Học giả Mỹ-Nhật: Cần lấp khoảng trống quyền lực để đối phó với Trung Quốc

02/03/2016 06:34
Đông Bình
(GDVN) - Báo cáo chỉ rõ mối đe dọa lớn nhất ở khu vực, kiến nghị Nhật-Mỹ cần điều chỉnh chiến lược đối với Trung Quốc, buộc các hành động cường quyền phải trả giá.

Ngày 29/2, Hội nghiên cứu bảo đảm an ninh Nhật-Mỹ, tổ chức tập hợp các chuyên gia ngoại giao và an ninh nổi tiếng của hai nước Nhật và Mỹ, đã đưa ra báo cáo mang tên "Đồng minh Nhật-Mỹ trước năm 2030".

Mỹ-Nhật tiến hành tập trận chung (ảnh tư liệu)
Mỹ-Nhật tiến hành tập trận chung (ảnh tư liệu)

Báo cáo chỉ ra, Trung Quốc sẽ trở thành một nhân tố gây bất ổn lớn nhất của khu vực. Cùng với việc Nhật-Mỹ không ngừng tăng cường và mở rộng quan hệ đồng minh, báo cáo đã nhấn mạnh đến đồng thuận về tính cần thiết của việc "điều chỉnh chiến lược đối với Trung Quốc".

Hội nghiên cứu này do Quỹ hòa bình Sasakawa (Sasakawa Peace Foundation) và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) hợp tác thành lập.

Cựu Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Ryozo Kato cùng với cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Armitage và chủ nhiệm CSIS Hamleys làm đồng chủ tịch. Dự tính, báo cáo sẽ đệ trình lên Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong thời gian tới.

Đánh giá về môi trường chiến lược trong 15 năm tới, báo cáo cho rằng, cạnh tranh giữa Nhật, Mỹ với Trung Quốc, Nga ngày càng gay gắt.

Để tránh nổ ra chiến tranh, triển khai phối hợp trong các lĩnh vực có khả năng, cần áp dụng chiến lược như "khuyến khích các hành động có trách nhiệm, buộc các hành động phá hoại sự ổn định phải trả giá".

Trung Quốc triển khai bất hợp pháp hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 ở đảo Phú Lâm (Khánh Hòa, Việt Nam), đe dọa nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam,đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Trung Quốc triển khai bất hợp pháp hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 ở đảo Phú Lâm (Khánh Hòa, Việt Nam), đe dọa nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam,đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Báo cáo cho rằng, "bảo đảm hòa bình, phồn vinh và tự do của tất cả các nước" là tầm nhìn chung của đồng minh Nhật-Mỹ, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát huy vai trò đồng minh Nhật-Mỹ trên phạm vi thế giới.

Để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, báo cáo kiến nghị cần "điều chỉnh đồng minh Nhật-Mỹ hiện nay, xác lập chiến lược mới đối với Trung Quốc".

Các biện pháp cụ thể bao gồm tăng cường đối thoại và phối hợp chiến lược, tăng cường hành động chung giữa Lực lượng Phòng vệ và Quân đội Mỹ, thúc đẩy hợp tác ngành công nghiệp quốc phòng.

Mở rộng phối hợp và hợp tác về chính sách giữa Nhật-Mỹ trong phạm vi địa lý, tiến tới mở rộng đến các lĩnh vực chống khủng bố và tấn công tội phạm mạng.

Ngoài ra báo cáo cho rằng, để bảo vệ sự vững chắc của đồng minh, giải quyết vấn đề căn cứ quân Mỹ ở Nhật Bản rất quan trọng. Hy vọng trong tương lai thực hiện mô hình Quân đội Mỹ sử dụng căn cứ của Lực lượng Phòng vệ để cùng đóng quân.

Dự báo tình hình quốc tế đến năm 2030, báo cáo đã phân tích các vấn đề đang đối mặt hiện nay của đồng minh Nhật-Mỹ, đồng thời đã cung cấp phương pháp ứng phó. Trước hết cần thực hiện hợp tác chặt chẽ giữa Lực lượng Phòng vệ và Quân đội Mỹ, nâng cao năng lực hành động chung.

Nhật Bản tăng cường bố trí quân sự ở hướng tây nam đối phó Trung Quốc
Nhật Bản tăng cường bố trí quân sự ở hướng tây nam đối phó Trung Quốc

Tháng 9/2015, Nhật Bản thông qua Luật bảo đảm an ninh mới, đã mở đường cho thực hiện quyền tự vệ tập thể, đã nâng cao năng lực ngăn chặn. Nhưng, báo cáo cũng chỉ ra, pháp chế phòng vệ của Nhật Bản chưa kiện toàn, còn phải không ngừng sửa đổi.

Báo cáo cho rằng: "Môi trường an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương tùy thuộc vào các động thái của Trung Quốc, trong khi điểm này lại thiếu minh bạch nhất".

Sankei Shimbun Nhật Bản cho hay, đối với các động thái của Trung Quốc, tháng 4/2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã sửa đổi Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ.

Sau đó, cùng với Luật bảo đảm an ninh mới được thông qua, pháp chế phòng vệ của Nhật Bản cũng được thúc đẩy lớn. Nhưng, những lỗ hổng an ninh chưa được lấp đầy vẫn tồn tại.

Trong đó, lực lượng Cảnh sát biển và Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản không thể ứng phó với "tình trạng vùng xám" (tình huống tiêu cực) như các hoạt động đổ bộ phi pháp hoặc chiếm đóng phi pháp. Hơn nữa, khi thực hiện các nhiệm vụ trị an hay cảnh giới trên biển, việc sử dụng vũ khí của Lực lượng Phòng vệ đã bị kiểm soát rất lớn.

Mặc dù cần thiết dành quyền sử dụng vũ khí cho Lực lượng Phòng vệ, nhưng trình tự lập pháp vẫn chưa khởi động.

Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản tại căn cứ Naha
Máy bay chiến đấu F-15J của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản tại căn cứ Naha

"Khoảng trống sức mạnh" càng dễ dẫn tới các hành động có ý đồ sử dụng vũ lực để làm thay đổi hiện trạng. Mặc dù báo cáo hoàn toàn không đề cập đến "tình trạng vùng xám", nhưng để ngăn chặn các sự việc như vậy xảy ra, chỉ có không ngừng sửa đổi pháp chế phòng vệ. 

Đông Bình