Joe Biden thúc giục không sử dụng vũ lực, đe dọa ở Biển Đông, Hoa Đông

27/07/2013 13:00
Nguyễn Hường (nguồn CNA)
(GDVN) - Ông Biden đã kêu gọi các bên loại bỏ các mối đe dọa ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và "nhanh chóng" đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc để tránh xung đột.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/7 đã kêu gọi các quốc gia châu Á giảm căng thẳng trong vùng biển tranh chấp trong bối cảnh Washington đang nỗ lực để đối phó với sự hiện diện ngày càng tăng trên biển của Trung Quốc ở đó.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) chia sẻ niềm vui với Thủ tướng Singapore Lý Hiền Long (phải) và Phó Thủ tướng Teo Chee Hean (trái) trong bữa tiệc tối tại Singapore ngày 26/7/2013.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) chia sẻ niềm vui với Thủ tướng Singapore Lý Hiền Long (phải) và Phó Thủ tướng Teo Chee Hean (trái) trong bữa tiệc tối tại Singapore ngày 26/7/2013.

Trong một loạt các hoạt động ngoại giao vào ngày đầu tiên của chuyến thăm hai ngày đến Singapore, ông Biden đã kêu gọi các bên loại bỏ các mối đe dọa ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và "nhanh chóng" đạt được sự đồng thuận về các nguyên tắc để tránh xung đột.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như với toàn bộ Biển Đông, ngay cả vùng biển gần bờ biển của các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines. Bắc Kinh cũng đang ngày càng trở nên cứng rắn trong tuyên bố chủ quyền với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản trên Hoa Đông. 
Tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo Singapore, Phó Tổng thống Mỹ đã có một hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đã đến thăm Singapore cùng ngày trong hành trình thăm khu vực Đông Nam Á.
"Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại về những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông," ông Biden nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
"Mỹ thúc giục tất cả các bên không sử dụng biện pháp ép buộc, đe dọa và vũ lực. Chúng tôi khuyến khích các nước ASEAN và Trung Quốc nhanh chóng đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử", ông Biden cho biết thêm.
Các nước ASEAN đã nhiều lần thúc giục Trung Quốc tham gia đàm phán thông qua bộ quy tắc ứng xử nhằm ngăn chặn hành vi gây xung đột trên Biển Đông, nhưng đã bị Bắc Kinh trì hoãn vì muốn đàm phán song phương.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Trong khi đó, Washington không dưới một lần bày tỏ quan tâm đến tự do hàng hải trên Biển Đông, nơi có các các tuyến đường biển quan trọng khi Trung Quốc ngày càng thể hiện các bước đi cứng rắn củng cố cho tuyên bố bá quyền của mình đã thu hút sự phản đối mạnh mẽ của Philippines và Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình, ông Biden đã không đề cập đến bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào trong đó có sử dụng vũ lực hoặc đe dọa ở Biển Đông.
Trong tháng 6, tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đã cáo buộc Philippines cố gắng kích động Bắc Kinh và cảnh báo nó có thể dẫn đến hành động gây hấn của Trung Quốc: "Nếu Philippines tiếp tục khiêu khích Trung Quốc... một sự phản công sẽ khó có thể tránh". 
Sau cuộc gặp với Thủ tướng Abe, ông Biden cho biết cả hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm rằng liên minh Mỹ-Nhật Bản đóng một vai trò trung tâm trong hòa bình và ổn định khu vực.
"Phó Tổng thống đã tái khẳng định lập trường của Mỹ trên Biển Hoa Đông, bao gồm các cam kết liên minh của chúng tôi," một tuyên bố của Mỹ sau cuộc họp cho biết.
Ông Biden cũng "nhấn mạnh quan điểm của Mỹ rằng tất cả các bên cần thực hiện các bước để giảm căng thẳng", tuyên bố nói thêm.
Nguyễn Hường (nguồn CNA)