Hoàn Cầu: Sau khi TQ cảnh cáo máy bay quân sự Myanmar đã "biến khỏi Kokang"

19/03/2015 06:58
Hồng Thủy
(GDVN) - Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố: Những cảnh báo nghiêm khắc từ chính phủ và quân đội Trung Quốc đã làm chiến đấu cơ Myanmar biến mất khỏi bầu trời Kokang.
Ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

South China Morning Post ngày 18/3 đưa tin, giao tranh giữa quân chính phủ Myanmar và lực lượng phiến quân ở vùng giáp biên giới với Trung Quốc đã trở nên căng thẳng hơn, nhưng chiến đấu cơ quân sự Myanmar đã tránh xa khu vực biên giới với Trung Quốc sau cảnh báo của Bắc Kinh.

Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố: Những cảnh báo nghiêm khắc từ chính phủ và quân đội Trung Quốc đã làm chiến đấu cơ Myanmar biến mất khỏi bầu trời Kokang, nhưng giao tranh trở nên căng thẳng hơn. Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc đã gọi điện cho Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar nói rằng, Bắc Kinh sẽ có biện pháp nếu máy bay quân sự Myanmar xâm phạm không phận và gây thương vong cho dân Trung Quốc lần nữa.

Bangkok Post ngày 18/3 dẫn bình luận của Yun Sun từ chương trình Đông Á của Trung tâm Stimson cho rằng, vụ việc bom Myanmar rơi xuống Vân Nam hôm 15/3 là một sự kiện đáng kinh ngạc trong quan hệ giữa 2 nước đồng minh lâu đời. Đây là sự cố an ninh tồi tệ nhất kể từ khi đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar bị tấn công năm 1967 trong một cuộc bạo loạn chống Trung Quốc.

Khu vực Kokang được biết đến với mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Người dân địa phương này chủ yếu là người Hán, nói tiếng Trung Quốc, tiêu nhân dân tệ. Phiến quân Kokang được chỉ huy bởi một người Hán là Bành Gia Thanh, tuổi ngoài 80 và bị cho là có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy.

Các quan chức Myanmar cũng đã cáo buộc chính quyền tỉnh Vân Nam, Trung Quốc hậu thuẫn cho phiến quân. Elliot Brennan từ Viện An ninh và chính sách phát triển cho biết, tâm lý chống Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Myanmar. Đây cũng là các lo ngại nghiêm trọng của Bắc Kinh, vốn đóng vai trò như lá chắn của Myanmar trong nhiều thập kỷ bị phương Tây cấm vận.

Phần thưởng cho Trung Quốc là các dự án đầu tư đôi khi gây tranh cãi, đặc biệt là ở các con đập, hầm mỏ, cơ sở hạ tầng, năng lượng. Nhưng Myanmar đã bắt đầu cải cách phát triển, tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đôi khi kích thích Bắc Kinh. Truyền thông nhà nước Myanmar gọi cuộc xung đột ở Kokang là một cuộc chiến tranh chống lại kẻ nổi loạn.

Về phần mình, Trung Quốc đã kêu gọi cả chính phủ Myanmar và phiến quân Kokang kiềm chế, hạ nhiệt căng thẳng và khôi phục hòa bình, ổn định càng sớm càng tốt. Nhưng Naypiydaw đã bác bỏ đàm phán vì cho rằng hoạt động của phiến quân ở Kokang là xâm lược, bất hợp pháp, quan điểm này sẽ khó có thể thay đổi trong ngắn hạn.

Hồng Thủy