Học giả Ấn Độ: Trung Quốc khiêu khích quân sự trên Biển Đông cả năm 2014

07/01/2015 06:53
Hồng Thủy
(GDVN) - Một năm phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, hành động khiêu khích quân sự lớn nhất lại nhắm vào Việt Nam trong vụ giàn khoan 981.
Từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, Trung Quốc ngày càng leo thang trên Biển Đông.
Từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, Trung Quốc ngày càng leo thang trên Biển Đông.

EurAsia Review ngày 7/1 đăng bài phân tích của Tiến sĩ Subhash Kapila, một học giả và là nhà tư vấn của quân đội, chính phủ Ấn Độ bình luận, hành động khiêu khích quân sự và so găng trên Biển Đông đã diễn ra liên tục không ngừng trong năm 2014. Điều này diễn ra bất chấp niềm tin của một số người tuyên bố rằng Trung Quốc là cường quốc có trách nhiệm, một thành viên quan trọng trong duy trì ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược củng cố khẳng định đơn phương (vô lý và phi pháp) rằng họ có cái gọi là chủ quyền trên Biển Đông và Biển Đông là "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Trung Nam Hải. Lãnh đạo Trung Quốc thách thức, họ sẽ bảo vệ cái gọi là toàn vẹn lãnh thổ nếu bị "đe dọa".

Một năm phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, hành động khiêu khích quân sự lớn nhất lại nhắm vào Việt Nam trong vụ giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời một hành động đáng báo động khác là Trung Quốc đã tiến hành cải tạo bất hợp pháp, xây dựng một số đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Vụ giàn khoan 981 theo Tiến sĩ Subhash Kapila là một hành vi khiêu khích quân sự chưa từng có của Trung Nam Hải dẫn đến cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm và các hoạt động va chạm của tàu tuần tra, tàu cá 2 nước trên thực địa (thực tế là chỉ có tàu Trung Quốc hung hăng phụt vòi rồng và đâm va trực tiếp vào tàu Việt Nam - PV).

Dưới áp lực quốc tế và phản đối kịch liệt của ASEAN (đặc biệt là Việt Nam), Trung Quốc cuối cùng đã rút giàn khoan 981. Tuy nhiên, dù rút giàn khoan nhưng có thể Trung Quốc đã thử nghiệm một mô hình mới có khả năng tiếp tục triển khai để củng bố tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp) của họ ở BIển Đông.

Việc tạo ra một số đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa cũng cần phải được xem xét trong bối cảnh đó và mục tiêu của Trung Quốc là độc chiếm toàn bộ Biển Đông. Do đó các đảo nhân tạo này sẽ được phát triển thành căn cứ hải quân, không quân để tạo điều kiện cho lực lượng quân sự Trung Quốc kiểm soát (bất hợp pháp) hiệu quả hơn ở Biển Đông.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc liều lĩnh đâm va, cắt mũi, phụt vòi rồng uy hiếp tàu tuần tra Việt Nam ngay gần nơi hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981. Ảnh: VTV.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc liều lĩnh đâm va, cắt mũi, phụt vòi rồng uy hiếp tàu tuần tra Việt Nam ngay gần nơi hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981. Ảnh: VTV.

Bên cạnh 2 hành vi khiêu khích quân sự lớn của Trung Quốc, các hoạt động tăng cường tuần tra, tập trận của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông cũng đã diễn ra toàn thời gian với tần suất khá cao.

Liên quan đến sự gia tăng hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc gây ra sự leo thang xung đột ở Biển Đông là sự khẳng định của Hoa Kỳ trong năm 2014. Lần đầu tiên Washington đã công khai tuyên bố bác bỏ đường lưỡi bò Trung Quốc yêu sách hầu như toàn bộ Biển Đông. Hoa Kỳ không hài lòng và lo ngại về các hoạt động khiêu khích cao độ và so găng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Điều này thể hiện rõ nhất kể từ tuyên bố rõ ràng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Đối thoại An ninh Shangri-la giữa năm 2014. Đáng chú ý, lần đầu tiên ASEAN đã ra tuyên bố về các mối quan ngại của họ đối với vấn đề Biển Đông trong một hội nghị thượng đỉnh năm 2014, trong khi đó Bắc Kinh vẫn khăng khăng tìm mọi cách ngăn cản tiến trình COC và đòi đàm phán song phương.

Sự hung hăng, cứng nhắc của Trung Quốc trong năm 2014 cho thấy Bắc Kinh sẽ không mở ra cánh cửa nào, không có bất cứ xu hướng nào để giải quyết mâu thuẫn về vấn đề Biển Đông. Vì vậy trong năm 2015 không có dấu hiệu nào lạc quan cho thấy xung đột ở Biển Đông được giải quyết.

Với quan điểm không khoan nhượng từ phía Trung Quốc, Biển Đông năm nay có thể sẽ chứng kiến căng thẳng quân sự tiếp tục gia tăng trong tương lai ngắn hạn. Việt Nam và Philippines đang cải thiện khả năng phòng thủ, năng lực tác chiến của hải quân. Các cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ, Nhật Bản có lợi ích đáng kể trong việc duy trì an ninh và ổn định trong khu vực cũng đang tham gia hỗ trợ Việt Nam và Philippines chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo Tiến sĩ Subhash Kapila, Washington cần phải quyết đoán hơn, cần phải có những quan điểm có tính răn đe đối với Bắc Kinh đang tìm cách áp đặt chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của họ ở Biển Đông, bởi đằng sau Biển Đông là thách thức của Trung Quốc đối với địa vị của Hoa Kỳ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Hồng Thủy