John McCain: Thất vọng về những hành xử của Trung Quốc

08/04/2013 19:00
Nguyễn Hường (Nguồn Washington Post)
(GDVN) - "Hành vi của Trung Quốc đã rất đáng thất vọng, cho dù đó là về an ninh mạng, cho dù đó là về cuộc đối đầu ở Biển Đông hay thất bại của họ trong việc kiềm chế những gì có thể gọi là một tình trạng nghiêm trọng" - ông McCain nói.

Đáp lại những lo ngại về những lời lẽ hiếu chiến gần đây của Triều Tiên, Trung Quốc hôm 7/4 cũng đã bày tỏ mối quan tâm và những gì dường như là lời chỉ trích đồng minh lâu năm của mình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

"Không ai cho phép đẩy một khu vực và thậm chí là cả thế giới vào sự hỗn loạn vì lợi ích ích kỷ của riêng mình" -  Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao ở tỉnh Hải Nam. Tránh đề cập tới tên Triều Tiên, ông Bình nói: "Trong khi theo đuổi lợi ích riêng của mình, một đất nước phải hành xử phù hợp với lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác".
Hôm 7/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ban hành tuyên bố nói rằng Bắc Kinh "quan ngại nghiêm trọng" về "tình trạng căng thẳng tiếp tục leo thang" trên bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc - từ lâu được xem như là một yếu tố quan trọng hỗ trợ cho sự ổn định của chính quyền Bình Nhưỡng - gần đây đã có dấu hiệu thất vọng với quốc gia này sau khi Bắc Triều Tiên bỏ qua lời kêu gọi không thực hiện một vụ thử hạt nhân hồi tháng 2 vừa qua của mình.
Trung Quốc bị đổ lỗi cho sự thất bại trong nỗ lực kiềm chế các hành động khiêu khích của Triều Tiên.
Trung Quốc bị đổ lỗi cho sự thất bại trong nỗ lực kiềm chế các hành động khiêu khích của Triều Tiên.

Các quan chức Trung Quốc coi trọng sự "ổn định" là trên hết, không có khả năng từ bỏ Triều Tiên nhưng có thể dễ dàng cảm nhận thấy nỗi thất vọng của quốc gia này đối với Bình Nhưỡng trong bối cảnh bị áp lực từ chính quyền Obama, người đang cố gắng thúc giục Bắc Kinh có một lập trường mạnh mẽ hơn nữa để kiềm chế Bình Nhưỡng.
Bà Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cho biết tại hội nghị thượng đỉnh của một phụ nữ ở New York hồi cuối tuần vừa qua rằng Trung Quốc có thể làm nhiều hơn thế. "Không giống như trong quá khứ, họ cũng cho rằng Kim Jong Un đã đi quá xa, và điều này đã tạo ra một tình huống có khả năng đe dọa trực tiếp tới lợi ích của họ trong khu vực, cả về kinh tế và an ninh.",  bà nói thêm.
Trong khi đó, 3 Thượng nghị sĩ Mỹ khác cũng đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tăng áp lực đối với Bắc Triều Tiên.

Thượng nghị sĩ John McCain
Thượng nghị sĩ John McCain

"Trung Quốc đang nắm giữ chìa khóa cho vấn đề này" - Thượng nghị sĩ John McCain nói trên chương trình "Face the Nation" mới đây của CBS News. "Hành vi của Trung Quốc đã  rất đáng thất vọng, cho dù đó là về an ninh mạng, cho dù đó là về cuộc đối đầu trong Biển Đông hay thất bại của họ trong việc kiềm chế những gì có thể gọi là một tình trạng nghiêm trọng" - ông nói.
Thượng nghị sĩ Charles E. Schumer, người đã xuất hiện trên cùng một chương trình, cho biết ông cũng đồng ý với nhận định trên của ông McCain: "Bạn biết đấy, người Trung Quốc nắm giữ rất nhiều lá bài ở đây. Bản chất của họ là thận trọng, nhưng họ đang nhẫn nhịn đến giới hạn cuối cùng. Đã đến lúc họ phải bước lên và đặt một chút áp lực đối với chính quyền Bắc Triều Tiên".
Thượng nghị sĩ Lindsey O. Graham cũng xuất hiện trên NBC News cho biết: "Tôi cho rằng lỗi ở Trung Quốc nhiều hơn bất cứ ai. Họ sợ tái thống nhất. Họ không muốn có một Triều Tiên "dân chủ" bên cạnh Trung Quốc, vì vậy họ đang chống đỡ cho Bình Nhưỡng và họ cho rằng có thể quyết định số phận của Bắc Triều Tiên tốt hơn so với bất cứ ai trên hành tinh này".
Trong cuộc trò chuyện, Ngoại trưởng Trung Quốc lặp đi lặp lại lập trường vẫn được Trung Quốc nêu ra trước đó như các vấn đề với Bắc Triều Tiên chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại,  Trung Quốc phản đối bất kỳ lời khiêu khích và hành động từ bất kỳ bên nào trong khu vực và không cho phép gây bất ổn tại cửa ngõ của Trung Quốc.
Nguyễn Hường (Nguồn Washington Post)