Indonesia có thể kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ra tòa

12/11/2015 05:34
Hồng Thủy
(GDVN) - "Tôi nghĩ rằng đây là giải pháp tốt nhất thay vì triển khai sức mạnh quân sự", ông Pandjaitan nói.

The Wall Street Journal ngày 11/11 đưa tin, Luhut Pandjaitan, một cựu tướng lĩnh bây giờ phụ trách Bộ Nội vụ - chính trị - an ninh Indonesia cho biết, Jakarta có thể khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế nếu yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò (vô lý, phi pháp và bành trướng) của Bắc Kinh trên Biển Đông không thể giải quyết được qua đối thoại.

Ông Luhut Pandjaitan, ảnh: fajar.co.id
Ông Luhut Pandjaitan, ảnh: fajar.co.id

Indonesia không phải quốc gia có yêu sách đối với quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), nhưng đường lưỡi bò Trung Quốc vạch ra đã đè lên vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Natuna, Indonesia. Đường lưỡi bò là yêu sách Trung Quốc đưa ra theo cái gọi là "chủ quyền lịch sử" đòi gần như toàn bộ Biển Đông.

Pandjaitan, một trong những thành viên có ảnh hưởng nhất trong chính quyền Tổng thống Joko Widodo nhận xét, đường lưỡi bò Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Ông cho biết: "Chúng tôi muốn thấy một giải pháp về điều này trong tương lai gần qua đối thoại. Nếu không, Indonesia có thể đưa vụ việc ra Tòa án Quốc tế", quan chức này tuyên bố khả năng khởi kiện giống như Philippines đã làm, nhưng không cho biết thời hạn cụ thể.

"Tôi nghĩ rằng đây là giải pháp tốt nhất thay vì triển khai sức mạnh quân sự", ông Pandjaitan nói. Trung Quốc đã không bình luận gì về phát biểu này. Indonesia lâu nay vẫn cố gắng định vị mình như một bên trung gian hòa giải trong vấn đề Biển Đông giữa các nước láng giềng ASEAN với Trung Quốc. 

Nhưng dưới thời Tổng thống Joko Widodo, Indonesia đang cố gắng tăng cường an ninh hàng hải xung quanh 18 ngàn hòn đảo của mình. Quốc gia này đang đẩy mạnh tuần tra trên các vùng biển chiến lược và đang tìm cách nhờ Mỹ giúp phát triển lực lượng bảo vệ bờ biển mới.

Sự tích tụ quân sự từ Trung Quốc tập trung vào lực lượng hải quân trên Biển Đông và hoạt động bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tọa (bất hợp pháp) mà Trung Quốc tiến hành ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), thậm chí đang xây dựng 3 đường băng có khả năng cất hạ cánh các chiến đấu cơ khiến dư luận lo ngại.

Tuần này,Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan ho biết, cuối tháng này họ sẽ bắt đầu xét xử vụ án Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) trên Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế thông qua các hoạt động của mình trên Biển Đông.

Hồng Thủy