Học giả Trung Quốc: Dùng nắm đấm ở Biển Đông là ngu xuẩn, ra tòa là tốt nhất

29/11/2015 07:41
Hồng Thủy
(GDVN) - Một khi Trung Quốc đã đặt bút ký phê chuẩn UNCLOS thì nên bình thản chấp nhận trọng tài.

Xung quanh những căng thẳng leo thang trên Biển Đông gần đây, ngày 27/11 nhà phân tích độc lập Bành Định Đỉnh từ Bắc Kinh bình luận trên đài BBC tiếng Trung Quốc: Giải quyết tranh chấp lãnh thổ, hàng hải trên Biển Đông thông qua bên thứ 3 - trọng tài quốc tế là biện pháp hợp pháp duy nhất. Để rộng đường dư luận, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin đăng lại bài viết này và có đôi lời bình luận về góc nhìn của một công dân, học giả Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu độc lập Bành Định Đỉnh, ảnh: BBC tiếng Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu độc lập Bành Định Đỉnh, ảnh: BBC tiếng Trung Quốc.

Vấn đề pháp lý phải dùng pháp luật để giải quyết

Ngày 25/11 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi một lần nữa nhắc lại lập trường của Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia và không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan về vụ Philippines kiện Trung Quốc ứng dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.

Thực tế tranh chấp trên Biển Đông là một vấn đề về Luật Biển. Vấn đề pháp luật phải giải quyết bằng luật pháp, đó là chuẩn mực hành vi cơ bản của thế giới văn minh. Tranh chấp lãnh thổ, hàng hải không thể giải quyết dựa theo thực lực (sức mạnh), đó là cách làm của chủ nghĩa bá quyền, đó là tàn tích của lối "tư duy bộ lạc".

Các đảo, đá, bãi cạn ở Biển Đông rõ ràng là có tranh chấp. Đừng có nói hồ đồ, cái gì mà "không thể tranh cãi". Nếu thực sự về mặt pháp lý mà (có chủ quyền) "không thể tranh cãi" thì Trung Quốc đã dùng vũ lực "thu hồi" từ lâu rồi, làm gì có chuyện để nước ngoài xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc! Chính vì có tranh chấp, các bên mới phải ngồi xuống để đàm phán, mới phải hoạch định ra UNCLOS, mới phải ký DOC. Không có tranh chấp thì đàm phán cái gì?

Tuy nhiên theo truyền thông nhà nước, chính phủ Trung Quốc trong quá trình đàm phán xưa nay đều chưa từng thể hiện (thiện chí) khả năng nhượng bộ. Đã gọi là đàm phán thì đều phải có thành ý cơ bản. Phải có sự chuẩn bị nhượng bộ. Giải quyết tranh chấp xưa nay không ngoài 3 con đường là pháp lý, (thương lượng) thỏa hiệp và dùng sức mạnh.

Nếu pháp lý có thể nói rõ, cái gì thuộc về bên nào thì trả về bên đó, các bên đều tuân thủ theo phán quyết của tòa. Nếu không thể nói rõ được về pháp lý, thì có thể giải quyết thông qua đàm phán song phương hoặc đa phương, hoặc thương lượng thỏa hiệp dưới sự chủ trì của một cơ quan tài phán quốc tế đóng vai trò bên thứ 3 độc lập, mỗi bên nhượng bộ nhau một tí. Nếu không thể nói với nhau bằng lý lẽ, lúc đó chỉ còn cách dùng nắm đấm, xem ai mạnh hơn.

Cách thứ 3 này rõ ràng không thể dùng được. Trung Quốc dù đã lớn mạnh, nhưng không có thực lực để xưng hùng xưng bá trước cộng đồng quốc tế ngày nay. Dù có đi nữa, trong thế giới phẳng hiện tại chính phủ Trung Quốc cũng không thể dễ dàng dùng vũ lực một cách ngu xuẩn.

Thế giới văn minh ngày nay đã hình thành nên một hệ thống phòng ngự tập thể gần như hoàn chỉnh, xu thế chính trị quốc tế cũng không cho phép các quốc gia có chủ quyền khai chiến. Dùng vũ lực có thể bị loại trừ (khỏi Biển Đông).

Ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hôm 25/11 ông Lỗi vẫn nhắc lại lập trường không ra tòa, không thừa nhận phán quyết của tòa.
Ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hôm 25/11 ông Lỗi vẫn nhắc lại lập trường không ra tòa, không thừa nhận phán quyết của tòa.

Ra tòa là biện pháp hợp pháp duy nhất để giải quyết tranh chấp

Còn lại hai biện pháp là đàm phán và trọng tài quốc tế. Đàm phán xem ra không khả thi, không thực tế. Các bên tranh chấp ở Biển Đông không dễ để có được những thỏa hiệp và nhượng bộ bởi chính những áp lực chính trị từ dư luận trong nước.

Thỉnh thoảng ngoài thực địa lại xảy ra những vụ dùng pháo nước nã vào nhau hoặc dùng thuyền tông nhau (?) giữa các bên tranh chấp, người dân các bên liên quan cũng bị kích động theo những sự việc này. Mà càng bị kích động thì càng không thể nói chuyện nhượng bộ.

Cách còn lại duy nhất hợp pháp và khả thi, chỉ còn trọng tài quốc tế.

Đã ra đến cơ quan tài phán quốc tế thì ai có lý nói lý, ai chủ trương điều gì thì đưa bằng chứng ra chứng minh. Đại đa số tranh chấp thương mại quốc tế được giải quyết thông qua trọng tài, tại sao lĩnh vực chính trị lại không thể?

Chủ quyền lâu nay không phải cái gì bất biến. Mông Cổ từng thuộc về Trung Quốc, bây giờ là một quốc gia độc lập đấy thôi? Thời Tùy - Đường, Thổ Phiên (Tây Tạng) là một quốc gia độc lập, nhưng hiện tại cả thế giới đều không ai không thừa nhận nó là một bộ phận của Trung Quốc.

Do đó có thể thấy chủ quyền không phải cái gì đó thần thánh không thể thảo luận, không thể thay đổi.

Con người nên coi trọng lý lẽ, quốc gia càng nên coi trọng lý lẽ. Một khi Trung Quốc đã đặt bút ký phê chuẩn UNCLOS thì nên bình thản chấp nhận trọng tài. Đem tranh chấp này giao cho các luật sư, thẩm phán đi giải quyết. Vấn đề quan trọng là làm sao hạ nhiệt được cái đầu nóng của chủ nghĩa dân tộc, đó là rào cản lớn nhất của việc đưa vấn đề ra cơ quan tài phán.

Tôi ủng hộ giải quyết (các loại tranh chấp ở Biển Đông) thông qua cơ quan tài phán. Lập trường này vấp phải rất nhiều công kích từ những phần tử quá khích cuồng nhiệt. Ông có phải là người Trung Quốc? Có, nhưng tôi thực sự không thấy bất cứ mối liên hệ nào giữa thực tế tôi là người Trung Quốc với cái chủ trương các đảo đá trên Biển Đông thuộc về Trung Quốc.

Tôi có bạn bè ở Việt Nam, giữa chúng tôi tuyệt nhiên không có tranh luận nào về tranh chấp trên Biển Đông. Đó là vấn đề pháp lý rất phức tạp, chúng tôi không hiểu. Nếu ai đó có hỏi tôi đảo, đá nào đó có phải thuộc về Trung Quốc không, tôi sẽ thành thật trả lời rằng tôi không biết.

Rất nhiều người hỏi tôi có lập trường như thế nào, tôi là dân ngoại đạo trong vấn đề pháp lý, nhưng tôi tin rằng nên phân chia theo hiện trạng chiếm đóng là hợp lý nhất. Hình như UNCLOS cũng hỗ trợ lập trường của tôi.

Điếu Ngư/Senkaku cũng tư tự. Tôi tham gia các hội thảo quốc tế có học giả Nhật Bản khẳng định kiên quyết rằng, Điếu Ngư/Senkaku thuộc về Nhật Bản. Tôi không có hứng thú phản bác, nhưng chỉ hy vọng học giả Nhật đưa ra chứng cứ chứng minh.

Tôi cho rằng, nếu vị học giả đó đã kiên quyết khẳng định Điếu Ngư/Senkaku thuộc về nước Nhật mà tôi vẫn kiên trì nói Điếu Ngư/Senkaku thuộc về Trung Quốc, tranh luận như thế thật vô nghĩa, ngu xuẩn.

Việc Trung Quốc theo đuổi các hoạt động quân sự hóa Biển Đông khiến dư luận khu vực, quốc tế thực sự lo ngại.
Việc Trung Quốc theo đuổi các hoạt động quân sự hóa Biển Đông khiến dư luận khu vực, quốc tế thực sự lo ngại.

Đối với vấn đề Điếu Ngư, cách giải quyết theo tôi là: Phá hủy, hoặc giao cho Liên Hợp Quốc. Chúng ta có thể giả định rằng Điếu Ngư/Senkaku ban đầu không tồn tại, nhưng do hoạt động địa chất của vỏ trái đất nó mới nhô lên trên vùng biển quốc tế, do đó nó thuộc về nhân loại.

Liên Hợp Quốc nên thành lập một cơ cấu để quản lý nó, ai muốn sử dụng nó thì trả tiền. Liên Hợp Quốc sẽ dùng tiền này vào việc chống khủng bố IS, đối tượng mà Chủ tịch Tập Cận Bình nói là kẻ thù chung của nhân loại, như vậy chẳng tốt lắm sao?

Tôi cho rằng, tranh chấp Biển Đông hay Điếu Ngư/Senkaku vốn dĩ không khó giải quyết. Tôi thầm đoán rằng chính phủ các bên liên quan hoặc vô tình hoặc hữu ý làm cho tranh chấp phức tạp thêm. Trong đó ẩn tình thế nào thì tôi không rõ, hoặc giả nguyên nhân nằm ở chỗ các nhà chính khách chưa đủ trí tuệ giải quyết vấn đề?

Đưa vấn đề ra cơ quan tài phán quốc tế và chấp nhận phán quyết của trọng tài không làm nước nào bị mất mặt. Đó là chuẩn mực cơ bản của một quốc gia văn minh. Nếu cứ tiếp tục nhảy lên hô hét "không thể tranh cãi" mà cứ ngồi nhìn nước khác chiếm đảo (nếu thực tế là) của mình mới là việc mất mặt!

Vài lời bình luận

Trên đây là góc nhìn "hiếm hoi" của một nhà nghiên cứu độc lập từ Bắc Kinh, Trung Quốc. "Hiếm hoi" như chính tác giả thừa nhận vì đi ngược với trào lưu dư luận xã hội nước này trong một thời gian dài chỉ được nghe tuyên truyền một chiều về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Đông trên cơ sở lập trường chính trị chứ không phải căn cứ pháp lý.

Ý thức thượng tôn pháp luật, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, trong đó nhấn mạnh giải pháp trọng tài kết hợp với đàm phán của học giả Bành Định Đỉnh rất đáng hoan nghênh và ghi nhận.

Đó cũng là điều các bên yêu sách ở Biển Đông cũng như dư luận ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và thế giới nói chung mong muốn, chỉ có nhà nước Trung Quốc là không muốn và tìm cách né tránh. Lý do tại sao thì học giả Bành Định Đỉnh cũng đã chỉ ra.

Thực tế học giả Bành Định Đỉnh đặt ra về xu hướng chủ nghĩa dân tộc dân túy ở các quốc gia có yêu sách trên Biển Đông, bao gồm Trung Quốc có tác động rất lớn đến tiến trình giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là câu chuyện hoàn toàn có thật. Nhưng cũng như tác giả nói, nếu cứ tiếp tục tôi nói của tôi, anh nói của anh thì không đời nào giải quyết được.

Thậm chí với việc đơn phương bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo như Trung Quốc tiến hành (bất hợp pháp) ở Trường Sa vừa qua, dùng tàu chiến và tàu hải cảnh uy hiếp, đe dọa tàu tiếp vận Việt Nam nhằm tạo ra cái cớ để leo thang xung đột thì nguy cơ va chạm, đối đầu lại ngày càng hiện hữu.

Vấn đề là làm sao để các bên liên quan, đặc biệt là Trung Quốc chấp nhận giải quyết tranh chấp trên tinh thần luật pháp, chấp nhận ra cơ quan tài phán quốc tế phân xử?

Tác giả nói không thể phủ nhận tranh chấp trên Biển Đông hiện nay là đúng, nhưng chưa đủ. Tại sao lại như vậy? Đó là vì thời điểm bắt đầu tranh chấp khi nào, trước khi tranh chấp thì quốc gia nào có chủ quyền với các vùng lãnh thổ hiện đang tranh chấp cần được xác định rõ. Không thể đánh đồng và nhập nhằng trong chuyện này, và nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phán quyết cuối cùng của tòa.

Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838) do Bộ Công trình tấu về kết quả khảo sát Hoàng Sa. Theo tài liệu này thì hàng năm các đoàn đi khảo sát các xứ ở Hoàng Sa, mỗi năm đoàn khảo sát được 12 hòn đảo. Nếu cuộc khảo sát bắt đầu từ năm 1833 thì đến năm 1838, các đoàn đã khảo sát được 85 hòn đảo. Nguồn: vanthuluutru.com/VOV.
Châu bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 19 (năm 1838) do Bộ Công trình tấu về kết quả khảo sát Hoàng Sa. Theo tài liệu này thì hàng năm các đoàn đi khảo sát các xứ ở Hoàng Sa, mỗi năm đoàn khảo sát được 12 hòn đảo. Nếu cuộc khảo sát bắt đầu từ năm 1833 thì đến năm 1838, các đoàn đã khảo sát được 85 hòn đảo. Nguồn: vanthuluutru.com/VOV.

Nếu các học giả Trung Quốc quan tâm, các nhà nghiên cứu Việt Nam chúng tôi sẵn sàng cung cấp đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử rằng, từ thế kỷ 17 đến trước năm 1909, nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền hòa bình, liên tục, hợp pháp đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Đặc biệt là từ năm 1835 trở đi, vua Minh Mạng đã cho đặt bia chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1909, Đô đốc Lý Chuẩn của tỉnh Quảng Đông, nhà Thanh mới đổ bộ bất hợp pháp lên Hoàng Sa và sau đó rút lui. Riêng Trường Sa, mãi tới năm 1946, chính quyền Tưởng Giới Thạch lợi dụng danh nghĩa Đồng Minh giải giới quân Nhật để chiếm đảo Ba Bình, bắt đầu tạo ra tranh chấp ở Trường Sa. Năm 1947 thì đường lưỡi bò mới ra đời một cách tùy tiện, không có cơ sở pháp lý nào.

Việt Nam và các bên liên quan cũng rất mong muốn được nghe giải trình, lập luận của Trung Quốc về yêu sách của mình ở Biển Đông, đặc biệt là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đường lưỡi bò. Trao đổi một cách thiện chí, khách quan và cầu thị sẽ giúp các bên tìm ra giải pháp.

Xác định bản chất của tranh chấp cũng như mốc thời gian bắt đầu xuất hiện tranh chấp là việc rất quan trọng, bởi Hoàng Sa, Trường Sa đã không còn là đất vô chủ từ thế kỷ 17. Chúng tôi chỉ lược qua như vậy để làm rõ hơn vấn đề, việc còn lại để được như mong muốn của học giả Bành Định Đỉnh, các bên cần thực sự thiện chí đối thoại với nhau hoặc ra tòa và đưa ra bằng chứng.

Trước tòa hoặc trong đàm phán, nếu có khu vực tranh chấp nào trên Biển Đông mà các bên không thể đưa ra đủ chứng cứ pháp lý chứng minh lập trường của mình thì lúc đó sẽ tính đến các quy tắc, tập quán của luật quốc tế để xử lý tranh chấp, trên tinh thần khách quan, cầu thị và các bên chấp nhận được.

Phát biểu của học giả Bành Định Đỉnh cũng như Lý Lệnh Hoa trước đó, gần đây nhất là của Tiến sĩ Tiết Lực - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc khác hẳn với những lập trường cứng rắn kiểu "không thể tranh cãi" xưa nay của chính phủ Trung Quốc là một dấu hiệu lạ.

Học giả Lý Lệnh Hoa phản bác đường lưỡi bò. Học giả Tiết Lực thừa nhận Mỹ tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Xu Bi, Vành Khăn là hợp pháp và còn đặt giả thiết nếu Trung Quốc thừa nhận 3/7 thực thể họ chiếm là bãi cạn lúc nổi, lúc chìm thì Việt Nam có dám thừa nhận điều tương tự hay không. 

Riêng học giả Bành Định Đỉnh lại đưa ra ý tưởng "chia theo hiện trạng chiếm đóng". Tất nhiên dù có ra cơ quan tài phán quốc tế hay đàm phán giải quyết tranh chấp, không thể "chia" Biển Đông đơn giản như vậy, nhưng gợi ý từ một học giả ở Bắc Kinh trong thời điểm này là điều hết sức đáng lưu ý, tìm hiểu điều gì đằng sau nó.

Bởi lẽ Trung Quốc có cả một chiến lược độc chiếm Biển Đông, và thông thường đường đi nước bước của họ bao giờ cũng tính trước và trù liệu rất xa.

Ở Trung Quốc, các học giả độc lập cũng như nằm trong cơ quan nghiên cứu nhà nước phát biểu ngược với lập trường, chủ trương của chính phủ, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông mà Trung Quốc coi là "lợi ích cốt lõi" rất hiếm khi xảy ra. Phải chăng trước nguy cơ thua kiện và đường lưỡi bò bị ánh sáng Công pháp quốc tế soi rõ đến từng ngõ ngách, Trung Quốc đã chuẩn bị cho mình một đường lùi khi không thể tiếp tục leo thang hơn nữa?

Tiến sĩ Tiết Lực, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Tiến sĩ Tiết Lực, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Làm sao để Trung Quốc chấp nhận ra tòa?

Học giả Bành Định Đỉnh đã nhận xét rất chính xác rằng, nếu Trung Quốc thực sự có đủ căn cứ pháp lý để nói về cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" ở Biển Đông thì họ đã cất quân "thu hồi" các thực thể từ lâu rồi, nhưng Trung Quốc không có.

Mặt khác lâu nay chính Trung Quốc không có bất cứ thành ý, thiện chí và nhượng bộ nào trong đàm phán, nên mọi việc cứ dẫm chân tại chỗ, điển hình như COC. Trong đàm phán song phương với từng nước thì Trung Quốc ép người ta chấp nhận điều không tưởng "chủ quyền thuộc Trung Quốc".

Báo Thanh Niên ngày 28/11 dẫn lời Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc bình luận: “Trung Quốc vẫn sẽ né tránh các quyết định từ những phiên tòa quốc tế. Vụ kiện của Philippines sẽ không làm thay đổi nhiều về những gì Trung Quốc đang thực hiện trên Biển Đông.

Thế nên, cần nhiều hơn nữa nỗ lực tương tự từ các nước trong khu vực như Việt Nam để đưa Trung Quốc vào thế phải chấp nhận đàm phán và hành động theo luật pháp quốc tế”.

Cũng theo phản ánh của báo Thanh Niên, Tiến sĩ Patrick Cronin, Cố vấn và Giám đốc cấp cao của Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS, Mỹ) cũng khẳng định Trung Quốc “đang tìm cách thay đổi luật lệ của thế giới”. Ông nhận xét:

“Mỹ sẽ giữ sự hiện diện tại khu vực này. Chúng tôi muốn tạo khả năng bảo vệ lãnh thổ của các nước, quyền tự do di chuyển theo luật pháp và tạo nền tảng luật pháp chung để giải quyết tranh chấp. Mỹ sẽ góp phần tạo dựng một cộng đồng ASEAN vững mạnh về mặt pháp lý để thoát khỏi sự kiềm tỏa của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng các nước trong khu vực nên hành động, có tiếng nói như Philippines trong vụ kiện lần này”.

Hồng Thủy