"Huyền cơ" đằng sau chế độ Chủ tịch Quân ủy phụ trách Trung Nam Hải

01/02/2015 07:15
Hồng Thủy
(GDVN) - Chủ tịch Quân ủy trung ương mà không hiểu gì về quân sự, không có tay trong trong quân đội, không biết dùng người ắt sinh chuyện "Tống Giang dắt mũi Tiều Cái"
Ông Tập Cận Bình thị sát một đơn vị hải quân với vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương.
Ông Tập Cận Bình thị sát một đơn vị hải quân với vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương.

Đa Chiều ngày 31/1 bình luận, hôm 16/1 Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập họp nghe báo cáo công tác của Quốc hội, Chính phủ, Chính hiệp, Tòa án tối cao và Viện Kiểm sát tối cao, trong đó cụm từ "lãnh đạo tập trung thống nhất" được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần.

Mặt khác gần đây trong quân đội Trung Quốc người ta nhắc nhiều đến "ủng hộ, quán triệt, chấp hành chế độ Chủ tịch Quân ủy phụ trách". Từ Tổng tham mưu trưởng Phòng Phong Huy, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Trương Dương cho đến tờ Quân giải phóng đều có bài bình luận về vấn đề này.

Theo Đa Chiều, nếu quan sát kết hợp cả hai động thái này, 5 cơ cấu quyền lực nhất báo cáo Bộ chính trị và chế độ Chủ tịch Quân ủy phụ trách (mọi mặt công tác) có thể thấy, từ sau đại hội 18 đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, truyền thông Bắc Kinh liên tục nói về chủ nghĩa quyền lực mới mà năm 2015 nó đã bắt đầu bước vào quá trình tăng tốc.

Nhắc đi nhắc lại "lãnh đạo tập trung thống nhất"

Báo chí nhà nước Trung Quốc hôm 16/1 đã đưa bản tin dài hơn 2000 chữ về phiên họp Bộ chính trị nghe báo cáo của ông Trương Đức Giang - Bí thư đảng đoàn Quốc hội, Lý Khắc Cường - Bí thư đảng đoàn Chính phủ, Du Chính Thanh - Bí thư đảng đoàn Chính hiệp, Chu Cường - Bí thư đảng đoàn Tòa án tối cao và Tào Kiến Minh - Bí thư đảng đoàn Viện Kiểm sát tối cao về 1 năm công tác của đơn vị mình. Về quan hệ giữa 5 cơ cấu quyền lực này, hội nghị Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc lần này nhấn mạnh nhiều lần đến "lãnh đạo tập trung thống nhất".

Giới phân tích cho rằng trong từ điển chính trị của ông Tập Cận Bình, "lãnh đạo tập trung thống nhất" là một quy định chính trị mới quan trọng trong Trung Nam Hải. Tờ Nhân Dân nhật báo đã phải đăng bài xã luận phản bác quan điểm của truyền thông người Hoa hải ngoại và phương Tây cho rằng, 5 cơ cấu quyền lực này phải báo cáo Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc là hiểu sai, hiểu đúng phải là "Ban cán sự đảng" của 5 cơ cấu quyền lực báo cáo Bộ chính trị.

Tuy nhiên Đa Chiều bình luận, điều đáng chú ý là các cơ cấu quyền lực hàng đầu Trung Quốc báo cáo Bộ chính trị lần này lại thiếu hẳn 2 thành phần quan trọng, đó là Quân ủy trung ương và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương thì có thể hiểu vì tổ chức này đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban chấp hành trung ương và thường xuyên là Bộ chính trị nên việc báo cáo thường xuyên là hiển nhiên. Nhưng Quân ủy trung ương là một cơ cấu quyền lực quan trọng lại vắng mặt trong buổi "báo cáo Bộ chính trị" là dấu hiệu lạ.

Theo bình luận của giới phân tích, nguyên nhân Quân ủy trung ương không phải báo cáo Bộ chính trị có thể là do ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch Quân ủy. Vì vậy mặc dù Quân ủy trung ương không phải tham gia báo cáo, nhưng không có nghĩa là đảng Cộng sản Trung Quốc buông lỏng quản ly đối với quân đội.

Từ cuối năm 2014, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Phạm Trường Long đã nhấn mạnh tại hội nghị quân chính Cổ Điền: "Quân đội phải kiên trì nguyên tắc đảng lãnh đạo tuyệt đối, kiên trì lấy những phát biểu quan trọng của Tập Chủ tịch làm kim chỉ nam khoa học, kiên định tự giác ủng hộ và quán triệt chế độ Chủ tịch Quân ủy trung ương phụ trách".

Ngay sau khi trở thành Chủ tịch Quân ủy trung ương khóa 18, ông Tập Cận Bình lập tức tuần du phương Nam, thị sát căn cứ quân sự Tam Á, hạm đội Nam Hải và đại quân khu Quảng Châu.
Ngay sau khi trở thành Chủ tịch Quân ủy trung ương khóa 18, ông Tập Cận Bình lập tức tuần du phương Nam, thị sát căn cứ quân sự Tam Á, hạm đội Nam Hải và đại quân khu Quảng Châu.

Hứa Kỳ Lượng, một Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương khác thì nhấn mạnh: "Chế độ Chủ tịch Quân ủy trung ương phụ trách được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, là nội dung quan trọng của chế độ quân sự Trung Quốc, là hình thức thực hiện tối cao của chế độ đảng lãnh đạo tuyệt đối căn bản đối với quân đội". Những khái niệm này vốn không phải là mới, nhưng tại sao lại liên tục được nhắc lại với tần suất dày đặc gần đây? Theo Đa Chiều, điều này ẩn chứa một "huyền cơ".

"Huyền cơ", Chủ tịch Quân ủy trung ương mà không hiểu quân đội, chẳng khác nào như Tiều Cái bị Tống Giang xỏ mũi

Trong 20 năm qua, vai trò lãnh đạo đối với quân đội Trung Quốc không phải lúc nào cũng hoàn toàn nằm trong tay Chủ tịch Quân ủy. Tờ Đông Phương nhật báo xuất bản tại Hồng Kông mới đây tổng kết: Từ năm 1949 đến nay, đảng Cộng sản Trung Quốc đã có 6 đời Chủ tịch Quân ủy trung ương lần lượt bao gồm Mao Trạch Đông, Hoa Quốc Phong, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình.

Tuy nhiên trong số này ông Hoa Quốc Phong là nhân vật quá độ tạm thời, 2 ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình từng xuất thân quân đội nên đã lập được nền tảng quyền lực tuyệt đối "nói một là một, hai là hai".

Còn 2 người kế nhiệm Đặng Tiểu Bình là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều thuần túy là quan chức dân sự sang nắm quyền chỉ huy quân đội mà không có kinh nghiệm trong lực lượng vũ trang. Bởi vậy mọi hoạt động điều hành, triển khai nhiệm vụ trọng yếu của quân đội phải dựa vào 2 cấp phó là quân nhân đảm trách. Thời đại hội 14 đảng Cộng sản Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình phải để Lưu Hoa Thanh - Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương đã 76 tuổi vào Thường vụ Bộ chính trị.

Mặc dù tướng tá Trung Quốc vẫn nói "sẵn sàng nghe Giang Trạch Dân/Hồ Cẩm Đào chỉ huy", nhưng trong thực tiễn công việc thì 2 viên Phó Chủ tịch Quân ủy mới là người nắm quyền sinh quyền sát trong quân đội, từ kế hoạch tác chiến cho đến nhân sự can bộ, ngân sách quốc phòng, mua sắm vũ khí trang bị...Chính cơ chế này tạo ra kẽ hở cho Từ Tài Hậu có thể công khai buôn quan bán chức từ cấp đại quân khu, quân binh chủng cho tới các đầu mối đơn vị chủ lực.

Vì vậy nếu Chủ tịch Quân ủy trung ương mà không hiểu gì về quân sự, không có tay trong trong quân đội, không biết dùng người ắt sinh chuyện "Tống Giang dắt mũi Tiều Cái", chế độ Chủ tịch Quân ủy trung ương phụ trách chỉ còn là trên giấy, thực tế Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương mới là người phụ trách. Vì vậy hội nghị Cổ Điền vừa rồi Tập Cận Bình triệu tập "các lộ chư hầu tướng soái" về dự hội nghị quân chính toàn quân, dụng ý chủ yếu nhất chính là nhắc các tướng nhớ "chế độ Chủ tịch Quân ủy trung ương phụ trách".

Hồng Thủy