Hoàn Cầu lại "khiêu chiến" trên biển Hoa Đông

20/09/2012 06:05
Bảo Thành (Nguồn Hoàn Cầu)
(GDVN) - Trung Quốc cần phải sẵn sàng cho một hành động quân sự ngoài Hoa Đông, bởi nó sẽ không chỉ cải thiện tình hình của Trung Quốc trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư mà còn tạo nền tảng vững chắc cho vị thế toàn cầu của Trung Quốc trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông 
> Mục mới: Nóng trên mạng

Ngày 19/9, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đăng bài bình luận có tựa đề: “Đừng nuôi ảo tưởng về một nước Mỹ trung lập”. Bài bình luận này cho rằng trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới Nhật Bản và Trung Quốc, giới truyền thông đã “soi” rất kỹ lập trường của ông Panetta về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Senkaku/Điếu Ngư

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung Quốc

Hoàn Cầu nhận định rằng, Washington không thực sự vô tư như họ vẫn nói trong quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản. Tờ báo này kết luận, trong các tranh chấp khác giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, Mỹ luôn trực tiếp hoặc gián tiếp đứng về phía đối phương của Trung Quốc. Vấn đề còn lại Hoàn Cầu tự đặt ra ở đây là vai trò của Mỹ đằng sau Nhật Bản sẽ đến mức độ nào.

Cho đến nay Washington vẫn đang do dự chưa quyết định ủng hộ công khai tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản. Nhật Bản cũng đang ở thế bất lợi để có thể yêu cầu Mỹ nhảy vào ngay lập tức. Hơn nữa, Mỹ cũng phải xem xét tới mối quan hệ Mỹ - Trung. Mỹ không muốn sa vào thế tiến thoái lưỡng nan nếu một cuộc chiến tranh nổ ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Mỹ có toan tính chiến lược của mình khi cân nhắc đứng về bên nào giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Trung Quốc không thể nào thuyết phục được Washington giữ vị thế trung lập. Hy vọng đó chỉ là một ảo tưởng, tuy Trung Quốc có thể hối thúc Mỹ tiến gần đến lập trường trung lập bằng những hành động cứng rắn để cho Mỹ thấy rằng chỉ có trung lập mới có lợi cho Mỹ.

Theo Hoàn Cầu, Trung Quốc nên tận dụng cơ hội trong chuyến thăm của ông Panetta để cho Mỹ biết rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư và chống lại sự kích động của Nhật Bản.

Chiến đấu cơ J 10 thuộc hạm đội Đông Hải, Trung Quốc nhả đạn trong thời điểm căng thẳng Trung - Nhật xung quanh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư đang leo thang
Chiến đấu cơ J 10 thuộc hạm đội Đông Hải, Trung Quốc nhả đạn trong thời điểm căng thẳng Trung - Nhật xung quanh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư đang leo thang

Nếu Nhật Bản cố tình để tình hình leo thang, Trung Quốc sẽ sẵn sàng hành động. Tờ báo này lớn tiếng, một khi Mỹ không những không kiềm chế Nhật Bản mà còn cổ vũ Nhật khiêu khích Trung Quốc thì tất cả các bên đều chịu nguy cơ xung đột quân sự.

Trước đó Nhật Bản tuyên bố Mỹ đã nhất trí rằng Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ. Hoàn Cầu nhận định, Trung Quốc phải bày tỏ lập trường cho Mỹ thấy rằng Trung Quốc phản đối bất cứ sự hiện diện quân sự nào ở Senkaku/Điếu Ngư, nếu không Trung Quốc sẽ có hành động quân sự đáp trả.

Hung hăng hơn, Hoàn Cầu kêu gọi, chỉ bằng các hành động cứng rắn, quyết tâm của Trung Quốc mới vững vàng hơn và Bắc Kinh sẽ lấy lại được thế chủ động, và "sự hy sinh là cần thiết" để bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư.

Bài viết mang đậm màu sắc hiếu chiến này trên Hoàn Cầu phân tích, Trung Quốc cần phải sẵn sàng cho một hành động quân sự ngoài Hoa Đông, bởi nó sẽ không chỉ cải thiện tình hình của Trung Quốc trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư mà còn tạo nền tảng vững chắc cho vị thế toàn cầu của Trung Quốc trong tương lai.

Mỹ đã hối thúc Trung Quốc và Nhật Bản giải quyết tranh chấp trong hòa bình, và nhấn mạnh rằng sẽ không thiên vị ai trong vấn đề này, chính thái độ của Trung Quốc đã khiến cho Mỹ có quan điểm như vậy. Chốt lại, tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa ra nhận xét, chính sách mà Mỹ áp dụng với Senkaku/Điếu Ngư không liên quan gì tới lợi ích cốt lõi của Mỹ. Thái độ của Mỹ có thể thay đổi tùy theo mức độ phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc.
Bảo Thành (Nguồn Hoàn Cầu)