ông Shinzo Abe đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện quan hệ với Nga.

Thủ tướng Shinzo Abe là nhà lãnh đạo duy nhất trong các nước đồng minh của Mỹ đã đến tham dự khai mạc thế vận hội Sochi tại Nga, ông đã gặp Tổng thống Putin tại Sochi và đồng ý sẽ gặp nhau lần nữa trước chuyến thăm của ông Putin đến Nhật Bản vào mùa thu này.

Sau cuộc họp tháng 2 với ông chủ Kremlin, Thủ tướng Shinzo Abe nói: "Tôi xác định sẽ dồn hết sức lực của mình vào việc giải quyết các vấn đề vùng lãnh thổ phương Bắc trước khi kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng". Sau khi nghe tuyên bố lạc quan này, các chuyên gia Nhật Bản đã kỳ vọng hơn vào một giải pháp nhanh chóng và việc ký kết Hiệp ước Hòa bình Nhật - Nga sẽ được thực hiện.

Mặc dù Nhật Bản cũng có những vấn đề về lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng do mối quan hệ cá nhân khá tốt với Putin của ông Shinzo Abe nên vấn đề lãnh thổ phương Bắc vẫn dễ giải quyết hơn cả.

Kể từ vụ rò rỉ hạt nhân Fukushima, Nhật Bản đã tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên để bù đắp sự thiếu hụt năng lượng. Nga đã tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu qua Nhật Bản vì 2 nước gần gũi về địa lý. Hơn nữa Nhật Bản thấy rằng Nga là một đối tác an ninh tự nhiên có thể chống đỡ sự mở rộng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Truyền thông Nhật Bản cho rằng Shinzo Abe phải đối mặt với quyết định khó khăn khi lựa chọn giữa Nga với Mỹ. Một số cố vấn nước ngoài tại Nhật Bản cho rằng việc từ bỏ tái lập quan hệ với Nga chỉ vì vụ sáp nhập Crimea là điên rồ. Crimea ở xa Nhật và Tokyo không có lợi ích quốc gia nào trên bán đảo này.

Người dân trên bán đảo Crimea ăn mừng sau khi có kết quả bỏ phiếu sáp nhập lãnh thổ vào Nga.
Người dân trên bán đảo Crimea ăn mừng sau khi có kết quả bỏ phiếu sáp nhập lãnh thổ vào Nga.

Nhật cũng nhận thức được rằng Mỹ đã trở nên ít đáng tin cậy hơn trong vai trò đảm bảo an ninh. Năm ngoái, thế giới đã biết cách Mỹ phá vỡ cam kết của mình tấn công Syria sau vụ sử dụng vũ khí hóa học. 

Trong việc đối phó với Trung Quốc, Nhật Bản cần phải thấy Mỹ không muốn tham gia sâu hơn nữa vào xung đột quốc tế này. Do đó, sẽ tốt hơn cho Nhật Bản trong việ mở rộng phạm vi ngoại giao và tìm đối tác mới, một trong số đó có thể là Nga.

Tuy nhiên sẽ rất vô lý khi nghĩ rằng Nhật Bản sẽ đứng về phía Nga trong vấn đề Crimea. Bởi nếu Tokyo công nhận sự sáp nhập Crimea là hợp pháp thì Nhật Bản sẽ huy động sự hỗ trợ của quốc tế ra sao đối với trường hợp Senkaku, nếu Bắc Kinh cũng học theo Moscow?

Có thể Mỹ thực sự ít đáng tin cậy, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng Washington vẫn là người bảo lãnh tốt nhất cho an ninh Nhật Bản và chia sẻ các giá trị chung với Tokyo.

Nga đã thể hiện "mặt tối" của mình ở Crimea và chứng minh rằng quốc gia này không thể là một đối tác thực sự của Nhật Bản, Tokyo không có lựa chọn nào khác ngoài việc kết luận rằng Nga và Trung Quốc là những cường quốc toàn cầu lẻ loi.

Nhật Bản hy vọng trong tương lai các nhà lãnh đạo Nga sẽ chứng tỏ họ là một đối tác đáng tin cậy. Cho đến lúc đó, các cuộc đàm phán giữa 2 chính phủ có thể bị gián đoạn và có những cách thức khác để duy trì quan hệ song phwnog.

Hồng Thủy