Khi ảnh hưởng của Tưởng Giới Thạch nhạt phai

11/05/2016 11:01
Ngọc Việt
(GDVN) - Bà Thái Anh Văn đã vô tình giúp cho Tập Cận Bình thoát được thế bí bấy lâu nay ảnh hưởng đến việc nâng tầm quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

VOA ngày 9/5 đưa tin, các nhà lập pháp Đài Loan đang tranh luận về việc dỡ bỏ đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch ở trung tâm Đài Bắc, một địa điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến thăm vì cho rằng, dân chúng cảm thấy bất mãn về sự đàn áp của ông đối với phe đối lập trong những thập niên giữa thế kỷ 20. 

Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch được Đài Loan khánh thành năm 1980 để tưởng nhớ nhà lãnh đạo đã nắm quyền cai trị chính thể Trung Hoa Dân quốc từ năm 1928 cho tới khi qua đời vào năm 1975.

Sau khi Quốc Dân đảng bị đảng Cộng sản Trung Quốc đánh bại vào năm 1949, Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan cùng bộ máy chính thể Trung Hoa Dân quốc tại hòn đảo này.

Tưởng Giới Thạch, ảnh: Wikipedia.
Tưởng Giới Thạch, ảnh: Wikipedia.

Tháng 2/2016, Quốc Dân đảng đã mất quyền kiểm soát Viện Lập pháp, trong khi người đứng đầu đảo Đài Loan ông Mã Anh Cửu sẽ phải bàn giao chức vụ vào ngày 20 tháng này cho lãnh đạo đảng Dân Tiến, bà Thái Anh Văn.

Diễn biến này làm cho đảng Dân Tiến là đảng sắp lên nắm quyền, và những người ủng hộ họ trong Viện Lập pháp Đài Loan có cơ hội xem xét lại đài tưởng niệm chính dành cho ông Tưởng Giới Thạch.

Theo VOA, dân biểu Từ Vĩnh Minh thuộc đảng Lực lượng Thời đại đã từng tổ chức một cuộc điều trần về vấn đề có nên dỡ bỏ đài tưởng niệm này hay không.

"Tôi tin nhiều người nghĩ rằng cần phải làm lại, vì đài tưởng niệm này vinh danh Tưởng Giới Thạch và để tưởng nhớ Tưởng Giới Thạch. Tôi nghĩ rằng việc này rất kỳ quái vì có rất nhiều thứ mà ông ấy cần phải chịu trách nhiệm", ông Từ Vĩnh Minh thể hiện quan điểm của mình.

Trong khi đó, bà Lôi Tình, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu Trung Hoa Thế Kỷ 21 ở Đài Bắc lại cho rằng:

"Đây là một hành động mang nặng tính chất chính trị và ý thức hệ của đảng Dân Tiến nhằm xoá bỏ mọi công trạng của Quốc Đân đảng, đặc biệt là của ông Tưởng Giới Thạch.

Họ muốn dần loại bỏ những mối liên hệ với Trung Quốc đại lục nên xoá bỏ từ gốc rễ. Đây là hành động mang động cơ chính trị."

Điều đó cho thấy, người dân Đài Loan không đồng quan điểm về việc loại bỏ ảnh hưởng của người được xem là có công tái lập chính thể Trung Hoa Dân quốc ở đại lục, duy trì chính thể này ở Đài Loan sau nội chiến 1949.

Việc này cũng hết sức bình thường vì sự nhìn nhận, đánh giá về ảnh hưởng của một sự kiện, một nhân vật nào đó luôn có sự khác biệt trong bất cứ xã hội nào. 

Theo người viết, việc làm này sẽ gây ra nhiều hiệu ứng khác nhau ở cả hai bên bờ eo biển Đài Loan, tuy nhiên nó lại giúp ông Tập Cận Bình thoát được thế bí trong việc thể hiện quan điểm của mình.

Bởi lẽ trong bối cảnh chính trị hai bờ eo biển Đài Loan hiện nay thì Quốc Dân đảng đang được Bắc Kinh xem là “đồng minh” của Trung Hoa đại lục, nhưng cá nhân Tưởng Giới Thạch thì lại luôn như là “kẻ thù không đội trời chung” trong tiềm thức của những nhà lãnh đạo tại Trung Nam Hải.

Đài Loan không có người “sáng lập” nên không có “công thần”

Theo cá nhân người viết, Tưởng Giới Thạch không phải là người sáng lập chính thể Trung Hoa Dân quốc tại Đài Loan hiện nay, cho dù ông là người đã có công lớn tạo nên một chế đố chinh trị tại hòn đảo này.

Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch tại Đài bắc, Đài Loan. Ảnh: Reuters.
Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch tại Đài bắc, Đài Loan. Ảnh: Reuters.

Tưởng Giới Thạch vốn lại người cai trị và cai quản Trung Hoa đại lục từ 1928 đến 1949. Ông đã thất bại trong cuộc nội chiến với Mao Trạch Đông qua cuộc “vạn lý trường chinh” lịch sử.

Khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được chính thức ra đời vào tháng 10/1949 thì sự nghiệp chính trị của Tưởng Giới Thạch chính thức khép lại trên đất nước Trung Hoa.

Việc ông nghe lời khuyên của phu nhân Tống Mỹ Linh chạy ra đảo Đài Loan lánh nạn trong lúc nguy cấp là việc đặng chẳng đừng. Vì vậy Tưởng Giới Thạch chưa bao giờ xem Đài Loan là một đất nước cả.

Không phải đợi mãi đến năm 1972, khi Nixon “lật kèo” khiến Trung Hoa Dân quốc mất ghế Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thì Đài Loan mới mất “quốc hiệu”.

Thực ra Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh luôn hướng về Trung Hoa đại lục, còn Đài Loan chỉ là điểm dừng chân tạm thời để củng cố lực lượng chuẩn bị cho kế sách lâu dài.

Chính vì không muốn “lập quốc” tại Đài Loan nên Tưởng Giới Thạch không có ý niệm xây dựng Đài Loan như một quốc gia thực sự. Ông tập trung phát triển quân đội, xây dựng và áp dụng những công cụ chủ yếu nhằm phục vụ cho sự nghiệp chính trị của mình ở mẫu quốc Trung Hoa đại lục.

Vì vậy, Tưởng Giới Thạch không gây được nhiều thiện cảm với người dân xứ đảo này.

“Dưới thời ông Tưởng Giới Thạch, hàng ngàn người bị giết hại và hàng vạn người bị giam cầm trong chiến dịch đàn áp các đối thủ chính trị.

Tưởng Giới Thạch cũng áp dụng lệnh thiết quân luật, kéo dài từ năm 1949 mãi cho tới năm 1987, nghĩa là 12 năm sau khi ông qua đời thiết quân luật mới được bãi bỏ trên đảo Đài Loan”, theo VOA.

Thực ra, bộ máy cầm quyền Đài Loan hậu Tưởng Giới Thạch chỉ trở thành "mô hình của một nhà nước" từ khi bà Tống Mỹ Linh nhận ra chiến thắng của Đặng Tiểu Bình trước Margaret Thatcher trong việc lấy lại Hồng Kông.

Đó chính là dấu chấm hết cho ước vọng của bà và Tưởng Giới Thạch hòng khôi phục chính thể Trung Hoa Dân quốc tại đại lục. Và bà Tống Mỹ Linh đã ủng hộ ông Lý Đăng Huy lên làm lãnh đạo Đài Loan lúc bấy giờ. 

Lý Đăng Huy mới là lãnh đạo tối cao đầu tiên của bộ máy cầm quyền đảo Đài Loan thật sự. Ảnh: Vietnam Plus.
Lý Đăng Huy mới là lãnh đạo tối cao đầu tiên của bộ máy cầm quyền đảo Đài Loan thật sự. Ảnh: Vietnam Plus.

Có thể nhận định rằng, Lý Đăng Huy mới là lãnh đạo thực sự của bộ máy cầm quyền đảo Đài Loan với tên gọi "Tổng thống Trung Hoa Dân quốc", tất nhiên Bắc Kinh không thừa nhận điều này, mà không phải là Tưởng Giới Thạch, thậm chí ngay cả Tưởng Kinh Quốc.

Khi Lý Đăng Huy đưa Đài Loan trở thành một hòn đảo dân chủ thì dân chúng ở đây đã bắt đầu công khai chỉ trích ông Tưởng Giới Thạch như một nhà lãnh đạo độc tài, VOA bình luận.

Như vậy là đảo Đài Loan không có người được xem là “nhà sáng lập” nên không có “công thần”. Và thực ra đâu phải cứ “sáng lập” mới là “công thần”? Sống mãi trong lòng dân mới là ý nghĩa cho hành động vì dân của người lãnh đạo, người lãnh đạo sẽ chết trong lòng dân bởi những hành động quên dân. Đó là hậu quả của những “công thần”.  

VOA cho biết: “Các nhà lập pháp đang xem xét tới những đề nghị như biến Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch thành thư khố của tất cả các vị lãnh đạo tối cao Đài Loan, thành một nơi vinh danh những phong trào phản kháng hoặc sửa lại nơi này thành một địa điểm nêu bật những nỗi thống khổ của người dân Đài Loan dưới ách cai trị độc tài”.

Thái Anh Văn đã vô tình giúp Tập Cận Bình thoát thế bí

Như ngưới đã từng nhận định, việc người dân Đài Loan chọn đảng Dân Tiến và bầu Tiến sĩ Thái Anh Văn làm lãnh đạo tối cao đảo Đài Loan trong cuộc bầu cử vào tháng 1/2016 là họ đã chấp nhận trả giá nếu Bắc Kinh buộc họ phải trả giá sau sự kiện này.

Mặc dù việc Đài Loan về với đất mẹ Trung Hoa là một xu thế không thể đảo ngược, nhưng giờ G thì chưa thể xác định.

Vì vậy, việc chiến thắng của đảng Dân Tiến và Tiến sĩ Thái Anh Văn là một thất bại cho tham vọng của Tập Cận Bình trong việc xác định giờ G cho vấn đề sáp nhập Đài Loan, theo gương Đặng Tiểu Bình trong vấn đề Hồng Kông và Macau.

Dù có thể còn lâu, còn xa mới có thể "thống nhất Đài Loan", nhưng chắc chắn ông Tập Cận Bình có cơ sở xác định cho giờ G trong tương lai ấy.

Những sự xích lại nhau giữa hai bờ eo biển Đài Loan trong thời gian Quốc Dân đảng cầm quyền khiến cho giới quan sát mường tượng ra việc xác định giờ G có thể giúp cho Tập Cận Bình trở thành người thứ hai trong lịch sử, sau Tần Thuỷ Hoàng, có thể thống nhất Trung Hoa, dù có thể chỉ là xác định mốc thời gian cho việc ấy.

Ông Mã Anh Cửu và ông Tập Cận Bình gặp nhau trên cương vị Chủ tịch Quốc Dân đảng và Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc tại Singapore tháng 11/2015. Ảnh: tibetanreview.net.
Ông Mã Anh Cửu và ông Tập Cận Bình gặp nhau trên cương vị Chủ tịch Quốc Dân đảng và Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc tại Singapore tháng 11/2015. Ảnh: tibetanreview.net.

Khi Tập Cận Bình gặp Mã Anh Cửu tại Singapore vào tháng 11/2015, cơ sở của niềm tin ấy càng rõ ràng hơn. Tuy nhiên, khi lãnh đạo đảng Dân Tiến tuyên bố chiến thắng thì Tập Cận Bình hiểu rằng, việc hệ trọng “ngàn năm có một” này có thể không có cơ hội xác định cột mốc trong thời gian ông nắm giữ quyền lực.
   
Và chắc chắn Bắc Kinh hiểu rằng, chính quyền mới tại Đài Bắc sẽ tìm mọi cách để cái giờ G lùi càng xa càng tốt. Việc quan trọng nhất là giảm tầm ảnh hưởng của Quốc Dân đảng trong đời sống xã hội, trong đó có tư tưởng và hình ảnh của Tưởng Giới Thạch trong lòng xã hội Đài Loan.

Khi những nhà lập pháp có ý định đưa vấn đề ra xem xét tại Viện Lập pháp thì vấn đề có thể có kết quả.

Có lẽ nhiều người cho rằng, đây là những cú đấm mạnh mà chính quyền mới tại Đài Bắc giáng trả các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tước bỏ "độc lập của Đài Loan".

Song theo cá nhân người viết, thì bà Thái Anh Văn đã vô tình giúp cho Tập Cận Bình thoát được thế bí bấy lâu nay ảnh hưởng đến việc nâng tầm quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

Ai cũng nhận ra ý thức hệ của Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch là không thể hoà hợp, đó cũng là nguyên nhân của cuộc nội chiến giữa đảng Cộng sản Trung Quốc với Quốc Dân đảng tại Trung Hoa đại lục trong suốt những năm 40 của thế kỷ trước.

Kết quả Mao Trạch Đông chiến thắng, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời. Tưởng Giới Thạch phải mang theo bộ máy Trung Hoa Dân quốc chạy qua đảo Đài Loan. 

Bà Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến ủng hộ việc làm giảm ảnh hưởng của Tưởng Giới Thạch sẽ làm hại Quốc Dân đảng nhưng lại làm lợi cho chính thể bờ bên kia eo biển. Ảnh: Reuters.
Bà Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến ủng hộ việc làm giảm ảnh hưởng của Tưởng Giới Thạch sẽ làm hại Quốc Dân đảng nhưng lại làm lợi cho chính thể bờ bên kia eo biển. Ảnh: Reuters.

Từ khi xúc tiến việc liên lạc giữa hai bên luôn bắt đầu bằng việc thăm dò quan điểm của nhau và chắc chắn hình ảnh và tư tưởng của Mao Trạch Đông cũng như Tưởng Giới Thạch luôn là nền tảng cho việc kết nối và thương thảo.

Kế hoạch "thống nhất Đài Loan" của Tập Cận Bình bị cái rào cản vô hình ấy làm ảnh hưởng khi không thể xem nhẹ Tưởng nhưng cũng không để Tưởng ngang với Mao. 

Việc xem nhẹ Tưởng Giới Thạch có thể khiến cho Quốc Dân đảng xem như bị xúc phạm và có thể ảnh hưởng xấu đến việc nâng tầm quan hệ giữa hai bờ. Tập Cận Bình vì thế có thể rơi vào thế khó, thậm chí là bí trong thể hiện quan điểm của mình với "lãnh tụ vĩ đại" của Quốc Dân đảng, nhưng lại như “kẻ thù” trong tiềm thức của những nhà lãnh đạo tại Trung Nam Hải.

Nay bà Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến có ý ủng hộ quan điểm xem xét lại tầm ảnh hưởng của Tưởng Giới Thạch đã có thể làm cho ông Tập Cận Bình cảm thấy nhẹ người.

Bắc Kinh có thể mạnh mẽ hơn trong thể hiện quan điểm với Quốc Dân đảng, qua đó dễ đi đến nhiều điểm thống nhất hơn. Thậm chí Quốc Dân đảng có thể nhận sự giúp đỡ từ Bắc Kinh mà không sợ có lỗi với bậc tiền bối.    

Vì vậy, trong thời gian tới Bắc Kinh có thể không bày tỏ quan điểm vể việc người dân Đài Loan xem xét phá bỏ đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch tại Đài Bắc, thậm chí có thể Bắc Kinh ngấm ngầm ủng hộ việc làm ấy.

Việc này vừa giúp cho Trung Nam Hải tránh mất lòng với Quốc Dân đảng, vừa thể hiện lập trường cứng rắn và rõ ràng hơn trong việc nêu cơ sở cho thống nhất Đài Loan.

Trước bầu cử ở Đài Loan, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy cử tri nhận định ông Mã Anh Cửu xích lại quá gần với Trung Quốc và không lưu tâm tới các vấn đề kinh tế của những người dân bình thường, theo nhận xét của VOA.

Tuy nhiên, việc người dân Đài Loan muốn xem xét dỡ bỏ đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch ở trung tâm Đài Bắc, qua đó làm giảm tầm ảnh hưởng của ông và cũng là trừng phạt Quốc Dân đảng, thì đó lại là một việc làm có lợi đối với Bắc Kinh.

Người dân Đài Loan muốn giờ G lùi xa qua việc ủng hộ đảng Dân Tiến, nhưng triệt hạ Quốc Đân đảng như vậy thì lại có thể gây hiệu ứng ngược lại với những gì họ mong muốn.

Ngọc Việt