Hoàn Cầu: Biến vụ Mỹ tuần tra Tri Tôn thành cớ nuôi chủ nghĩa dân tộc cực đoan

02/02/2016 10:36
Hồng Thủy
(GDVN) - Cạnh tranh Trung-Mỹ ở Biển Đông cơ bản là việc ai người nấy làm, Trung Quốc cứ tiếp tục bồi đắp, xây đảo nhân tạo, Mỹ cứ tiếp tục phản đối mạnh mẽ nhưng...

Thời báo Hoàn Cầu ngày 1/1 có bài xã luận kêu gọi Trung Quốc cần biến vụ Mỹ tuần tra bên trong 12 hải lý đảo Tri Tôn, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ 1974 đến nay) thành cái cớ để nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy để sử dụng khi cần, đồng thời đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, phát triển sức mạnh quân sự.

Tờ báo này đánh giá: "Thời gian trước Mỹ vẫn tiến hành các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông nhưng chủ yếu tập trung vào Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), nhưng đây là lần đầu tiên Washington mở rộng hoạt động này đến khu vực Hoàng Sa, nơi (Bắc Kinh khăng khăng lập trường sai trái rằng) "thuộc chủ quyền Trung Quốc, không có tranh chấp"".

Người Trung Quốc biểu tình chống Nhật Bản vì việc chính phủ nước này quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư năm 2009. Biểu tình lan rộng khắp Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ mất kiểm soát. Ảnh: The Telegraph.
Người Trung Quốc biểu tình chống Nhật Bản vì việc chính phủ nước này quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư năm 2009. Biểu tình lan rộng khắp Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ mất kiểm soát. Ảnh: The Telegraph.

Bởi vậy theo Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc cần phải tuyên truyền rằng, hoạt động tuần tra 12 hải lý đảo Tri Tôn mà Mỹ tiến hành là "vô cùng nghiêm trọng, biết mà cố phạm".

Xung quanh hoạt động cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên Biển Đông hiện nay, Thời báo Hoàn Cầu nhận định: "Cục diện cạnh tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông cơ bản là việc ai người nấy làm, Trung Quốc cứ tiếp tục bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, Mỹ cứ tiếp tục phản đối mạnh mẽ nhưng không có cách nào ngăn cản.

Mỹ phái tàu chiến đến thách thức theo luật pháp quốc tế, Trung Quốc cũng 'kiên quyết phản đối' nhưng thiếu các biện pháp phản ứng, chế áp hiệu quả".

Xúi giục chính phủ Trung Quốc nuôi dưỡng chủ nghĩa dân túy

"Trên Biển Dông, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều có ưu thế cũng như khả năng chủ động của riêng mình, đồng thời bên nào cũng có điểm yếu riêng. Trung Quốc có không gian tiến thoái, cơ động khá rộng, trong khi khả năng khống chế toàn cục của Mỹ ở Biển Đông lại rất lớn.

Do vụ Mỹ tuần tra xảy ra ngay ở 'cửa ngõ Trung Quốc', nên càng làm lớn chuyện nguy cơ ở Biển Đông, càng kích động mạnh xã hội.

Cảm giác hiện tại của người Trung Quốc là, Mỹ đang vây ép chúng ta. Hoạt động phòng ngừa của Hoa Kỳ với Trung Quốc mang tính chất tấn công, khiến người Trung Quốc ngày càng có cảm giác bị ức hiếp mạnh hơn trước", xã luận Thời báo Hoàn Cầu viết.

Taiwan People News ngày 1/2 nhận định, Thời báo Hoàn Cầu lại đang sử dụng chiêu bài kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan qua cái gọi là "cảm giác bị ức hiếp". Bằng việc tuyên truyền "cảm giác bị Mỹ ức hiếp" để lèo lái dư luận, rõ ràng Thời báo Hoàn Cầu đã đi quá xa so với giới hạn của việc tuyên truyền yêu sách về Biển Đông hay các giải pháp xử lý tranh chấp.

Báo Đài Loan bình luận, nhiều khả năng Thời báo Hoàn Cầu đang khuyến khích chính phủ Trung Quốc hãy sử dụng vấn đề Biển Đông, mà cụ thể là cuộc tuần tra của Mỹ ở Tri Tôn hôm 30/1 như một cái cớ để "định hướng" dư luận.

Thủ đoạn này cũng giống như việc để cho dân Trung Quốc thoải mái biểu tình, kích động chống Nhật Bản nổ ra khắp cả nước trong sự kiện Senkaku/Điếu Ngư được Nhật Bản quốc hữu hóa năm 2009, "hiệu quả" kích động sẽ rất rõ ràng.

Kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan và lèo lái dư luận phục vụ những mục đích, ý đồ chính trị đen tối nguy hiểm không khác gì như chơi dao sắc, có ngày đứt tay. Ảnh dân Trung Quốc biểu tình chống Nhật Bản vì yêu sách chủ quyền với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, nguồn: ibtimes.com.
Kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan và lèo lái dư luận phục vụ những mục đích, ý đồ chính trị đen tối nguy hiểm không khác gì như chơi dao sắc, có ngày đứt tay. Ảnh dân Trung Quốc biểu tình chống Nhật Bản vì yêu sách chủ quyền với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, nguồn: ibtimes.com.

Theo Taiwan People News, mặc dù hiện tại Trung Quốc chẳng có ưu thế nào nếu so sánh với Hoa Kỳ, nhưng việc liên tục khiến cho người dân nước này có cảm giác bất an và phẫn nộ đối với "chủ nghĩa đế quốc" có thể giúp Bắc Kinh giảm nhẹ các áp lực cải cách đến từ phương Tây.

Lấy cớ đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông

Taiwan People News nhận xét, với đánh giá nêu trên về tương quan sức mạnh Trung - Mỹ trên Biển Đông, Thời báo Hoàn Cầu rõ ràng rất hiểu chênh lệch thực lực giữa Bắc Kinh và Washington.

Sau khi xúi giục chính phủ Trung Quốc thúc đẩy tuyên truyền "cảm giác bị Mỹ ức hiếp" cho dư luận, Thời báo Hoàn Cầu "hiến kế" cho Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông và phát triển sức mạnh quân sự.

"Khiêu khích của Mỹ diễn ra ngay trước thời điểm Trung Quốc sắp họp Lưỡng hội (Quốc hội và Chính hiệp). Thế cũng tốt. Nó một lần nữa nhắc nhở chúng ta, nhất định phải duy trì mức tăng trưởng cao các khoản chi cho phát triển sức mạnh quân sự, không thể vì yếu tố nền kinh tế (suy giảm) mà lơ là việc củng cố quốc phòng", Thời báo Hoàn Cầu viết.

Theo Taiwan People News, Thời báo Hoàn Cầu đã lấy việc Mỹ tuần tra Tri Tôn làm cái cớ chích ngừa cho dư luận về việc Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự.

Hiện nay ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chưa đến 2% GDP, trong khi Hoa Kỳ lên tới 4% GDP. Do đó Thời báo Hoàn Cầu khuyên chính phủ Trung Quốc, chừng nào chưa đạt được tỉ lệ ngang bằng với Hoa Kỳ, chừng đó hãy cứ tiếp tục gác lại việc cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Nói cách khác, Mỹ càng đẩy mạnh các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông thì theo Thời báo Hoàn Cầu và Taiwan People News, Trung Quốc càng có cớ để khuấy động chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan. Sắp tới, Trung Quốc nên bắt đầu đẩy mạnh phát triển sức mạnh quân sự trong khoảng thời gian dài.

Cá nhân người viết cho rằng, việc Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Tri Tôn, Hoàng Sa như vừa qua là hợp pháp.

Đồng thời Mỹ đang góp phần phá vỡ âm mưu hợp pháp hóa yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc bằng cách mặc nhiên áp đặt đường cơ sở lãnh hải phi pháp cho quần đảo Hoàng Sa, 12 hải lý lãnh hải cho các bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở Trường Sa, tiến tới đòi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.

Tất cả những âm mưu, thủ đoạn này của Trung Quốc đều sai trái, vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Mặt khác, với việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp ở Biển Đông trên quy mô, tốc độ chưa từng có trong 2 năm qua, thì việc Mỹ có tiến hành các hoạt động tuần tra ở Biển Đông hay không, Trung Quốc vẫn cứ làm tới.

Mỹ tuần tra thì Trung Quốc lấy cớ "phòng thủ" để đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông. Nếu Mỹ làm ngơ thì Bắc Kinh lại càng được đà, tự tin vì chẳng ai dám ngăn chặn, tiến tới thúc đẩy chiến lược độc chiếm Biển Đông thành ao nhà.

Nhưng nếu Mỹ không ra tay, thì vô hình chung Trung Quốc đã hiện thực hóa được yêu sách đường lưỡi bò về mặt pháp lý, vì không có hành động nào phản đối thực tế và hiệu quả.

Có điều, chủ nghĩa dân tộc cực đoan luôn là một con dao hai lưỡi. Một khi nghe Thời báo Hoàn Cầu xui dại, lợi dụng truyền thông lèo lái dư luận xã hội, lợi dụng những người dân cả tin và thiếu thông tin để phục vụ các mục đích, ý đồ chính trị đen tối thì sẽ có ngày gậy ông đập lưng ông. Bởi lẽ chơi dao sắc có ngày đứt tay, người dân Trung Quốc lương thiện không dễ bị Thời báo Hoàn Cầu "xỏ mũi" dắt đi mãi được.

Hồng Thủy