Japan Times: Bắc Kinh chơi trò hai mặt với người biểu tình

19/09/2012 19:00
Bảo Thành (Nguồn: Japan Times)
(GDVN) - “Những mối đe dọa từ bên ngoài là cách hữu hiệu để chuyển hướng chú ý của dư luận trong một thời kỳ nào đó khỏi các vấn đề trong nước và giới lãnh đạo chính quyền. Điều này cũng xảy ra trong thời kỳ chuyển giao quyền lực, khi người ta tranh giành vị trí trong hệ thống.”
Có thể bạn quan tâm
> Tìm hiểu đất nước Ireland, cơ hội nhận quà cực lớn
> Cả xã hội quan tâm: Tình hình biển Đông 
> Mục mới: Nóng trên mạng

Tờ Japan Time của Nhật Bản ngày 19/9 cho hay, trong khi căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng gia tăng, chính quyền Trung Quốc đã chơi trò hai mặt khi vừa âm thầm khuyến khích người dân biểu tình chống Nhật Bản, rồi sau đó lại công khai chỉ trích và kiểm soát họ.

Giới phân tích Nhật Bản chỉ ra các dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc đã dọn đường và trong một số trường hợp còn kích động những cuộc biểu tình nổ ra trong những ngày gần đây. Đồng thời, các quan chức lại rất thận trọng kiểm soát đám đông với sự e ngại rằng việc những người bất mãn tụ tập có thể dễ dàng quay lại công kích chính chính phủ Trung Quốc.

Người biểu tình mặc sức ném chai lọ, trứng thối vào đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh
Người biểu tình mặc sức ném chai lọ, trứng thối vào đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh

Japan Times dẫn lời một số nhà phân tích Trung Quốc cho rằng trò chơi hai mặt này đang được giới chức Trung Quốc tiến hành một cách thận trọng để gia tăng áp lực lên Nhật Bản. Mặt khác nó cũng được thúc đẩy bởi bối cảnh chính trị trong nước khi các quan chức đang tìm mọi cách để giữ ghế trong cuộc chuyển giao quyền lực sắp diễn ra tới đây.

Nhà phân tích chính trị độc lập Lưu Quân Minh cho rằng: “Giới lãnh đạo Trung Quốc rất thành thạo khi lôi kéo dư luận kiểu này… và có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ đã đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình này. Biểu tình nổ ra khi lãnh đạo muốn nó nổ ra, và nó sẽ chấm dứt khi họ muốn dừng lại.”

Hôm thứ Hai, giới chức Trung Quốc đã ra tín hiệu cho thấy họ đang tìm cách hạ nhiệt các cuộc biểu tình chống Nhật Bản, đặc biệt là trước nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại Trung - Nhật, sau khi một số công ty Nhật Bản phải tạm thời đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc và vé máy bay từ Trung Quốc tới Nhật Bản bị hủy ồ ạt.

Chính phủ Trung Quốc đã tỏ ra thận trọng sau khi người biểu tình quá khích có các hành vi bạo lực hồi cuối tuần qua. Họ đã ném chai lọ và trứng thối vào Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, đập phá cửa sổ các công ty và lật ô-tô Nhật trên đường phố. Ở các tỉnh miền nam, người biểu tình còn đụng độ với cảnh sát chống bạo động.

Người biểu tình còn tấn công cả cảnh sát Trung Quốc
Người biểu tình còn tấn công cả cảnh sát Trung Quốc

Truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi người biểu tình kiềm chế, thể hiện “lòng yêu nước một cách tỉnh táo”. Nhà cầm quyền Trung Quốc cũng tăng đáng kể sự hiện diện của cảnh sát ở Bắc Kinh và đe dọa bắt giữ những người biểu tình “vi phạm pháp luật” ở một số vùng trong dịp kỉ niệm 81 năm ngày Nhật Bản xâm lược Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng nỗi giận dữ của người dân bắt nguồn từ sự bất mãn âm ỉ hàng thập kỉ nay. Giới lãnh đạo Trung Quốc đang lợi dụng sự giận dữ này không chỉ vì mục đích chống Nhật Bản.

Ngay từ ngày 11/9, khi một nhóm nhỏ người biểu tình bắt đầu tụ tập trước đại sứ quán Nhật Bản, chính phủ Trung Quốc đã có dấu hiệu khuyến khích biểu tình. Khi hai phóng viên đi ngang qua, cảnh sát mặc thường phục nghĩ họ là người biểu tình và đã hướng dẫn họ phải tới chỗ nào để biểu tình có hiệu quả hơn.

Cảnh sát Trung Quốc làm công tác "dân vận" với người biểu tình
Cảnh sát Trung Quốc làm công tác "dân vận" với người biểu tình

Hiện có nhiều giả thuyết đưa ra về các nhân vật trong chính phủ đứng đằng sau khuyến khích các cuộc biểu tình chống Nhật và lý do của hành động đó.

Một số nhà phân tích cho rằng các thế lực như Bộ An ninh hoặc quân đội đang lợi dụng các cuộc biểu tình này để gia tăng quyền lực trước cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo sắp tới.

Tuy nhiên đa số các chuyên gia đều cho rằng giới chức cấp cao Trung Quốc đang sử dụng chiêu bài biểu tình để xả bớt áp lực đè nén và nỗi giận dữ của người dân, đồng thời hướng sự chú ý của họ ra khỏi những vấn đề nội tại như nạn tham nhũng, lạm quyền của các quan chức.

Bà Susan Shirk
Bà Susan Shirk

Cựu Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Á Susan Shirk cho rằng: “Những mối đe dọa từ bên ngoài là cách hữu hiệu để chuyển hướng chú ý của dư luận trong một thời kỳ nào đó khỏi các vấn đề trong nước và giới lãnh đạo chính quyền. Điều này cũng xảy ra trong thời kỳ chuyển giao quyền lực, khi người ta tranh giành vị trí trong hệ thống.”

Bảo Thành (Nguồn: Japan Times)