Học giả Ấn: Trung Quốc chớ đánh giá thấp khả năng trả đũa của Việt Nam

19/07/2014 10:15
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông nhấn mạnh, Trung Quốc không nên đánh giá thấp khả năng Việt Nam trả đũa các hành động của họ một khi Bắc Kinh làm tổn thương người Việt quá mức.
Tiến sĩ Rajaram Panda.
Tiến sĩ Rajaram Panda.

Eur Asia Review ngày 18/7 đăng bài phân tích của Tiến sĩ Rajaram Panda, một chuyên gia hàng đầu từ Ấn Độ về Đông Á, cựu thành viên Viện Nghiên cứu và phân tích Quốc phòng xung quanh quan điểm, yêu sách của Việt Nam  và Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như các hoạt động bành trướng, khiêu khích của Bắc Kinh vừa qua.

Biển Đông đã nổi lên thành 1 trong những điểm nóng quan trọng với 1 loạt quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với một phần hay toàn bộ Biển Đông. Lý do đằng sau một loạt tranh chấp này là kết quả của 1 báo cáo cách đây vài năm rằng khu vực này có chứa một lượng lớn dầu mỏ và các tài nguyên khác.

Sự thật cái gọi là "bằng chứng lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông

Trong các bên yêu sách ở Biển Đông, căng thẳng giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines là gay cấn hơn cả. Trung Quốc tham lam với yêu sách đường chữ U hay đường lưỡi bò đòi hơn 80% diện tích Biển Đông. Phía sau âm mưu và  tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông là cái gọi là "bằng chứng lịch sử".

Trung Quốc tuyên bố họ phát hiện ra các đảo ở Biển Đông từ thời...nhà Hán và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được họ "đánh dấu trên bản đồ thời Đông Hán và Tam Quốc (nhà Đông Ngô)". Bắc Kinh cho rằng kể từ thời nhà Nguyên trong thế kỷ 12 một số đảo ở Trường Sa đã được họ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, tiếp theo nhà Minh và nhà Thanh từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19 cũng "yêu sách chủ quyền" với 2 quần đảo này.

Để chứng minh cho cái gọi là "chủ quyền" mà họ tuyên bố ở Biển Đông, Trung Quốc đưa ra kết quả điều tra khảo cổ học về những mẫu đồ gốm và tiền đồng mà họ "tìm thấy" tại đây, xem đó là bằng chứng. Lãnh đạo Trung Quốc hiện nay cho rằng nước này đã có mặt tại các đảo ở Biển Đông từ...2000 năm trước Công nguyên?!

Vài năm qua, trong khi Việt Nam và Philippines muốn giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế thì Trung Quốc luôn đòi đàm phán tay đôi mà thông qua đó có thể bắt nạt các bên yếu hơn bằng cách phô trương sức mạnh cơ bắp quân sự của mình. Thậm chí Philippines đã kiện đường lưỡi bò ra Tòa án Quốc tế về Luật Biển.

Việt Nam đang tìm kiếm sự hiểu biết và hợp tác của các quốc gia thân thiện để "chuẩn bị đối phó với Trung Quốc bằng quân sự một khi Bắc Kinh có bất kỳ quyết định phiêu lưu nào", Tiến sĩ Rajaram Panda nhận xét.

Vạch trần luận điệu sai trái của Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan, Ninh Phú Khôi

Ông Ninh Phú Khôi, Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan.
Ông Ninh Phú Khôi, Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan.

Hôm 23/6, Ninh Phú Khôi, Đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan đã viết bài tuyên truyền cho cái gọi là chủ quyền của nước ông ở Biển Đông. Ngày 7/7 Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, ông Nguyễn Tất Thành đã viết bài bác bỏ quan điểm sai trái của ông Ninh Phú Khôi và làm rõ các thông tin, sự kiện.

Điều thú vị là tiêu đề bài báo "Ai mới là người gây rối ở Biển Đông?" dường như ngụ ý rằng Trung Quốc đang tạo ra rắc rối không cần thiết thông qua việc theo đuổi khẳng định yêu sách của họ. Theo Đại sứ Thành, thông tin ông Khôi sử dụng trong bài viết rằng Việt Nam "quấy rối" các hoạt động của Trung Quốc ở vị trí giàn khoan 981 thực chất là chép lại 1 bài viết trên website Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/6.

Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được bất kỳ bằng chứng thuyết phục và khách quan nào để chứng minh cho quan điểm của họ trong bài viết.

Ngày 2/5 vừa qua Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Điều này đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận Việt Nam và quốc tế. Việc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 còn đi kèm với những hành vi vô nhân đạo và nguy hiểm của các tàu hộ tống Trung Quốc đã được các hãng thông tấn quốc tế đăng tải rộng rãi.

Trong bài viết của mình, Đại sứ Khôi cho rằng chính phủ Trung Quốc đã liên tục thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ thứ 10. Tuy nhiên quan điểm này không chỉ mâu thuẫn với lịch sử mà còn thiếu cơ sở pháp lý. Trong khi Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý cho thấy rằng ít nhất từ thế kỷ 17, nhà nước Việt Nam dưới triều Nguyễn đã tuyên bố và thực thi chủ quyền một cách hòa bình, liên tục, hợp pháp đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Điều này được ghi lại trong các văn bản nhà nước như các chỉ dụ, mộc bản, sắc phong của triều đình và thành lập đội Hoàng Sa đã được Việt Nam công bố.

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành chỉ ra mâu thuẫn ngay trong bài viết của ông Ninh Phú Khôi. Theo ông Thành, năm 1898 khi chủ sở hữu các tàu Bellona và Himeji Maru yêu cầu các nhà chức trách Trung Quốc bồi thường cho việc ngư dân Trung Quốc cướp bóc 2 con tàu này khi nó bị chìm tại Hoàng Sa, Tổng đốc Quảng Đông tuyên bố rằng Hoàng Sa không phải là quần đảo của Trung Quốc nên họ không có trách nhiệm phải bồi thường.

Điều này cũng dễ hiểu vì trong một thời kỳ lịch sử lâu dài, nhà Minh cũng như nhà Thanh đều thực thi chính sách bế quan tỏa cảng, họ chủ yếu quan tâm tới những mối đe dọa hàng hải chứ không phải muốn vươn ra đại dương, làm chủ các vùng biển.

Ngay cả tấm bản đồ cổ thời Càn Long mà Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3 vừa qua cũng thể hiện rõ biên giới lãnh thổ cực nam của Trung Quốc thời Càn Long chỉ đến đảo Hải Nam, làm gì có chuyện người Trung Quốc "thực thi chủ quyền" với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ 2000 năm trước?
Ngay cả tấm bản đồ cổ thời Càn Long mà Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3 vừa qua cũng thể hiện rõ biên giới lãnh thổ cực nam của Trung Quốc thời Càn Long chỉ đến đảo Hải Nam, làm gì có chuyện người Trung Quốc "thực thi chủ quyền" với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ 2000 năm trước?

Ngay cả tấm bản đồ nổi tiếng của Pháp được vẽ bởi Jean Baptiste Bourrguignon d'Anville xuất bản tại Đức vào thế kỷ 18 mà Thủ tướng Đức Angela Merkel tặng cho ông Tập Cận Bình tháng 4/2014 cũng cho thấy, cực Nam lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long (1736-1795) chỉ đến đảo Hải Nam.

Trong khi đó ngay trong các tài liệu của Trung Quốc như cuốn "Hải ngoại ký sự" năm 1696 do nhà sư Thích Đại Sán viết, hoặc cuốn "Hải lục" năm 1820 của Dương Bính Nam, thậm chí là các tài liệu quốc tế như tạp chí Bengal của Hiệp hội Châu Á năm 1837 hoặc tạp chí Hội địa lý London năm 1849 đều công nhận quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Không có tài liệu chính thức nào cho thấy Nhật Bản "bàn giao" lại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc vào năm 1946 như ông Ninh Phú Khôi tuyên bố. Ngược lại, tại hội nghị San Francisco năm 1951, đề nghị yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa do Nhật Bản chiếm đóng trước đó đã bị 46/51 nước tham gia phản đối. Cũng trong hội nghị này, trưởng phái đoàn Việt Nam Quốc gia (sau này là Việt Nam Cộng hòa), Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa mà không có bất kỳ phản đối nào.

Sau đó hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương tuyên bố rằng các bên liên quan phải tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, hiệp định này bao gồm quần đảo Hoàng Sa lúc đó nằm dưới sự kiểm soát của Pháp và Việt Nam Cộng hòa.

Mặt khác, lập luận của ông Khôi về phạm vi hoạt động của giàn khoan 981 trong cái gọi là "vùng biển Tây Sa" là không chính xác, nó nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Cái gọi là "vùng biển Tây Sa" mà ông Khôi nói là không hợp lệ, đi ngược lại quy định của UNCLOS.

Trung Quốc chớ đánh giá thấp lòng yêu nước và khả năng trả đũa của Việt Nam

Tiến sĩ Panda bình luận, các bên liên quan ở Biển Đông cần phải đưa ra bằng chứng và lập luận pháp lý của mình để cơ quan tài phán quốc tế đưa ra phán quyết chứ không phải theo đuổi yêu sách của họ thông qua hệ thống truyền thông và kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Chỉ khi nào Trung Quốc chấp nhận giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình thông qua cơ quan tài phán quốc tế thì khi đó họ mới thực sự là nước lớn có trách nhiệm. Bắc Kinh cần phải từ bỏ thủ đoạn sử dụng sức mạnh để đe dọa láng giềng bằng cách phô diễn sức mạnh quân sự.

Căng thẳng Biển Đông cần giải quyết thông qua biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế chứ không phải dùng sức mạnh cơ bắp.
Căng thẳng Biển Đông cần giải quyết thông qua biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế chứ không phải dùng sức mạnh cơ bắp.

Ông nhấn mạnh, Trung Quốc không nên đánh giá thấp khả năng Việt Nam trả đũa các hành động của họ một khi Bắc Kinh làm tổn thương người Việt quá mức. Việt Nam là một đất nước có truyền thống yêu nước nồng nàn và không thể chấp nhận nếu chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa, nhân dân Việt Nam sẽ đoàn kết một lòng để bảo vệ Tổ quốc.

Các cuộc biểu tình, tuần hành phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 vừa qua cho thấy người Việt phản ứng mạnh mẽ như thế nào một khi lợi ích quốc gia của họ bị các thế lực bên ngoài xâm phạm. Trung Quốc cần phải xem lại một số bài học và có biện pháp khắc phục ngay lập tức để tránh tình hình xấu đi.

Việt Nam thực hiện chính sách hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng, thiết lập quan hệ đầu tư và thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với mục tiêu trở thành một đối tác có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cùng tồn tại hòa bình với các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi. Với mục tiêu như vậy, Việt Nam cũng tránh được nguy cơ phụ thuộc vào bất kỳ nước nào kể cả về kinh tế lẫn chính trị.

Theo Tiến sĩ Panda, Hội nghị Trung ương 9 khóa 11 Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong tháng 6 đã dành thời gian đáng kể để thảo luận về vấn đề Biển Đông và khủng hoảng giàn khoan 981. Hội nghị nhất trí rằng các hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận được, không thể để tình trạng nước mạnh bất chấp đạo lý và công lý mà không được kiểm soát.

Hội nghị cũng nhấn mạnh rằng, nhân dân Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, chiến đấu dũng cảm chống lại những kẻ xâm lược trong suốt hàng ngàn năm lịch sử và Việt Nam luôn phải sẵn sàng đối phó với bất kỳ cuộc xâm lược nào trong tương lai. Hiện nay cộng đồng quốc tế đang đánh giá cao vị trí, vai trò của Việt Nam.

Kết luận bài phân tích, Tiến sĩ Panda nhận định, 90 triệu người Việt Nam không có khả năng im lặng trước bất công với đất nước họ do 1 quốc gia châu Á khác gây ra bằng cách chứng tỏ sức mạnh cơ bắp, quân sự của mình, đe dọa láng giềng mà không bị trừng phạt.

Đây là cơ hội tốt cho Nội các mới của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thể hiện thái độ rõ ràng trước vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông với cái nhìn tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ các lợi ích quóc gia của mình trong khi công ty dầu khí ONGC đang hợp tác thăm dò khai thác với Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Hồng Thủy