"Kéo được Tổng thống Mỹ vào bàn đàm phán là thành công của ông Kim Jong-un"

13/03/2018 15:47
Hồng Thủy
(GDVN) - Ông Kim Jong-un đã thành công khi kéo được Tổng thống Donald Trump vào bàn đàm phán, nhưng tính cách khó lường của ông chủ Nhà Trắng sẽ là ẩn số.

CNN ngày 12/3 dẫn lời cựu chuyên gia đàm phán về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, bà Christiane Amanpour bình luận, Chủ tịch Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đang trong vị thế của "người cầm lái"

Christiane Amanpour từng là cố vấn đặc biệt của Tổng thống Bill Clinton về vấn đề Triều Tiên và đã sang Bình Nhưỡng năm 2000 cùng Ngoại trưởng Madeleine Albright. Bà nhận định:

"Ông ta có thể đưa Tổng thống Mỹ - nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất thế giới - ngồi cùng phòng với ông ấy như thể hai bên bình đẳng.

Như vậy là ông ấy đã đạt được một mục tiêu chính theo quan điểm của mình.

Cựu Cố vấn của Tổng thống Mỹ về vấn đề Bắc Triều Tiên Christiane Amanpour, ảnh: CNN.
Cựu Cố vấn của Tổng thống Mỹ về vấn đề Bắc Triều Tiên Christiane Amanpour, ảnh: CNN.

Mặc dù không tin ông Kim Jong-un "vội vã phi hạt nhân hóa", nhưng một cuộc nói chuyện chắc chắn là tốt hơn chiến tranh.

Rủi ro lớn nhất là, Tổng thống và nhóm của ông ấy đang nỗ lực mà nếu không đạt được kết quả như mong muốn, thực sự có thể tạo điều kiện tiền đề cho chiến tranh.

Có nhiều lựa chọn có thể được thực hiện, và nếu Tổng thống cảm thấy rằng tất cả phải đi theo con đường Hoa Kỳ muốn, có lẽ chúng ta sẽ không đạt được thỏa thuận, và chúng ta có thể thấy chiến tranh." [1]

Cũng đài CNN ngày 13/3 cho biết, mặc dù Bình Nhưỡng im ắng sau khi Tổng thống Donald Trump chấp nhận lời mời gặp mặt của ông Kim Jong-un, các quan chức Mỹ đang phải vật lộn để biến quyết định này của ông chủ Nhà Trắng thành hiện thực.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng chuyên gia am hiểu Bình Nhưỡng trong bộ máy.

Nhà Trắng sẽ tổ chức một cuộc họp vào thứ Ba (thứ Tư giờ Hà Nội) để thảo luận về việc chuẩn bị này, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã phải cắt ngắn chuyến công du châu Phi để trở về Mỹ dự họp.

"Thời cơ đã đến. Ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi có thể nhanh chóng bỏ về hoặc chúng tôi có thể ngồi xuống và làm điều tốt nhất cho thế giới."

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump

Ngoại trưởng Hàn Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản thứ Sáu này cũng sẽ có mặt tại Washington để hội đàm sâu hơn về Bắc Triều Tiên.

Trong khi đó Bình Nhưỡng vẫn án binh bất động.

Một số nhà phân tích Hoa Kỳ lo lắng nguy cơ thất bại của hội nghị thượng đỉnh không phải bởi khả năng Triều Tiên bất ngờ thử tên lửa, mà bởi tính cách "phi truyền thống" của ông Donald Trump. [2]

Reuters ngày 12/3 dẫn lời Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết:

"Sẽ có nhiều việc cần trao đổi về lập trường, phạm vi của các cuộc đàm phán đó. Đây là giai đoạn rất sớm, chúng tôi không nghe được bất cứ điều gì trực tiếp từ Bắc Triều Tiên.

Chúng tôi mong đợi sẽ nghe thấy một cái gì đó trực tiếp từ họ." [3] 

Nguồn:

[1]https://edition.cnn.com/2018/03/12/politics/north-korea-us-kim-jong-un-wendy-sherman/index.html

[2]https://edition.cnn.com/2018/03/13/politics/trump-korea-summit-early-prep/index.html

[3]https://www.reuters.com/article/us-usa-africa-tillerson-northkorea/tillerson-says-several-steps-needed-for-u-s-talks-with-north-korea-idUSKCN1GO24D

Hồng Thủy