Hoàn Cầu: Mã Anh Cửu bỏ đường lưỡi bò là bán nước, Bắc Kinh bất lợi?!

23/09/2014 13:29
Hồng Thủy
(GDVN) - Không có chuyện nếu Đài Loan từ bỏ đường lưỡi bò là Trung Quốc chấp nhận từ bỏ tham vọng bành trướng lãnh thổ xuống Biển Đông. Có chăng chỉ thêm một trò cười.
Nhà lãnh đạo đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu.
Nhà lãnh đạo đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 23/9 đăng bài phân tích của Khâu Nghị, cựu Nghị sĩ Quốc dân đảng Đài Loan bình luận về vấn đề Biển Đông và đường lưỡi bò. Ông Nghị cho rằng không gian liên thủ tốt nhất cho Bắc Kinh và Đài Bắc ở Biển Đông, một là đảo Ba Bình, hai là đường lưỡi bò, còn gọi là đường chữ U hay đường đứt đoạn.

Đảo Ba Bình nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đã bị lực lượng quân sự Tưởng Giới Thạch cất quân chiếm đóng bất hợp pháp và chính quyền Đài Loan ngày nay duy trì lực lượng đồn trú trái phép. Theo Khâu Nghị, hòn đảo này là "chìa khóa" ở Biển Đông. Ba Bình cách Cao Hùng, Đài Loan hơn 1600 km nên sẽ gặp khó khăn trong phòng thủ, nhưng nếu bắt tay với Bắc Kinh thì có thể "chuyển nguy thành an".

Thứ hai, đường lưỡi bò đều được cả Đài Loan và Trung Quốc lấy làm (cái gọi là) quốc giới ở Biển Đông. Trong khi trọng tâm vụ kiện của Philippines lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển là tính phi pháp của đường lưỡi bò. Khâu Nghị nhắc lại, năm 1947 Bộ Nội chính Trung Hoa Dân quốc của chính quyền Tưởng Giới Thạch đã tự vẽ ra đường 11 nét đứt đoạn để định ra (cái gọi là) cương vực phương Nam.

Sau khi đảng Cộng sản Trung Quốc đánh đuổi Tưởng Giới Thạch và Quốc dân đảng chạy sang đảo Đài Loan, chính quyền Bắc Kinh tiếp tục lấy đường lưỡi bò (phi pháp) này làm "biên giới trên Biển Đông"?! Năm 1953, Bắc Kinh bỏ 2 nét đứt ở vịnh Bắc Bộ, hình thành nên đường 9 đoạn như ngày nay vẫn thấy.

Bất chấp sự thật lịch sử ít nhất từ thế kỷ 17 Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã xác lập và thực thi chủ quyền một cách hòa bình, liên tục, hợp pháp với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nay Khâu Nghị và cả giới chức Trung Quốc, Đài Loan lại cho rằng chỉ bằng vài nét vẽ vu vơ họ có thể đòi "chủ quyền" với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả 2 quần đảo này của Việt Nam, đó là điều nực cười, phi lý - PV.

Khâu Nghị, tác giả bài phân tích nực cười trên Thời báo Hoàn Cầu.
Khâu Nghị, tác giả bài phân tích nực cười trên Thời báo Hoàn Cầu.

Khâu Nghị lý luận, năm 1947 Trung Quốc công bố đường lưỡi bò các nước Biển Đông không ai phản đối tức là mặc nhiên thừa nhận Biển Đông là của Trung Quốc?! Sau thập niên 70 phát hiện tài nguyên dầu mỏ phong phú ở Biển Đông các nước mới lên tiếng yêu sách?! Đó chỉ là trò lý luận của trẻ con, ấu trĩ khi tự cho mình cái quyền xí phần, nhận chỗ sang cả lãnh thổ hàng xóm chỉ bằng một vài nét nguệch ngoạc.

Vụ kiện của Philippines theo bình luận của Khâu Nghị đã hình thành nên sự đối đầu giữa đường lưỡi bò Trung Quốc với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Ông Nghị cho rằng Mỹ và Philippines muốn sử dụng dư luận quốc tế để chỉ trích (tố cáo) Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, trong khi Tòa án Quốc tế về Luật Biển ra hạn chót cho Bắc Kinh tháng 12/2014 có cơ hội tham gia tố tụng.

Ông Nghị thừa nhận rằng đại bộ phận quan điểm cho rằng tòa sẽ có phán quyết có lợi cho Philippines. Bắc Kinh đến nay mặc dù vẫn khẳng định không tham gia, không thừa nhận và không thực thi phán quyết của tòa án trong vụ này. Nhưng Khâu Nghị nhận định, nếu Mỹ, Nhật Bản dùng dư luận quốc tế công kích Trung Quốc, lại thêm khả năng Việt Nam cũng sẽ khởi kiện, Bắc Kinh sẽ rơi vào thế rất bất lợi.

Trong vụ này, Đài Loan sẽ đóng vai trò quan trọng không thể thay thế. Theo Khâu Nghị, nếu Đài Loan kiên trì yêu sách đường lưỡi bò và trưng ra lý do vẽ đường đứt đoạn 11 nét năm 1947 và các văn kiện tài liệu đi kèm sẽ giúp 2 bờ eo biển "liên thủ kháng địch". Ngược lại nếu Đài Bắc từ bỏ hoặc phủ nhận đường lưỡi bò sẽ vô cùng bất lợi cho Bắc Kinh, đồng thời sẽ làm tổn thương hòa bình eo biển, ông Nghị bình luận.

Đài Loan sẽ lựa chọn như thế nào khi cựu đại diện ngoại giao của Mỹ tại Đài Bắc William A. Stanton mới đây công khai kêu gọi từ bỏ đường lưỡi bò tại một hội thảo quốc tế về Biển Đông tổ chức ở Đài Loan. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông và UNCLOS được cộng đồng quốc tế thừa nhận thì chỉ có Trung Quốc và Đài Loan vẫn khăng khăng ôm lấy đường lưỡi bò "buồn cười và ngu ngốc", "không phù hợp với luật pháp quốc tế". William A. Stanton bình luận.

Phát biểu của ông William A. Stanton được Khâu Nghị xem là "vô cùng ác ý". Ông Nghị gọi động thái này là Mỹ ngầm gây áp lực lên Đài Loan từ bỏ đường lưỡi bò để công kích chủ trương, yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm phối hợp với kiến nghị 3 không, đóng băng hành động khiêu khích trên Biển Đông do Mỹ đưa ra. Như vậy theo Khâu Nghị Đài Loan sẽ "vứt bỏ chủ quyền, danh dự và lợi ích, lật mặt với Trung Quốc và ngả hoàn toàn vào Mỹ"?!

Khâu Nghị bình luận, mặc dù Mã Anh Cửu thân Mỹ, nhưng không đến nỗi bán  rẻ "chủ quyền" của Trung Hoa Dân quốc. Đường lưỡi bò đã được ghi vào hiến pháp của Trung Hoa Dân quốc và sách giáo khoa, nếu Mã Anh Cửu từ bỏ nó là vi hiến và sẽ bị phe Dân tiến đảng đối lập ở Đài Loan "phỉ nhổ". Mặt khác ông Nghị lý luận, vứt bỏ đường lưỡi bò, Đài Loan cũng sẽ tự vứt bỏ (cái gọi là) chủ quyền đảo Ba Bình và ở Biển Đông. Chính vì vậy, Khâu Nghị cho rằng dù Mỹ có ép nữa thì Đài Loan cũng sẽ không chịu từ bỏ đường lưỡi bò.

Tuy nhiên, ông Nghị cảnh báo rằng năm 2016 sẽ đến kỳ bầu cử, nếu Dân tiến đảng lên nắm quyền với chủ trương Đài Loan độc lập thì chắc chắn Đài Loan phải dựa vào Mỹ mới có thể đương đầu với Trung Quốc. Khi đó số phận đường lưỡi bò ra sao có thể đoán trước, cục diện 2 bờ eo biển Đài Loan bị phá bỏ và hậu quả với Đài Bắc, theo Khâu Nghị là thật khôn lường!

Bài phân tích của cựu Nghị sĩ Đài Loan và dụng ý đăng tải nó của Thời báo Hoàn Cầu càng làm rõ sự thật: Trung Quốc hay Đài Loan chẳng có căn cứ nào, mà chỉ vẽ bậy ra đường đứt đoạn để thỏa mãn tham vọng bành trướng lãnh thổ xuống Biển Đông. 

Thứ hai, Trung Quốc rất sợ bị khởi kiện, mặc dù đến nay vẫn từ chối tham gia nhưng vẫn vừa nghe ngóng vừa lo. Mặt khác Đài Loan luôn bị Trung Quốc xem là một tỉnh của mình và chưa bao giờ có tư cách ngồi vào bàn đàm phán ngang hàng với các bên ở Biển Đông khi Bắc Kinh chưa cho phép.

Vì vậy không có chuyện nếu Đài Loan từ bỏ đường lưỡi bò là Trung Quốc chấp nhận từ bỏ tham vọng bành trướng lãnh thổ xuống Biển Đông. Có chăng chỉ thêm một trò cười cho cộng đồng quốc tế thấy rõ bộ mặt thật bành trướng lãnh thổ của họ và bản chất vô lý, phi pháp của đường lưỡi bò mà thôi - PV.

Hồng Thủy