Hoàn Cầu: Bóng ma chiến tranh vẫn còn ám ảnh Đông Á

30/10/2012 13:30
Bảo Thành (Nguồn: Hoàn Cầu)
(GDVN) - Làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang lên cao ở Đông Á được châm ngòi từ các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Trong đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc được coi là yếu tố gây bất ổn lớn nhất cho an ninh khu vực.
Trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực Đông Á ngày càng leo thang bắt nguồn từ tranh chấp biển đảo, sự trỗi dậy của Trung Quốc và chiến lược dịch chuyển trọng tâm của Mỹ, nhiều người nhận thấy rằng tình hình trong khu vực rất giống với những gì đã diễn ra ở châu Âu trong những năm 1910 khơi mào cho Đại chiến Thế giới lần thứ nhất (1914-1918).

Pháo hạm hải quân Trung Quốc diễn tập tấn công chiếm đảo.
Pháo hạm hải quân Trung Quốc diễn tập tấn công chiếm đảo.

Liệu Đông Á có sa vào một cuộc chiến tranh quy mô lớn hay không? Hay sự ràng buộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực sẽ đóng vai trò là người gìn giữ hòa bình? Tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 29/10 đã có bài phân tích về tình hình và nguy cơ đang diễn ra trong khu vực này.

Một số học giả cho rằng giống như những gì đã diễn ra ở châu Âu trước Thế chiến I, làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang lên cao ở Đông Á được châm ngòi từ các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Trong đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc được coi là yếu tố gây bất ổn lớn nhất cho an ninh khu vực.

Thực tế là một cường quốc đang lên sẽ gây ra sự e ngại cho các quốc gia láng giềng như những gì đã xảy ra trong lịch sử khi các cấu trúc quyền lực trước đây bị phá vỡ. Còn ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á ngày nay, Hoàn Cầu cho rằng tình hình bị phức tạp hóa là do chiến lược chuyển trọng tâm sang châu Á của Mỹ.

Washington đang dịch chuyển các nguồn lực quân sự của mình từ Iraq và Afghanistan tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương để duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực kinh tế đang bùng nổ này và để kiềm chế Trung Quốc, nước được Mỹ coi là đối thủ tiềm tàng lớn nhất của mình.

Cụm tàu chiến đấu tàu sân bay USS George Washington của Mỹ. Tàu sân bay USS George Washington hiện đang tuần tra đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Cụm tàu chiến đấu tàu sân bay USS George Washington của Mỹ. Tàu sân bay USS George Washington hiện đang tuần tra đảm bảo an ninh hàng hải trên Biển Đông.

Động thái này của Mỹ đã đặt Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, khiến cho Trung Quốc cảm thấy chịu áp lực buộc phải tăng cường sức mạnh quân sự của mình. Hoàn Cầu cho rằng động thái này của Mỹ đã dội một gáo nước lạnh vào môi trường hợp tác trong khu vực.

Những nỗ lực nhằm tăng cường sự thống nhất trong khu vực trên nhiều phương diện, từ việc thiết lập khuôn khổ ASEAN 10+3 cho tới khái niệm về Cộng đồng Đông Á đều rơi vào ngõ cụt. Các quốc gia trong khu vực đang có cảm giác chịu áp lực phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong khu vực này còn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn khác có thể khơi mào cho các cuộc xung đột nghiêm trọng. Một nhân tố bị Hoàn Cầu liệt vào dạng “gây bất ổn” này là Nhật Bản, nước đang “dần dần thiên về xu thế hữu khuynh” do những khó khăn về kinh tế, suy giảm tầm ảnh hưởng toàn cầu và nỗi e ngại trước người láng giềng Trung Quốc đang trỗi dậy.

Tàu sân bay Liêu Ninh vừa được hải quân Trung Quốc đưa vào hoạt động.
Tàu sân bay Liêu Ninh vừa được hải quân Trung Quốc đưa vào hoạt động.

Hoàn Cầu nhận định rằng những “thay đổi chính trị xoành xoạch” ở Nhật sẽ không giúp khắc phục được các khó khăn của đất nước mà chỉ làm sản sinh nhiều "chính trị gia diều hâu" hơn. Nhật Bản không chỉ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc mà còn với Hàn Quốc và Nga.

Trước mắt Nhật Bản sẽ gặp nhiều khó khăn để “định vị bản thân” một cách chính xác trong khu vực. Thế nhưng các chính trị gia ở Tokyo “đã bắt đầu đánh giá lại chiến lược đối với xung đột trên nhóm đảo Senkaku”, và những công việc khắc phục sai sót đang được lặng lẽ tiến hành.

Những căng thẳng này phản ánh một cuộc ganh đua chiến lược có quy mô rộng lớn hơn. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có thể không có khả năng ngăn ngừa chiến tranh, nhưng nó sẽ tạo thêm nhiều cơ hội trong thời điểm bế tắc về ngoại giao.

Cảnh sát biển Nhật Bản và Hải giám Trung Quốc trên vùng biển Senkaku.
Cảnh sát biển Nhật Bản và Hải giám Trung Quốc trên vùng biển Senkaku.

Gần một thế kỷ sau Thế chiến I, tuy chủ nghĩa dân tộc vẫn còn được khơi dậy trong một số vấn đề cụ thể như tranh chấp lãnh thổ hay xung đột thương mại nhưng việc lôi kéo được sự ủng hộ của dân chúng cho một cuộc chiến sẽ khó khăn hơn nhiều.

Sau hàng thế kỷ chiến tranh loạn lạc, châu Âu giờ đây đã rất thuần thục trong việc sử dụng thể chế chính trị để ngăn ngừa nguy cơ nổ ra xung đột. Kinh nghiệm của châu Âu là bài học rõ ràng cho các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, việc áp dụng máy móc bài học này không thể loại trừ được khả năng nổ ra chiến tranh ở Đông Á. Những vết thương để lại từ chiến tranh xâm lược trong quá khứ vẫn chưa liền sẹo, suy thoái kinh tế đang làm sâu sắc hơn cảm nhận về khủng hoảng ở một số quốc gia, và những chính trị gia vô trách nhiệm đang điều khiển dư luận để đạt được những mục đích ngắn hạn. Trong bối cảnh đó, bóng ma chiến tranh vẫn chưa thực sự biến mất tại khu vực Đông Á.
Bảo Thành (Nguồn: Hoàn Cầu)