Hoàn Cầu: Lệ thuộc vào Mỹ sẽ đe dọa tương lai Nhật Bản

12/10/2012 07:10
Bảo Thành (Nguồn: Hoàn Cầu)
(GDVN) - Lệ thuộc vào Mỹ đồng nghĩa với việc phải tuân theo Mỹ, điều này sẽ khiến Nhật Bản càng bị cô lập hơn ở châu Á.
Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 11/10 đăng bài bình luận với tựa đề “Lệ thuộc vào Mỹ sẽ đe dọa tương lai Nhật Bản”. Mở đầu bài báo, Hoàn Cầu cho rằng cuộc tập trận chung hồi tháng trước giữa Mỹ và Nhật Bản phản ánh những thay đổi trong tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đó là: Nhật Bản đang bằng nhiều phương thức tìm cách lấy lại thế cân bằng với một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Quân đội Mỹ và Nhật Bản tập trận chung tại đảo Guam
Quân đội Mỹ và Nhật Bản tập trận chung tại đảo Guam

Nhật Bản đang dỡ bỏ lệnh cấm tăng cường sức mạnh quân sự và tìm cách lấp chỗ trống do sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ để lại. Hoàn Cầu cáo buộc Nhật Bản hỗ trợ quân sự cho các bên có liên quan trong tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc dưới danh nghĩa hỗ trợ kỹ thuật.

Cuộc tập trận chung này cũng phản ánh một điều rằng các nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho một Nhật Bản đơn độc trong khu vực là rất hạn chế. Hoàn Cầu cho rằng trong thực tế Nhật Bản đang “bị cô lập” trong khu vực, thế nên Nhật Bản phải không ngừng tăng cường quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên mối quan hệ gần gũi giữa Mỹ với Nhật Bản lại là con dao hai lưỡi.

Theo đó, các động thái tập trận chung gần đây giữa Mỹ và Nhật là không có lợi cho ổn định chính trị và hợp tác kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những động thái này “có thể dẫn tới tình trạng đối đầu giữa các nhóm trong khu vực”, trong đó “đồng minh của Mỹ buộc phải ngả theo một phe”, đặt họ vào tình thế khó xử.

Tàu sân bay USS George Washington triển khai trên biển Hoa Đông
Tàu sân bay USS George Washington triển khai trên biển Hoa Đông

Theo Hoàn Cầu, Mỹ đang thiên vị cho Nhật Bản, và hành động này không chỉ bất lợi cho việc cải thiện quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga mà còn phức tạp hóa quan hệ của Mỹ với các quốc gia này. Kết quả tất yếu là Mỹ sẽ bị hạn chế về không gian chiến lược để phô diễn sức mạnh của mình.

Việc Nhật Bản lệ thuộc vào Mỹ có thể có hiệu quả về mặt chiến lược tạm thời. Tuy nhiên, xét về lâu dài, sự lệ thuộc này sẽ làm nảy sinh nhiều hệ lụy xấu.

Lệ thuộc vào Mỹ đồng nghĩa với việc phải tuân theo Mỹ, điều này sẽ khiến Nhật Bản càng bị cô lập hơn ở châu Á. Lệ thuộc vào Mỹ là trái ngược với mục tiêu tự do chính trị và độc lập ngoại giao mà các chiến lược gia Nhật Bản đã theo đuổi trong nhiều năm trời.

Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản rượt đuổi tàu Hải giám Trung Quốc trên vùng biển gần Senkaku
Tàu Cảnh sát biển Nhật Bản rượt đuổi tàu Hải giám Trung Quốc trên vùng biển gần Senkaku

Dựa vào những luận điểm trên, Hoàn Cầu “mách” cho Nhật Bản lối thoát duy nhất đó là giải quyết hòa bình tranh chấp Senkaku thông qua các cuộc đàm phán song phương lâu dài. Điều Nhật Bản nên làm là quay trở lại lập trường trước đây của mình như hồi trước khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có hiệu lực vào năm 1982.

Hoàn Cầu cho rằng Nhật Bản đã không phủ nhận sự tồn tại của tranh chấp Senkaku trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc vào năm 1972 cũng như trong quá trình ký Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị năm 1978.

Hoàn Cầu kết luận: Sẽ cần phải có một quãng thời gian dài mới giải quyết ổn thỏa tranh chấp Senkaku, và trong thời gian này, nhiệm vụ quan trọng của cả Trung Quốc và Nhật Bản là đảm bảo hợp tác chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả các vấn đề liên quan đến tranh chấp này.

Bảo Thành (Nguồn: Hoàn Cầu)