Khi 3 Bộ trưởng trong Nội các ông Duterte lên thăm tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông

05/03/2017 07:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Không có chuyện Phippines hy sinh quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng làm thế nào để khai thác tối đa đòn bẩy trong quan hệ với Mỹ mà không tạo cớ cho Trung Quốc...

Philstar ngày 5/3 đưa tin, hôm qua 4/3 đã có 3 Bộ trưởng trong Nội các Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên thăm tàu sân bay USS Carl Vinson đang tuần tra ở Biển Đông. Tháp tùng đoàn có Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim.

3 Bộ trưởng này gồm Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, Bộ trưởng Tư pháp Vitaliano Aguirre II và Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez III. Họ bước xuống tàu sân bay USS Carl Vinson từ một máy bay vận tải của hải quân Mỹ.

Chuẩn Đô đốc James Kilby, Chỉ huy trưởng cụm tàu sân bay đã chào đón đoàn. 3 Bộ trưởng Philippines đã tận mắt chứng kiến màn cất, hạ cánh của chiến đấu cơ F-18 trên tàu sân bay Mỹ.

F-18 cất hạ cánh trên tàu sân bau USS Carl Vinson biểu diễn cho 3 vị Bộ trưởng Philppines quan sát, ảnh minh họa: Reuters.
F-18 cất hạ cánh trên tàu sân bau USS Carl Vinson biểu diễn cho 3 vị Bộ trưởng Philppines quan sát, ảnh minh họa: Reuters.

Khi được hỏi cụm tàu sân bay USS Carl Vinson có gặp rắc rối nào từ các lực lượng hải quân Trung Quốc khi tuần tra Biển Đông hay không, tướng Kilby chỉ nói, Hải quân Mỹ đang hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines thì bảo vệ sự hiện diện của USS Carl Vinson trên Biển Đông. Ông cho hay, ngay cả trước khi Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông, nhất là Scarborough, Mỹ đã thường xuyên tập trận và hoạt động ở đây. [1]

Cá nhân người viết cho rằng, chuyến thăm tàu sân bay USS Carl Vinson của 3 vị Bộ trưởng đương nhiệm trong nội các Tổng thống Rodrigo Duterte là minh chứng rõ nhất cho thấy sự khôn ngoan của ông chủ Điện Manacanang.

Không có chuyện Phippines hy sinh quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng làm thế nào để khai thác tối đa đòn bẩy trong quan hệ với Mỹ mà không tạo cớ cho Trung Quốc leo thang quân sự hóa Scarborough là cả một bài toán phức tạp.

Nó thể hiện sự chủ động của Manila trong ứng phó với tình hình sau khi Nhà Trắng đã "thay vua, đổi chủ". Những hoạt động tiếp xúc trực tiếp của các nhà lãnh đạo cấp cao nước này với Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ giúp tìm ra những giải pháp Philippines tin là có lợi nhất.

Những công kích cá nhân của ông Rodrigo Duterte với ông Obama trước đây không chỉ thể hiện sự thất vọng với chính quyền Mỹ trước đó, mà có lẽ còn là kế dương Đông kích Tây để tối đa hóa lợi ích cho đất nước mình.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.philstar.com/headlines/2017/03/05/1678160/cabinet-men-tour-us-warship-disputed-sea

Hồng Thủy