Khi đất nước thành miếng mồi cho ngoại bang cắn xé

06/12/2017 14:11
PHẠM DOÃN TÌNH
(GDVN) - Yemen hiện nay giống như một bàn cờ có rất nhiều người chơi, mà trong đó Ả-rập Xê-út và Iran là hai người chơi chính...

Mùa xuân Ả rập” được thực hiện thông qua vai trò vận động của các tổ chức xã hội dân sự cùng vai trò không thể phủ nhận của truyền thông, mạng xã hội;

Phong trào này đã từng khiến người dân ở Trung Đông nói chung và Yemen nói riêng “lâng lâng” trong niềm hy vọng về một nền tự do, dân chủ sau mấy chục năm bị kìm kẹp bởi một người;

Thế nhưng, tự do, dân chủ không thấy đâu, mà chỉ thấy những vết nứt trong lòng xã hội ngày càng lớn và các cuộc chiến tranh giành quyền lực diễn ra không hồi kết.

Cuộc khủng hoảng ở Yemen cũng bắt nguồn từ “Mùa xuân Ả rập”, khi người dân tiến hành các cuộc biểu tình quy mô lớn vào năm 2012.

Kết cục của những cuộc biểu tình đã lật đổ sự lãnh đạo suốt 32 năm liên tục của Tổng thống Ali Abdullah Saleh và lập nên chính quyền của Tổng thống Abdrabbuh Mansour Hadi - người sau này đã phải sống lưu vong ở nước ngoài.

Từ đây, đất nước Yemen dần lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, khi các phe phái được sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài đã tiến hành một cuộc chiến tranh giành quyền lực đẫm máu và đẩy đất nước rơi dần vào thảm kịch.

"Mùa xuân Ả-rập" là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Yemen (Ảnh: AP)
"Mùa xuân Ả-rập" là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Yemen (Ảnh: AP)

“Năm bè, bảy bên” trong cuộc chiến nồi da nấu thịt

Trong cuộc chiến quyền lực này, liên minh Houthis - Saleh (phong trào nổi dậy Houthis liên minh với lực lượng trung thành của cựu Tổng thống Saleh - đến nay đã đổ vỡ) - được sự hậu thuẫn của Iran và liên minh 10 nước Ả rập là hai đối thủ chính của cuộc chiến.

Theo đó, Yemen vô hình trung đã trở thành chiến trường cho cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa người Hồi giáo dòng Sunni cầm quyền ở Ả-rập Xê-út (ủng hộ cho chính quyền của Tổng thống lưu vong Hadi) và người Hồi giáo dòng Shiite nắm quyền ở Iran (ủng hộ cho liên minh Houthis - Saleh).

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là vai trò của Tổng thống lưu vong Hadi và cựu Tổng thống Saleh lại tương đối mờ nhạt.

Thay vào đó là vai trò nổi bật trong cuộc đối đầu công khai giữa hai thế lực chi phối Trung Đông là Ả-rập Xê-út và Iran, khiến cho cuộc nội chiến ở Yemen bị khu vực hóa.

Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman (Ảnh: AP)
Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman (Ảnh: AP)

Ả-rập Xê-út luôn lo ngại về một sự phát triển ảnh hưởng của Iran trong khu vực, bởi vậy việc kiềm chế Iran luôn là mục tiêu cao nhất của nước này.

Trong những nỗ lực kiềm chế Iran, Ả-rập Xê-út luôn chống lại các cuộc nổi dậy của người Shiite và coi lực lượng Houthis ở Yemen như là “một mũi giáo sắc nhọn của Iran, cần phải bẻ gãy”.

Lý do là bởi, phần lớn khu vực biên giới phía Nam của Ả-rập Xê-út tiếp giáp với Yemen.

Nếu như dân quân Houthis kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ của Yemen thì chắc chắn sẽ có một chính quyền thân Iran ngay ở “sân sau” của Ả-rập Xê-út.

Đây là điều mà Riyadh không thể chấp nhận được.

Trong khi đó, đối với Iran, ngoài các lợi ích liên quan đến địa kinh tế và địa chính trị của nước này ở Yemen, thì Tehran còn luôn coi việc thiết lập tầm ảnh hưởng đối với Yemen như là một sự thể hiện quyền lực của họ trong khu vực.

Bởi vậy, Iran và Ả-rập Xê-út đã biến cuộc nội chiến ở Yemen thành cuộc đối đầu quyền lực lúc ngấm ngầm, lúc công khai của chính họ ở khu vực Trung Đông.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani thị sát một bến cảng (Ảnh: AP)
Tổng thống Iran Hassan Rouhani thị sát một bến cảng (Ảnh: AP)

Tiếp theo, còn một bên trong cuộc chiến này, đó là Hoa Kỳ.

Ông John Kerry khi còn là Ngoại trưởng đã từng nói rằng, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ quân sự và tình báo cho liên minh quân sự của 10 quốc gia Ả-rập, nhưng sẽ không trực tiếp tham gia vào các cuộc tấn công chống liên minh Houthis - Saleh.

Trên thực tế, Hoa Kỳ ngày càng gia tăng sự hỗ trợ vũ khí cho liên minh quân sự 10 nước Ả-rập để tác động đến tình hình ở Yemen.

Ông Muhammad Anam, một trong những nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền “Đại hội chung toàn dân” ở Yemen đã từng nói với phóng viên Sputnik rằng:

“Ả-rập Xê-út thực ra chỉ là công cụ trong tay Hoa Kỳ. Và hành động của hai nước này thực chất chỉ hướng tới thực hiện những lợi ích chính trị của họ”. [1]

Ông Anam còn lưu ý thêm, một trong những mục đích của việc Hoa Kỳ tạo lập và hỗ trợ cho liên minh quân sự 10 nước Ả-rập là nhằm tấn công vào các lợi ích của Nga ở Trung Đông.

Tên lửa Patriot của Mỹ được cho là cung cấp liên quân 10 nước Ả-rập (Ảnh: AP)
Tên lửa Patriot của Mỹ được cho là cung cấp liên quân 10 nước Ả-rập (Ảnh: AP)

Cùng với sự hiện diện của Hoa Kỳ, thì cuộc xung đột ở Yemen còn là một “điểm đến” hấp dẫn có lợi cho sự can thiệp ngoại giao của Nga, nhằm làm nổi bật vai trò của Moscow ở khu vực Trung Đông.

Bởi vậy, Nga cũng đã không bỏ qua chiến trường Yemen.

Nhưng Moscow luôn thể hiện tư cách là khâu trung gian hòa giải để giải quyết cuộc xung đột tại đây.

Nga luôn tin tưởng vào vai trò trung gian hòa giải của mình, bởi Moscow đã duy trì mối quan hệ hợp tác với tất cả các bên chính trị lớn ở Yemen.

Và Nga luôn tin rằng, Ả-rập Xê-út sẽ sẵn sàng chấm dứt xung đột ở Yemen nếu nước này nhận được các điều khoản thỏa thuận chấp nhận được.

Ngoài sự can thiệp của các cường quốc nêu trên vào tình hình Yemen thông qua các hình thức khác nhau, thì Israel cũng được cho là nhúng tay vào bởi liên quan đến lợi ích hàng hải của họ;

Trong khi đó tổ chức khủng bố al-Qaeda và phiến quân Hồi giáo IS cũng đã tranh thủ cuộc khủng hoảng chính trị ở Yemen để thiết lập các vùng lãnh địa của chúng.

Tên lửa Qiam của Iran được cho là cung cấp cho lực lượng Houthis (Ảnh: AP)
Tên lửa Qiam của Iran được cho là cung cấp cho lực lượng Houthis (Ảnh: AP)

Như vậy, cuộc chiến tranh giành quyền lực ở Yemen không phải đơn thuần là một cuộc nội chiến, mà còn có sự can thiệp của các thế lực bên ngoài mang theo những toan tính lợi ích của họ, khiến cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia này đến nay vẫn chưa tìm được lối thoát.

Lợi ích nào cho những toan tính của các thế lực bên ngoài?

Yemen là nước kém phát triển nhất thế giới, đất đai khô cằn, không có nhiều tài nguyên khoáng sản, nhưng đổi lại quốc gia này có một vị trí địa kinh tế và địa chính trị cực kỳ quan trọng.

Yemen nằm ở Tây Á, phía Nam bán đảo Ả-rập, có đường bờ biển dài khoảng 2.000 km, tiếp giáp eo biển Bab Al-Mandeb - một eo biển chia cắt châu Á (Yemen) với châu Phi (Djibouti và Somali) và nối với Biển Đỏ vào Vịnh Aden của Ấn Độ Dương.

Vì vậy, eo biển Bab Al-Mandeb trở thành một điểm nút chiến lược quan trọng và là một trong những đường hàng hải bận rộn nhất thế giới, nối vùng Vịnh Ba Tư qua Ấn Độ Dương với Biển Địa Trung Hải qua Biển Đỏ, kết nối thương mại giữa châu Á, châu Phi và châu Âu. [2]

Tình trạng thiếu nước sạch và nước bị ô nhiễm ở Yemen (Ảnh: AP)
Tình trạng thiếu nước sạch và nước bị ô nhiễm ở Yemen (Ảnh: AP)

Với vị trí chiến lược quan trọng này, Ả-rập Xê-út rất sợ Yemen có một chính phủ thân Iran, bởi hầu như các hoạt động thương mại của các quốc gia trên bán đảo Ả-rập đều diễn ra bằng đường biển;

Do đó, nếu Iran chi phối được Yemen thì coi như các quốc gia trên bán đảo Ả-rập sẽ phụ thuộc vào tuyến đường hàng hải qua Vịnh Ba Tư - nơi mà Iran có thể chia cắt tại eo biển Hormuz, đồng thời Ả-rập Xê-út còn có nguy cơ bị Iran phong tỏa.

Vì vậy, Ả-rập Xê-út luôn muốn chi phối Yemen hoặc chí ít là ly khai được miền Nam Yemen theo họ, bởi khi đó, Ả-rập Xê-út sẽ tránh được những thách thức từ Iran và có được vị thế quan trọng hơn ở Trung Đông.

Ngoài ra, Ả-rập Xê-út hoặc Iran nếu nước nào thiết lập được chính phủ thân họ ở Yemen, thì sẽ giúp cho quốc gia đó nắm được vị trí chiến lược về quân sự, bởi khi đó họ có thể giám sát được toàn bộ hành lang hàng hải ở Vịnh Aden và eo biển Bab Al-Mandeb.

Từ vị trí địa chiến lược quan trọng này, nên cả Ả-rập Xê-út và Iran không bao giờ chấp nhận “bỏ qua” Yemen.

Đối với Hoa Kỳ, nước này cũng luôn muốn củng cố tầm ảnh hưởng ở eo biển Bab Al-Mandeb, cũng như kiểm soát được Vịnh Aden và quần đảo Socotra của Yemen.

Để thực hiện được ý định này, Hoa Kỳ cần phải có một chỗ đứng vững chắc trong vị trí địa chiến lược ở Yemen.

Chính điều này đã thôi thúc Hoa Kỳ đứng đằng sau cuộc chiến để hỗ trợ cho lực lượng liên quân 10 nước Ả-rập đang ủng hộ Tổng thống lưu vong Hadi thân Mỹ.

Một cậu bé Yemen 6 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng (Ảnh: AP)
Một cậu bé Yemen 6 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng (Ảnh: AP)

Đồng thời, hành động này của Hoa Kỳ cũng nhằm gửi một thông điệp đến Iran, Nga và Trung Quốc rằng, nếu họ can thiệp vào tình hình ở Yemen thì Hoa Kỳ sẽ không “ngồi yên”.

Israel quan tâm rất sâu sắc đến tình hình chính trị ở Yemen, là bởi Yemen có thể cắt đứt tuyến đường hàng hải kết nối Israel đến Ấn Độ Dương qua Biển Đỏ và ngăn chặn các tàu ngầm của họ triển khai tới vùng Vịnh Ba Tư để đối phó với Iran.

Bởi vậy, Israel cũng luôn thúc giục Hoa Kỳ can thiệp sâu hơn vào tình hình ở Yemen.

Đối với Nga, một sự can thiệp ngoại giao thành công tại Yemen cũng có nhiều ý nghĩa tích cực cho chương trình nghị sự địa chính trị của Moscow ở Trung Đông.

Từ năm 2009, Nga đã bày tỏ mong muốn thiết lập một căn cứ hải quân trên đất Yemen, nhằm làm tăng khả năng tiếp cận của Nga tới các tuyến đường hàng hải quan trọng, cũng như có một chỗ đứng vững chắc trong eo biển Bab el-Mandeb.

Ý tưởng này của Nga nếu thực hiện được sẽ giúp gia tăng đáng kể vị thế của Moscow như một siêu cường ở tại bán đảo Ả-rập, cũng giống như Hoa Kỳ đã có chỗ đứng ở eo biển Bab el-Mandeb và Trung Quốc đã xây dựng được căn cứ hải quân tại Djibouti (vùng Sừng châu Phi).

Thế nên, Nga đang cố gắng mở rộng sự hiện diện ngoại giao của mình tại Yemen nhằm tiến tới chấm dứt sự bế tắc của cuộc khủng hoảng dường như đang không thể cứu vãn được, để từ đó thực hiện những ý định chiến lược của nước này tại bán đảo Ả-rập.

Ngoài ra, tổ chức khủng bố al-Qaeda và phiến quân Hồi giáo IS cũng được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng ở Yemen.

Lợi dụng cuộc đấu đá quyền lực và giao tranh giữa các phe phái, hai nhóm khủng bố này đã tấn công và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ tại Yemen để mở rộng lực lượng.

Giới quan sát cho rằng, nếu Yemen tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng, thì al-Qaeda và IS sẽ có “một thiên đường” để phát triển giống như những gì mà IS đã có trước đây ở Syria.

Từ những phân tích trên, có thể rút ra nhận định rằng, Yemen hiện nay giống như một bàn cờ có rất nhiều người chơi, mà trong đó Ả-rập Xê-út và Iran là hai người chơi chính, nhưng những tác động của các kép phụ cũng có ý nghĩa rất quan trọng để xoay chuyển cục diện bàn cờ.

Thế nhưng, trong cục diện hiện tại, thế trận vẫn đang hết sức rằng co và chưa cho thấy bất cứ dấu hiệu nào của sự tàn cuộc.

Và như vậy, người dân Yemen sẽ phải tiếp tục gánh chịu sự rằng xé, đau khổ cả về thể chất và tinh thần trong một tương lai không có ánh sáng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vn.sputniknews.com/middle-east/201704203221281-hoa-ky-syria-yemen

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Yemen

PHẠM DOÃN TÌNH